Mặc dù thị trường vẫn “gập ghềnh” và áp lực bán gia tăng, song trên sàn UPCoM, cổ phiếu MPC của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú vẫn đang giữ được đà tăng giá. Mã này sáng nay tăng 0,76% lên 26.500 đồng/cổ phiếu.
Minh Phú vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 cho thấy doanh thu thuần giảm mạnh 34,1% so với cùng kỳ xuống 2.736 tỷ đồng, tuy nhiên, do giá vốn giảm với tốc độ tương ứng nên lợi nhuận gộp còn giảm 25,4% so với cùng kỳ.
Nhờ tiết giảm chi phi bán hàng 47,7% và chi phí quản lý doanh nghiệp 23,1% nên trong kỳ vừa rồi, “vua tôm” thu về được 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 121% so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng tăng 155,1% (tức gấp 2,5 lần) lên 179 tỷ đồng.
Bà Chu Thị Bình đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT thay chồng, Minh Phú báo lãi ròng tăng cực mạnh bất chấp doanh thu sụt giảm |
Hiện ông Lê Văn Quang đang giữ chức Tổng giám đốc Minh Phú và nhường vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị cho vợ mình là bà Chu Thị Bình. Sự thay đổi này nhằm đáp ứng quy định của Nghị định 71 yêu cầu Chủ tịch của một công ty đại chúng không được kiêm nhiệm làm Tổng giám đốc trong công ty.
Bà Chu Thị Bình cũng là cổ đông lớn nhất tại công ty này với sở hữu 35,64% trong khi ông Lê Văn Quang sở hữu 16,29% cổ phần.
Về thị trường chung, tuy rằng, có diễn biến tích cực trong những phút đầu của phiên giao dịch tuy nhiên chứng khoán sáng nay vẫn gặp khó sau đó và đồ thị đi xuống.
VN-Index thu hẹp đà tăng, chỉ còn tăng 1,25 điểm tương ứng 0,15% lên 844,33 điểm trong khi HNX-Index giảm 0,46 điểm tương ứng 0,39% còn 115,84 điểm và UPCoM-Index nhích nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,08% lên 56,56 điểm.
Thanh khoản đạt 158,83 triệu cổ phiếu tương ứng 2.519,69 tỷ đồng trên HSX và đạt 21,28 triệu cổ phiếu tương ứng 269,67 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 9,99 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 123,45 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã giảm với 329 mã giảm giá, 28 mã giảm sàn so với 292 mã tăng, 34 mã tăng trần.
Với diễn biến của cổ phiếu chỉ tăng giảm ở biên độ hẹp cho thấy nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng, không bán ra ồ ạt nhưng cũng không đổ mạnh dòng tiền vào mua cổ phiếu mới.
Trong rổ VN30 vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng phân hoá với 13 mã tăng, 14 mã giảm. Điều này khiến chỉ số VN30-Index bị kéo về sát ngưỡng tham chiếu, ghi nhận tăng 0,82 điểm tương ứng 0,1% lên 785,39 điểm.
Trong đó, MBB tăng giá tích cực, tăng 1,8% lên 16.800 đồng, POW tăng 1,6% lên 9.740 đồng; BID tăng 1,2% lên 38.950 đồng. PLX cũng tăng 1% lên 46.150 đồng, VNM tăng 0,9%; SAB tăng 0,7%; CTG tăng 0,6%; GAS tăng 0,4%; VJC tăng 0,4%...
Ở chiều ngược lại, ROS giảm 1,3% xuống 2.320 đồng; EIB giảm 1,2% xuống 16.800 đồng; SSI giảm 1% xuống 14.550 đồng. Bên cạnh đó, một số mã như MSN, VHM, HPG, VCB, VRE cũng giảm giá.
Theo đó, nếu như BID, VNM, SAB, MBB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số chính VN-Index thì chiều ngược lại, VHM, VCB, NVL… có tác động kém tích cực, gây áp lực lên VN-Index.
Về triển vọng của phiên hôm nay, chuyên gia VDSC nhận định, VN-Index vẫn đang được giữ ổn định bất chấp áp lực điều chỉnh. Điều này cho thấy, động lực tăng của thị trường vẫn còn, nếu động lực này có thể hỗ trợ VN-Index vượt thành công vùng cản 850 điểm thì nhịp tăng của thị trường sẽ được mở rộng và hướng đến vùng 880 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư được khuyên tạm thời nên ổn định danh mục và chờ tín hiệu cụ thể của thị trường, đồng thời nên ưu tiên những mã đang mạnh hơn thị trường và có tín hiệu kỹ thuật tốt.
Còn theo đánh giá của MBS, dòng tiền lớn đã hấp thụ phần lớn lượng cổ phiếu chốt lời nên giúp thị trường vẫn trụ vững trên ngưỡng 840 điểm.
Trong kịch bản tích cực, nhịp tăng mới sẽ tiếp tục nếu thị trường vượt thành công ngưỡng 845 điểm. Trong kịch bản cơ sở thị trường có khả năng duy trì trạng thái dao động trong vùng từ 820 điểm đến 840 điểm và dòng tiền có sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân Trí