Giáo dục

Nỗi cơ cực của giáo viên mầm non sau khi nghỉ hưu

Các cô giáo mầm non khi nhận quyết định lương hưu chỉ 1,3 triệu đồng/ tháng đều bất ngờ đến bàng hoàng. Có cô nhìn vào quyết định thì ngã quỵ, cô thì khóc ướt cả vai áo đồng nghiệp. Hầu hết giáo viên mầm non này đều ở vùng nông thôn. Khi về hưu chỉ sống dựa vào đồng lương. Lương thấp, các cô biết làm gì để phòng khi ốm đau, bệnh tật?

Cô Đinh Thị Hà được Trường mầm non Xuân Hòa ký hợp đồng nấu ăn tại trường. ẢNH: V. ĐỒNG

Khóc rưng rức khi cầm quyết định lương hưu

Chúng tôi tìm gặp cô Đinh Thị Hà (66 tuổi, xóm 10, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An) vừa có quyết định nghỉ hưu với số tiền lương hưu được bù đủ là 1,3 triệu đồng/ tháng khi cô đang lúi húi rửa mớ chè xanh phục vụ các giáo viên tại Trường mầm non Xuân Hòa.

Vẻ mặt cô đượm buồn khi nhớ lại ngày cô nhờ đồng nghiệp chở đến Phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn để nhận quyết định hưởng lương hưu sau 32 năm làm việc. “Lúc đó là đầu tháng 3/2017, cầm quyết định tôi thấy số tiền hơn 1,7 triệu đồng liền khoe với đồng nghiệp. Nhưng một đồng nghiệp giải thích 1,7 triệu đồng là số tiền làm căn cứ tính lương hưu. Còn lương hưu của tôi thực nhận hơn 1,2 triệu đồng (hiện tại được bù đủ thành 1,3 triệu đồng). Nghe vậy, tôi thẫn thờ ngồi sau xe đồng nghiệp về nhà với bàn tay cầm chặt quyết định, mặt gục vào vai đồng nghiệp, khóc rưng rức”, cô Hà buồn bã kể.

Chia sẻ thêm với chúng tôi về thời gian công tác của mình, cô Hà cho biết: “Tôi bắt đầu dạy ở nhà trẻ từ năm 1985. Ngày đó, mỗi xóm có một lớp với 2 giáo viên và 40 học sinh. Tiền công chúng tôi được trả bằng lúa. Cứ một mùa (6 tháng) tùy theo năng suất của hợp tác xã thì được nhận từ 3-5 yến lúa. Mấy năm sau thì được nhận vài chục nghìn tiền lương. Đến khoảng năm 2003, chúng tôi bắt đầu đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH). Để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì các đồng nghiệp bảo tôi đóng truy thu từ ngày 1/1/1995. Để có tiền đóng truy thu tôi phải vay mượn anh em hơn 2 triệu đồng. Ngày đó khó khăn lắm, vì chồng tôi mất, một mình nuôi con nhỏ nên số tiền này phải mất 6 – 7 năm mới trả hết cho anh em”.

Do tiền lương quá ít, cô Hà được nhà trường tạo điều kiện ký hợp đồng nấu ăn cho các trẻ mầm non, mỗi tháng cũng được trả công 2 triệu đồng. Cô Hà ngậm ngùi: “Tôi còn may mắn khi được nhà trường giữ lại nấu ăn cho các bé. Nhiều bạn bè đồng nghiệp của tôi khi về hưu phải bám vào ruộng đồng, hái rau, nhặt nhạnh những quả trứng gà, vịt để bán ngoài chợ kiếm thêm miếng ăn hàng ngày”.

Hiếm có bữa trưa trọn vẹn

Cô Nguyễn Thị Xuân chăm lo cho các bé mầm non ngủ trưa. ẢNH: V. ĐỒNG

Không chỉ các giáo viên mầm non đã nghỉ hưu chạnh buồn với đồng lương quá ít ỏi mà nỗi lòng giáo viên chuẩn bị về hưu cũng chất chứa bao nghĩ ngợi, lo toan. Cô Nguyễn Thị Xuân (54 tuổi) giáo viên Trường mầm non Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn bộc bạch: “Nghề giữ trẻ rất vất vả, nhất là những ngày đầu các bé bỡ ngỡ bước đến cổng trường. Khi bước vào lớp các bé đều khóc không chịu rời bố mẹ. Chúng tôi phải làm mọi cách dỗ dành, đến lúc các bé quen dần với môi trường mới. Việc ăn uống, ngủ trưa, đi vệ sinh của các bé đòi hỏi cô giáo mầm non phải hết sức kiên tâm, kiên nhẫn mới có thể hoàn thành được công việc”.

Khi biết thông tin các đồng nghiệp nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng, cô Xuân rưng rưng: “Nửa đời người chúng tôi có khi nào có được bữa ăn trưa đúng nghĩa. Vừa cầm bát cơm có bé khóc lại chạy vội ra dỗ dành…Vì vậy, chúng tôi ăn phải tranh thủ thật nhanh. Ăn xong lại phải trực cho các bé ngủ. Bé nào ngủ áo cao quá rốn lại phải nhẹ nhàng kéo lại… phải lo cho các bé từng li, từng tí như lo cho con mình vậy”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có bữa trưa các cô giáo tại Trường mầm non Nam Lĩnh tự góp 15.000 đồng. Cô nào nhà khó khăn hơn thì đưa mì tôm hoặc cặp lồng cơm với dưa cà đến trường để ăn trưa cùng.

Đưa bàn tay gầy guộc lau vội nước mắt, cô Xuân băn khoăn: “Tôi cũng giống như trường hợp của cô Trương Thị Lan (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và cô Nguyễn Thị Vỹ (xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Năm sau tôi nghỉ hưu thì số năm đóng Bảo hiểm của tôi là 23 năm lại đúng vào năm Luật BHXH mới được áp dụng thì tiền lương của tôi không biết sẽ ra sao. Tôi cũng đã dự trù rồi, nếu tiền lương như cô Lan, cô Vỹ thì tôi sẽ xin các hộ dân gần nhà nhường cho ít ruộng để làm thuê. Chắt bóp đồng tiền, miếng ăn để dành cho cuộc sống về già”.

Những lý giải xót xa

Ông Nguyễn Quang Quyết – Trưởng phòng chế độ BHXH tỉnh Nghệ An giải thích về lương hưu của hai cô giáo nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng. ẢNH: V. ĐỒNG

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Quyết, Trưởng phòng chế độ - BHXH tỉnh Nghệ An cho biết, các cô giáo mầm non nhận lương hưu chỉ 1,3 triệu đồng/tháng hầu hết là giáo viên vùng nông thôn. Các cô thuộc diện này đúng là thiệt thòi đủ đường so với các giáo viên ở thành phố, thị xã vì số năm công tác của giáo viên nông thôn chỉ được tính từ ngày 1/1/1995. Còn giáo viên thành phố, thị xã thì vào biên chế lúc nào sẽ được tính từ lúc đó. Vì vậy số năm công tác, thời gian đóng bảo hiểm sẽ dài hơn kéo theo đó là nhiều quyền lợi hơn so với giáo viên ở vùng nông thôn, cụ thể là bậc lương, thâm niên nghề.

Sở dĩ có sự khác biệt như vậy là do, các cô giáo mầm non ở nông thôn công tác trước năm 1995 nhận lương bằng công điểm (chủ yếu được Hợp tác xã quy ra lúa, gạo). Quãng thời gian này họ không được tính vào quá trình đóng BHXH. Vì thế mà thời gian các cô công tác rất dài nhưng quá trình công tác chỉ được tính từ năm 1995. Việc các cô được truy đóng BHXH từ năm 1995 thể hiện rõ trong công văn 2150 của Bộ GD&ĐT cùng BHXH Việt Nam ngày 22/3/2004.

Như vậy, mới có trường hợp như cô Lan (ở Hà Tĩnh) nhận lương 1.262 đồng và được bù thêm gần 38.000 đồng để đủ mức lương cơ sở (1,3 triệu/tháng) hay như cô Vỹ, cô Hà và rất nhiều trường hợp tương tự khác trên cả nước.

Giải thích về Luật BHXH mới được áp dụng vào ngày 1/1/2018 thì các cô giáo này sẽ nhận lương hưu ra sao. Ông Quyết nói: “Theo quy định thì giáo viên công tác đủ 20 năm thì mới nhận được lương hưu và được bù đủ với lương cơ sở 1,3 triệu đồng. Còn dưới 20 năm thì phải đóng thêm BHXH tự nguyện (hiện nay thì số đóng thêm BHXH tự nguyện đủ 20 năm cũng đã được bù đủ từ năm 2016). Luật BHXH mới được áp dụng 2018, nếu theo tính toán thì giáo viên như trên được hưởng lương hưu sẽ thấp hơn nhưng cũng sẽ được bù đủ về mức lương cơ sở”.

Ông Quyết cho biết thêm, nguyên nhân khiến mức lương hưu của nhóm giáo viên Mầm non thấp là do ba yếu tố: Mức đóng của giáo viên thấp, thời gian đóng và tuổi nghỉ hưu. Trường hợp cô giáo mầm nom mức đóng bảo hiểm cao, đủ năm công tác (với nữ 25 năm, nam 30 năm) và đủ tuổi về hưu (55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam) thì mới hưởng đủ 75% lương đóng bảo hiểm thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 30/10 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chuyện nhận lương hưu thấp không phải riêng các cô giáo mầm non hay một mình trường hợp của cô Trương Thị Lan (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mà đây là thực trạng phổ biến của các thầy, cô vì thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới.

Hiện, Bộ GD&ĐT đang làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để đưa thang bảng lương của các thầy cô vào Luật Giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Đứng về mặt Nhà nước quy định là như thế nhưng thực tế các thầy cô hy sinh gần như cả đời, giờ về hưu lương chỉ 1,3 triệu đồng thì sống sao được. Bộ đang tiếp thu, sửa chữa, dự kiến kỳ họp Quốc hội tháng 5/2018 sẽ cho ý kiến và kỳ họp tháng 10/2018 sẽ thông qua để làm sao vị thế của người giáo viên được đặt đúng chỗ thì mới kịp thời khuyến khích, động viên các thầy cô”.

Tác giả: Vũ Đồng

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

  Từ khóa: về hưu , giáo viên , cơ cực

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP