Là bác sĩ một bệnh viện tuyến huyện, mấy năm nay, chồng chị Trúc ở Thạch Thất, Hà Nội luôn nhận được quà Tết là một chiếc nồi hay chảo. "Khổ cái là những món đó không dùng được cho bếp từ mà nhà mình đang có nên toàn mang cho anh em họ hàng có bếp ga", chị Trúc nói. Chị hay đùa chồng rằng may là anh được thưởng đồ gia dụng, chứ không phải kim tiêm, chỉ khâu hay xilanh..., thì có muốn cho người khác dịp cuối năm cũng không dám.
Không may như chồng chị Trúc, chí ít món quà còn nguyên vẹn, hôm qua, xách túi quà thưởng Tết ra xe về nhà, chị Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) lỡ tay làm rơi khiến hai chai nước mắm vỡ tan nát.
"Thế là mất toi gần nửa phần thưởng rồi", chị Ngọc nửa đùa nửa thật. Chị cho biết, như thông lệ 5 năm nay, thưởng Tết của chị gồm một túi giấy đựng hai chai nước mắm 500ml, một cân chè và 200.000 đồng. "Sát Tết nào cũng hóng xem liệu năm nay có khá hơn không mà cuối cùng vẫn y nguyên. Sáu năm về trước thì thưởng là 10kg gạo", chị Ngọc, nhân viên một Bộ lớn tại Hà Nội, chia sẻ.
Năm đầu tiên nhận thưởng, chị Ngọc từng thất vọng tràn trề. Nhưng tới giờ, thưởng Tết đã trở thành chuyện đùa của mọi người dịp cuối năm. "Đồng nghiệp đều bảo nhau năm mới vậy là ấm rồi vì có đủ cả đồ ăn, đồ uống lẫn tiền tươi", chị nói.
Nồi, chảo..., món quà Tết không năm nào sử dụng được của nhà chị Trúc... Ảnh minh họa. |
Mới làm một năm ở cơ sở chuyên bán hàng xách tay trên mạng, Mai (Hoài Đức, Hà Nội), háo hức đợi tới thưởng Tết. Ông bà chủ của Mai là Việt kiều rất giàu có, chuyên chuyển hàng từ nước ngoài về cho công ty gia đình phân phối. Khi nghe tin năm nay công ty sẽ thưởng cho nhân viên bằng các sản phẩm cao cấp thay vì tiền mặt, Mai về khoe ngay là năm nay sẽ tặng người thân toàn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ngoại, tốt. Tuy nhiên, tối qua, khi cả nhà cùng mở túi quà xem, ý nghĩ đầu tiên của cô gái 24 tuổi này là sẽ xin nghỉ việc ngay.
"Sữa ong chúa, kem dưỡng da, nho khô... tất cả đều là hàng cận date. Những thứ này chắc chắn bán chẳng ai mua. Em thấy mình bị coi thường và đối xử quá đáng. Em cũng thấy xấu hổ với bố mẹ và các anh chị trong nhà", Mai thổ lộ.
Đợi thưởng Tết để trả tiền mua nội thất cho ngôi nhà mới, anh Tâm (Hà Đông, Hà Nội) thẫn thờ khi thấy con số nhận được chỉ bằng 1/3 kỳ vọng. Làm việc 8 năm cho một công ty tư nhân về công nghệ, anh nghĩ khoản thưởng năm nay ít nhất cũng bằng năm trước, tầm 40 triệu đồng nên tháng trước đã đặt bộ nội thất mới dù bị vợ phản đối.
"Mình to mồm bảo vợ là được thưởng anh sẽ trả hết, không phải lo gì cả. Hứa với người ta trước Tết sẽ thanh toán, giờ món tiền sau khi trừ thuế được có hơn chục triệu, không biết xoay kiểu gì", anh Tâm kể.
Điều khiến anh sốc là khoản thưởng giảm quá mạnh trong khi năm qua mình vẫn làm việc chăm chỉ và công ty làm ăn không đến nỗi nào. "Tôi không biết trước mình sẽ được thưởng bao nhiêu, chỉ hồi hộp chờ đợi và đến hôm qua nhận thì không tin nổi vào mắt mình. Tôi cũng không dám kể với vợ, định vay tạm thằng bạn ít tiền trả nợ và góp với vợ sắm Tết vậy", anh Tâm kể.
Tài khoản hiển thị số tiền thưởng Tết 500.000 đồng của anh Thắng, nhân viên một công ty thiết bị giáo dục tại Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. "Năm ngoái được thưởng 4 triệu thấy ít, năm nay tụt xuống 500.000, không biết tiêu gì luôn", anh Thắng nói. |
Là dân xây dựng, năm nay được công ty cử đi công tác ở tỉnh xa mấy tháng liền, anh Quảng (Thanh Nhàn, Hà Nội) luôn an ủi vợ cố vất vả một mình chăm hai con, thể nào cuối năm chồng cũng có món lớn. Thế nhưng tới Tết ông Công ông Táo, anh vẫn chưa nhận được xu nào. Hỏi kế toán, anh nhận được câu trả lời là năm nay thua lỗ nên công ty cắt thưởng, chỉ có két bia và trả lương tháng 2 sớm.
"Chồng đi xa biền biệt suốt, cuối năm lại tay trắng về nhà, không biết vợ sẽ thế nào. Có lẽ vài ngày tới phải dùng hạ sách là đưa vợ đi quẹt thẻ mua đồ, ra Tết tìm cách trả ngân hàng sau", anh Quảng nói.
Bỏ việc ngân hàng với lương vài chục triệu một tháng để mở công ty riêng về giáo dục, Tết năm nay, anh Hà (Hoàng Cầu, Hà Nội) không có khoản thưởng Tết vài trăm triệu như mọi năm nữa. Đổi lại, anh phải lo lương và thưởng cho các nhân viên trước khi cho mọi người nghỉ Tết vào chiều nay.
"Sáng nay phải xin tiền vợ đi uống cà phê rồi vì không còn một đồng nào. Dù vậy, mình thấy thanh thản và không hề tiếc nuối về quyết định đã có. Năm nay Tết ít tiền, tự thưởng cho mình một khoảng thảnh thơi thay vì căng đầu tính toán, thưởng cho con cái thời gian vui chơi, quan sát Hà Nội vào Tết thay vì ngồi nhà xem TV đợi bố mẹ ngược xuôi bên ngoài", anh Hà chia sẻ.
Tác giả: Vương Linh
Nguồn tin: Báo VnExpress