Hà Tĩnh ngày nay

Nỗi buồn sau những cuộc vui

Câu chuyện đau lòng do “ma men” làm chất xúc tác gây ra không phải là mới. Tuy nhiên, những vụ án gần đây mà cơ quan Công an điều tra làm rõ, thì nó không bao giờ cũ.


Đó cũng là bài học đắt giá cho mỗi người, mỗi nhà và cả cộng đồng xã hội luôn sâu sát, giáo dục con em, đừng để sau mỗi cuộc vui lại nhận những nỗi buồn quá lớn với hai nghịch cảnh: người bị cướp đi sinh mạng, kẻ phải rơi vào vòng lao lý, khi tuổi đời còn quá trẻ…


Lời ân hận phía sau song sắt…


Một ngày cuối tháng 3/2013, chúng tôi gặp Phạm Quốc Toản (SN 1992) và Phạm Trường Sơn (SN 1984) đều trú ở xã Liên Minh, huyện Đức Thọ tại Trại Tạm giam Công an Hà Tĩnh. Lần đầu tiên tiếp xúc với Toản và Sơn, cả hai đều toát lên vẻ hiền lành, thật thà, trái với những kẻ chủ động gây án với tội danh “Giết người” mà chúng tôi từng gặp. Phạm Quốc Toản năm nay 21 tuổi. Toản cúi mặt nói với chúng tôi: “Em ân hận lắm anh chị ạ”.

Đối tượng Phạm Quốc Toản


Với một thanh niên như Toản, những tưởng tương lai tươi sáng mỉm cười, nhưng cũng vì mâu thuẫn nhỏ, vì ma men mà phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Toản kể với chúng tôi câu chuyện trong nước mắt:


“Ngày 22/2 là em lên đường tòng quân chị à. Vì điều kiện gia đình khó khăn em nghỉ học từ năm lớp 8. Mấy năm tìm công việc riêng để bươn chải với cuộc sống, vừa rồi, em trúng tuyển, được đi nghĩa vụ quân sự, hạnh phúc lắm chị. Tối 21/2 gia đình tổ chức liên hoan chia tay bạn bè, gia đình, người thân và em có uống một vài ly rượu. Khoảng 21h, em lên xã thôn Châu Thịnh, xã Đức Châu để chia tay bạn gái. Tại đây, em có xích mích với Trần Khánh Huy (SN 1993), xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, rồi hai bên dẫn đến xô xát. Do cả hai hiếu thắng, Huy đã gọi 5 người bên xã Nam Cường đến, em cũng gọi 18 thanh niên trong xã để phân thắng bại. Lúc đó bản thân em không còn biết đến chuyện mai phải nhập ngũ nữa mà chỉ nghĩ đến phải “cho chúng nó bài học”. Khi bọn em thấy một thanh niên đến, tay cầm kiếm, vì sợ quá mà cả em và anh Phạm Trường Sơn xông vào đánh. Xô xát trong giây lát mà người thanh niên gã ngục rồi chết. Người đó là anh Lê Hồng Thuấn (SN 1974) ở xóm 5, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn”.


Không riêng gì Toản mà Sơn cũng chưa hết bàng hoàng, vì bản thân mình là người gây án. Sơn bảo: mấy năm đi lao động bên Thái Lan, thu nhập một tháng khoảng 10 triệu đồng, cũng đủ giúp cha mẹ những ngày còn khó khăn. Dự định làm vài năm nữa để có tý vốn tự lập cuộc sống. Em về quê đợt này là để chia tay em họ (tức Toản) đi bộ đội. Ai ngờ hai anh em lại gây ra tội lỗi thế này. Em ân hận lắm….


Báo động sau lũy tre làng


Không riêng gì vụ án đau lòng trên đây mà rất nhiều vụ trọng án khác nguyên nhân đều bắt đầu từ những cuộc vui. Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Hà, ngày 25/6/2012, gia đình chị Nguyễn Thị Thảo ở xóm 7, xã Thạch Ngọc, Thạch Hà chuẩn bị tổ chức đám cưới cho con gái. Khoảng 19h thì Lê Bá Lam, Phan Danh Nghĩa, Nguyễn Gia Công, Lê Quý Hoàng, Nguyễn Gia Mạnh, Nguyễn Gia Quý (đều trú tại xóm 1 xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà) đến chơi. Khoảng 21h30, nhóm của Lam và Công ra về. Ra đến cổng thì Công thấy Phan Bá Tú (trú tại xóm 7, xã Thạch Ngọc) từ ngoài đường đi vào. Vì Công và Tú có mâu thuẫn từ trước nên Công chạy đến kéo Tú kéo ra ngoài thì Tú bỏ chạy. Tiếp đó, Công, Nghĩa, Mạnh đuổi theo kịp và đánh Tú. Thấy bạn bị đánh nên Trần Danh Đăng (đang có mặt trong đám cưới) chạy ra can ngăn. Lúc đó, Lam cũng đang đứng bên cạnh, nghĩ là Lam cùng đồng bọn đánh mình nên Đăng tay phải cầm dao đâm ngang 1 nhát trúng vào ngực trái Lam, nhát dao của Đăng khiến Lam chết ngay tại chỗ.

