Hà Tĩnh ngày nay

Nỗi đau và những tấm lòng sau lũ

Miền Trung trời đã hết mưa, gió đã lặng, đường sá đi lại dễ dàng hơn, nhưng những làng mạc nơi lũ đi qua vẫn xác xơ, tiêu điều. Cơn lũ dữ khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã khổ nay càng khổ thêm. Lại một lần người miền Trung trắng tay sau lũ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi, tặng quà gia đình giáo dân Giáo xứ Trị Bản, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Trọng Đức

Nỗi đau quặn lòng

Tính đến 16 giờ ngày 19/10, trận lũ lịch sử đã làm 30 người tử vong và mất tích; nhiều nhà cửa, tàu thuyền, gia súc, gia cầm, đường giao thông, các cơ sở hạ tầng bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi.

Ngay trong lũ, chúng tôi trở lại Quảng Bình, nhiều làng mạc vẫn còn chìm trong lũ, nước rút đến đâu người dân cùng nhau khắc phục, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, bàn ghế, vệ sinh môi trường đến đó.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường  đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt, trao quà cứu trợ  cho chính quyền và nhân dân  xã Phương Mỹ, Hương Khê – Hà Tĩnh.

Bố Trạch là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất, cả huyện có đến 5 người chết, nhiều người bị thương, nhiều nhà cửa, trâu bò bị lũ cuốn trôi. Người dân ở đây kể lại, do mưa lớn kéo dài liên tục nhiều ngày, 20 giờ  ngày 14/10/2016, nước từ đâu ập về dâng tràn ngập đường sá, nước thốc vào cuốn trôi hết mọi thứ trong nhà; trâu bò, gia súc, gia cầm bỗng chốc biến mất vì nước lũ dâng cao có chỗ lên tới 3 mét.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết, tỉnh đã chuẩn bị ngay từ khi có thông báo đợt mưa lớn này nguy cơ sẽ xảy ra lũ quét, kịp thời di dời dân ở những vùng thấp ra khỏi vùng lũ nguy hiểm nhưng mưa lớn, kéo dài liên tục hai ngày đêm liền, lượng mưa bình quân đo được từ 700-1.000mm nên thiệt hại tương đối lớn.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình; trận lũ đã khiến địa phương thiệt hại nặng nề, có 24 người chết, 25 người bị thương; 19 nhà dân bị trôi, 58 nhà bị tốc mái, sạt lở, 92.509 nhà bị ngập, 2 trường học bị tốc mái, 839 phòng học bị ngập, 237 phòng của trạm y tế, công trình phúc lợi khác bị tốc mái ngập lụt; 19 tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng; nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, hư hỏng, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại 4.296 tỷ đồng. Về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc: Có 2.054m chiều dài đê kè, 46.030m chiều dài kênh mương bị sạt lở, cuốn trôi; 2 công trình  hồ chứa, đập dâng, 10 công trình đập tràn bị hư hỏng… Ước tính thiệt hại lên tới 1.400 tỷ đồng.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng quà bà con vùng rốn lũ Phương Mỹ (Hương Khê – Hà Tĩnh).

Hà Tĩnh cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, với 108 xã, phường, 30.111 hộ bị ngập, có nơi ngập sâu từ 2 – 3m; một số tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã bị ngập sâu, ách tắc giao thông gây khó khăn cho việc tiếp cận và cứu trợ. Đặc biệt, đã có 6 người thiệt mạng do mưa lũ. Về nông nghiệp: Diện tích lúa mùa bị ngập 774ha; hoa màu bị ngập, hư hỏng 2.497ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng 701ha; lương thực bị ẩm ướt, hư hỏng 662,66 tấn; gần 2.072 con gia súc, 172.735 con gia cầm bị chết, hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập 1.306ha. Về giao thông, thủy lợi: khối lượng đất, đá, bê tông, nhựa đường bị sạt lở trên 109.938m3; chiều dài đường bị sạt lở, hư hỏng 70.396,5km… Ước tính thiệt hại trên  994,054 tỷ đồng.

Và những tấm lòng

Một lần nữa cả nước lại hướng về miền Trung ruột thịt, sẵn sàng chia sẻ nỗi đau mất mát do thiên tai gây ra. Văn phòng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu kêu gọi mỗi cán bộ, nhân viên văn phòng quyên góp một ngày lương, đồng thời Chính phủ sẽ hỗ trợ tiền, gạo để kịp thời giúp các tỉnh sớm khắc phục sau lũ, ổn định cuộc sống. Liên tiếp sau đó, các bộ, ngành, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước đã gửi tiền, gạo, mỳ tôm, trong đó phải kể đến các lực lượng vũ trang công an, quân đội, biên phòng…

Ngày 16/10, ngay sau khi cơn lũ lịch sử xảy ra tại miền Trung, với tinh thần lá lành đùm lá rách, cán bộ, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã quyên góp 300 suất quà và trao tặng kịp thời cho bà con xã Thanh Trạch (Quảng Trạch – Quảng Bình).

Nhiều nhà văn, nghệ sĩ, ca sỹ, các nhà báo đã tự đứng ra tổ chức kêu gọi quyên góp hàng chục tỷ đồng kịp thời gửi đến tận tay đồng bào ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ấn tượng hơn cả, một cháu bé học sinh lớp 4 ở quận 2, TP.Hồ Chí Minh nhịn ăn sáng 5 ngày, xin thêm tiền bố mẹ để mua sách gửi ra cho các bạn học sinh lớp 4 ở Tuyên Hóa (Quảng Bình), nơi bị cơn lũ lịch sử nhấn chìm, mọi phương tiện dạy và học, sách vở đều bị lũ cuốn trôi tất cả. Một gia đình ở Thanh Hóa, hai vợ chồng đều làm nông nghiệp khi nghe đồng bào ở Hương Khê (Hà Tĩnh) bị thiệt hại quá lớn do lũ, hai vợ chồng đã tự đi xe máy mang theo 12 thùng lương khô, 12 chai nước khoáng vượt đò. trao trực tiếp cho 12 gia đình ở xã Phương Điền (Hương Khê). Hay MC Phan Anh, sau mấy ngày kêu gọi cộng đồng đã quyên góp được số tiền hơn 16 tỷ đồng ủng hộ đồng bào, những món quà ý nghĩa cũng đã được chuyển đến bà con vùng lũ.

Người dân Thạch Hà (Hà Tĩnh) ra đồng khi nước đã rút.

Ngày 16/10, Báo Kinh tế nông thôn đã tặng 300 hộ gia đình xã Thanh Trạch (Quảng Trạch – Quảng Bình). Những hành động lớn, nhỏ tất cả đều chung một chí hướng, vì đồng bào miền Trung ruột thịt.

Sau một chuyến đi chúng tôi lại được chứng kiến tình đoàn kết tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách luôn được thể hiện ở mọi con người đất Việt. Mỗi khi ở đâu có hoạn nạn xảy ra thì ở đó xuất hiện những tấm lòng nghĩa cử cao đẹp.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính, từ ngày 17/10, ngoài kêu gọi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tòa soạn và các đơn vị trực thuộc ủng hộ ít nhất một ngày lương hoặc tiền mặt, Báo Kinh tế nông thôn mở cuộc vận động và tiếp nhận đóng góp của bạn đọc trong và ngoài nước chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung lũ lụt, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

Đóng góp của các nhà hảo tâm sẽ được báo phối hợp với chính quyền địa phương chuyển nhanh nhất đến tận tay của đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Anh Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP