Di tích - Thắng cảnh

Những di cốt “biết nói” ở Di chỉ khảo cổ học Rú Điệp (Thạch Hà)

Di cốt người nguyên thủy nằm rải rác trong hố thám sát rộng 4m2, sâu 1m trở xuống, tầng văn hóa bị xáo trộn, trong lớp đất đen trộn lẫn với vỏ sò, điệp

Đầu thập niên 30, thế kỷ XX, thời Pháp thuộc, di chỉ Rú Điệp ở xã Thạch Đài cùng với di chỉ Thạch Lạc và Cồn Sò ở xã Thạch Lâm (Thạch Hà) được nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani khảo sát và xác định thuộc di chỉ cồn sò điệp ven biển miền Trung…
Những di cốt `biết nói` ở Di chỉ khảo cổ học Rú Điệp

Ở đấy, sò điệp được chất thành cồn cao, trong đó, chứa đựng các dụng cụ sinh hoạt, lao động, xương động vật và di cốt người tiền sử. Vì vậy, các nhà khảo cổ học xác định, đây là những cồn sò điệp nhân tạo do con người sống và lao động đánh bắt, hái lượm tích tụ trong một thời gian dài mà thành. Từ đó đến nay, đã có nhiều đoàn khảo cổ đến nghiên cứu, xác định tọa độ và địa hình, thu lượm được một số hiện vật trên mặt đất. Tuy nhiên, những công việc đó mới chỉ dừng lại ở khảo sát mà chưa có cuộc khai quật bài bản và quy mô.

Để tạo cơ sở phục vụ việc lập bản đồ khảo cổ học tỉnh Hà Tĩnh và làm sáng tỏ thêm giá trị lịch sử, văn hóa, tháng 11/2014, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tiến hành đào thám sát tại tọa độ N 18o20’14.2’’, E 105o51’37.2” thuộc di chỉ Rú Điệp, địa phận thôn Kỳ Sơn, xã Thạch Đài. Đợt thám sát này đã có thêm nhiều phát hiện quan trọng như các dụng cụ lao động, mảnh gốm, xương động vật và đặc biệt có di cốt của người nguyên thủy thuộc hậu kỳ đá mới cách ngày nay khoảng 4.000-5.000 năm.

Di cốt người nguyên thủy nằm rải rác trong hố thám sát rộng 4m2, sâu 1m trở xuống, tầng văn hóa bị xáo trộn, trong lớp đất đen trộn lẫn với vỏ sò, điệp, nhiều nhất là cách mặt đất 0,8m, bao gồm xương trán bên trái, xương đùi, xương chày bên phải, xương hàm răng dưới, xương cánh tay, phần trên của xương mác tiếp xúc với xương đùi, điều xa của xương cánh tay, đốt sống, xương đốt bàn tay giữa, xương gót chân bên phải. Các bộ phận xương này được phủ một lớp thổ hoàng trên bề mặt có màu vàng đỏ, không còn nguyên vẹn.

Vì nằm dưới đất trong thời gian dài nên chúng dễ bị gãy, vỡ, phần lớn bị hóa thạch. Bộ phận hộp sọ bị vỡ có mảnh đỉnh sọ, đường kính 12 cm, xương dày, bề ngoài nhẵn, một bên còn thấy cả hốc mắt chứa đầy đất và vỏ điệp. Xương cẳng chân, cùi tay, cùi chân bị gãy thành nhiều khúc dài 20 cm, đường kính 2 cm. Một số xương bàn chân còn nguyên vẹn, hai đầu to, ở giữa thon nhỏ lại. Xương hàm răng cong hình cánh cung, phần dưới phía sau bị gãy, phần trước chỉ còn lại hai chiếc răng hàm đã hóa thạch, phía trên còn thấy chân của răng tiền hàm, hai răng hàm một, mặt nhai của răng hàm hai, ngà răng, có điểm chấm di truyền.

Qua nghiên cứu những xương đùi to nhỏ khác nhau còn sót lại, nhà nhân chủng học Trương Hữu Nghĩa thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam bước đầu xác định, lần phát hiện này bao gồm hai cá thể người Thạch Đài cổ có chiều cao, trọng lượng khác nhau, cùng sinh sống và lao động vào thời hậu kỳ đá mới.

Ở xung quanh di cốt, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều công cụ lao động, xương động vật và mảnh gốm. Công cụ lao động có bàn mài, chày nghiền, dấu Hòa Bình, phác vật, đá nguyên liệu đều là đá sa thạch. Các bàn mài thường được mài lõm; chày nghiền bề mặt nhẵn kích thước vừa đủ cầm; gốm xương thô, bở, màu đỏ, không tráng men, bề mặt trang trí hoa văn, kỹ thuật khắc vạch và thường dính than tro màu đen. Một số xương óng động vật được người nguyên thủy chẻ ra làm công cụ lao động. Đặc biệt, đợt thám sát này phát hiện công cụ tạo ra lửa mang dấu Hòa Bình vốn tìm thấy nhiều ở các di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình. Các phác vật công cụ lao động có kích thước tương đối nhỏ, bề mặt còn thấy nhiều vết ghè đẽo.

Theo Giáo sư Nguyễn Chiều, phát hiện di cốt người nguyên thủy lần này rất quan trọng, giúp chúng ta tìm ra chủ nhân của di chỉ cồn sò điệp Rú Điệp ở xã Thạch Đài. Cũng giống với di chỉ Thạch Lạc, di chỉ Rú Điệp có địa điểm cư trú và mai táng thường nằm một chỗ. Qua các phát hiện lần này cho thấy, con người bấy giờ đã biết chế tạo, sử dụng công cụ lao động để tác động vào tự nhiên, tạo ra của cải, vật chất để duy trì cuộc sống, đặc biệt, giúp chúng ta biết đời sống tinh thần, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai với mong muốn con người sau khi chết được tái sinh và có trình độ thẩm mỹ tương đối phong phú. Tuy nhiên, đợt thám sát lần này chưa phát hiện đồ trang sức và vũ khí. Vì các công cụ lao động được làm bằng đá sa thạch là loại đá không được tìm thấy xung quanh vùng này nên đã hé mở cho chúng ta giả thuyết, phải chăng, đã có sự giao lưu, trao đổi nguyên liệu chế tác của con người lúc bấy giờ.

Thời gian tới, Bảo tàng Hà Tĩnh sẽ bảo quản tốt và mời các chuyên gia về nhân chủng học xác định giới tính, độ tuổi, chiều cao của di cốt người nguyên thủy di chỉ Rú Điệp, sau đó, đề nghị Bộ VH-TT&DL ra quyết định cho phép khai quật di chỉ khảo cổ học này.

Trần Phi Công

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP