Tôi tên Vy Thị Phương (45 tuổi), sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc vùng núi Tây Bắc. Đến năm 18 tuổi, tôi như bao cô gái bản khác lập gia đình cách nhà bố mẹ ruột không xa.
Tôi sinh được 2 người con một trai, một gái. Mọi người nhìn vào gia đình tôi cho rằng nhà có “đủ nếp đủ tẻ” vậy là hạnh phúc nhất rồi. Vợ chồng tôi gom góp lo cho các con ăn học nhưng “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, con gái ngoan bao nhiêu thì cậu con trai út của tôi lại tỏ ra hỗn hào, bất cần bấy nhiêu nhưng tôi không dám trách con.
Tôi phải làm sao để con khỏi hỗn hào (Ảnh minh họa).
Chồng tôi từ một người chăm chỉ làm ăn chuyển sang sa đọa, ăn chơi, rượu chè, thua cờ bạc về lại đánh đập, chửi bới vợ con…Không thể chịu được hơn nữa tôi quyết định ly hôn, hai con ở với tôi để tiện bề chăm sóc. Từ đó, con trai tôi cũng thường bỏ học đi chơi và trở về nhà rất hay tỏ ra ấm ức, khó chịu.
Có lần con trai xin tôi 3 triệu, nói để đi chơi với các bạn. Tôi không cho và kêu con phải chú tâm vào học, vậy là nó lầm bầm “đá thúng đụng nia”, tôi mắng con: “Sao con làm khổ mẹ thế, mới tí tuổi không lo học, chỉ lo chơi bời”. Con còn quay sang định đánh tôi vì tức, may thay con gái tôi khi ấy ở nhà đã ngăn lại. Chuyện trong nhà tôi không muốn nói ra ngoài, nhưng nhìn thấy những hành động bất cần, cáu kỉnh của con khiến lòng người mẹ như tôi đau đớn.
Đã mấy tháng nay, mẹ con tôi lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng. Đêm nào nằm ngủ một mình tôi cũng khóc vì thương cho phận mình lấy phải người chồng không ra gì, phần vì thương các con không có cha dạy bảo trở nên hỗn hào với người lớn.
Mới đây, tôi nhận được tin của cô giáo chủ nhiệm nói con tôi không đến lớp, bỏ học cả tuần nay. Tôi nên làm thế nào để con quay trở lại là một người con ngoan, hiền biết nghe lời theo đúng nghĩa?
Thanh Lam (ghi) / Theo Người Đưa Tin