Công an huyện Thạch Hà lấy lời khai từ bị hại tại vụ án xảy ra tại đám cưới


Khoảng 22 giờ ngày 25/2/2013, tại đám cưới nhà anh Nguyễn Xuân Diệu ở thôn Trí Nang, xã Thạch Kênh, hai nhóm thanh niên ở xã Thạch Kênh và Thạch Liên đã gây rối, đánh nhau, trong đó có đối tượng dùng dao chém anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1987) ở thôn Trí Nang, xã Thạch Kênh. Hậu quả, anh Hiệp bị đứt 4 gân ở bàn tay trái và 1 vết chém ở vai phải, đang điều trị tại Bệnh viện 115 Nghệ An. Sau khi thực hiện hành vi, các đối tượng liên quan đã bỏ trốn khỏi địa phương.


Đến nay, Công an huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đã điều tra làm rõ hai nhóm đối tượng, gồm Phạm Tiến Hải (SN 1992) ở thôn Trí Lưu, xã Thạch Kênh; Nguyễn Sỹ Đức (SN 1994) ở thôn Khang, xã Thạch Liên; Nguyễn Văn Hải (SN 1992) ở thôn Trí Năng, xã Thạch Kênh; Trần Viết Thìn (SN 1993) ở thôn Nam Kênh, xã Thạch Kênh; Mai Xuân Hành (SN 1993) ở thôn Trí Nam, xã Thạch Kênh. Qua đấu tranh, lực lượng Công an huyện Thạch Hà đã làm rõ đối tượng Phạm Tiến Hải là người trực tiếp cầm dao chém anh Hiệp


Bài học cảnh tỉnh


Những vụ án mà chúng tôi nêu trên chỉ là điển hình trong số nhiều vụ án có nguyên nhân từ rượu xảy ra trong thời gian gần đây . Vẫn biết phong tục cổ truyền dân tộc trong các ngày vui của các gia đình thì nên có một chút rượu để chúc mừng và chia sẻ niềm vui, hạnh phúc. Nhưng thực tế thì các cơ quan y tế luôn khuyến cáo mỗi người hãy hạn chế sử dụng. Bởi rượu không chỉ gây ảnh hưởng tới thần kinh và các cơ quan khác trong cơ thể, mà khi uống nhiều rượu còn làm cho con người mất khả năng kiểm soát và điều khiển bản thân. Mong rằng, những vụ án đau lòng từ rượu sẽ là bài học để đời cho mỗi người


Theo thượng tá Nguyễn Quang Tuệ – Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Thọ thì một số vụ án dẫn đến hậu quả chết người nhưng lại bắt đầu từ nguyên nhân do mâu thuẫn bột phát nhất thời. Chỉ vì một xích mích nhỏ trong khi uống rượu, hoặc uống rượu quá chén không làm chủ được hành vi dẫn đến phạm tội. Nhiều vụ án diễn ra rất nhanh, bất ngờ nên để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này gặp không ít khó khăn.


Một số vụ mặc dù đã được phát hiện và các bên đã tự giải quyết nhưng không mang lại hiệu quả hoặc những người có trách nhiệm hòa giải do chưa thấu đáo nên đã dẫn đến hành vi giết người.


Để phòng ngừa với loại tội phạm này, Thượng tá Nguyễn Quang Tuệ cho biết: Lực lượng Công an các cấp đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, vận động nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phẩm chất đạo đức cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt, lực lượng công an địa bàn cần chủ động nắm tình hình để kịp thời phát hiện các vụ mâu thuẫn, giải quyết kịp thời không để kéo dài bởi đó sẽ là nguy cơ bùng phát của tội ác.


Trước thực tế đi kèm với “thú” uống rượu – bia của một bộ phận giới trẻ hiện nay, thiết nghĩ, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra (gây tổn hại sức khỏe cơ thể, ảnh hưởng nhân cách sống…), nhất là khi Điều 14 – Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định rõ: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”, giới trẻ cần nhận thức đầy đủ hơn nữa về tác hại do rượu – bia gây ra. Thay vì tìm đến rượu – bia, hãy lựa chọn cho mình những cuộc vui, giải trí lành mạnh.Cũng theo phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Thọ thì: Người phạm tội đến đâu sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, nhận án phạt đúng với tội danh mà mình có hành vi gây ra đến đó, chứ không có chuyện, coi việc sử dụng rượu bia trước khi thực hiện hành vi phạm tội để xem xét, làm tình tiết giảm nhẹ hình phạt./.


Xuân Lý – Văn Hùng

Công An Hà Tĩnh

  Từ khóa: Đánh nhau , Ma men , Nổi buồn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP