Bộ đội biên phòng Việt Nam – Lào phối hợp tổ chức tuần tra song phương.
Những cột mốc đầu tiên
Qua lời giới thiệu của Đại tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, chúng tôi cùng tổ trinh sát thực hiện chuyến ngược ngàn lên vùng biên giới Việt – Lào, nơi lực lượng cắm mốc của hai nước đang chuẩn bị cắm điểm cột mốc biên giới cuối cùng cho kịp đón Xuân trên dải biên cương thân yêu của Tổ quốc.
Đường lên biên giới gồ ghề đèo dốc, suối sâu vực thẳm, ngồi trên chiếc xe chuyên dụng nhiều lúc cứ tưởng người bị hất tung khỏi thùng xe. Đến dốc Vũ Quang, nơi lưu lại ký ức một thời oanh liệt của Tướng quân Phan Đình Phùng, qua cầu Mạn Chạn, tới bản Cò, cả đoàn phải dừng xe, bởi trước mặt là cả một ngọn núi dựng đứng. Đoàn tạm nghỉ ngơi, đợi trinh sát định hướng để tiếp tục hành quân bằng cách “cuốc bộ”. Chỉ sau mấy phút, Đại tá, Tham mưu trưởng Nguyễn Huy Trung phụ trách chuyến đi này, cũng là chỉ huy của cả đợt cắm mốc phát lệnh “vượt rừng”. Thế là cả đoàn lỉnh kỉnh tay xách, nách mang, nào gạo, nước uống, lương khô, bánh mì…, tất cả theo hướng ngược rừng mà đi.
Một chiến sĩ trẻ đi bên tôi nói nhỏ: “Nhà báo chuẩn bị tinh thần để lội bộ bốn ngày đêm ròng rã đấy”. Nghe chuyện phải lội rừng bốn ngày đêm, phần nào tôi cũng lo lắng, nhưng tinh thần vẫn hăng hái bởi đích đến của chuyến đi là cột mốc 496 – cột mốc duy nhất còn lại ở độ cao hơn 2.200m, thuộc địa phận xã Hương Quang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Nơi đó, các chiến sĩ bộ đội biên phòng Việt Nam và Công an Lào đang chờ đoàn Việt Nam lên để tiến hành lễ ký kết cắm cột mốc cuối cùng giữa hai nước Việt – Lào. Mặc dù đèo cao, suối sâu, vực thẳm, thời tiết ở Trường Sơn đỏng đảnh lúc mưa, lúc nắng; muỗi, sên vắt bám đầy chân, tay; quần áo ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt, nhưng may có mấy anh lính trẻ thỉnh thoảng lại cất lên tiếng hát như “liều thuốc tinh thần” cổ vũ mọi người bấm chắc chân vượt dốc.
Đêm Trường Sơn lạnh thấu da thịt. Chúng tôi phải cắm lán, đốt lửa trại ngủ giữa rừng. Đại tá Trung kể về chuyện cắm mốc biên giới xưa và nay cho tôi nghe: Năm 1977, hai nước Việt Nam – Lào bắt đầu hoạch định cắm những cột mốc làm ranh giới giữa hai nước, với chiều dài hơn 2.067km. Mốc đầu tiên được cắm tại miền cực Bắc của Tổ quốc thuộc huyện Mường Nhé (Điện Biên). Hệ thống cột mốc từ đó kéo dài suốt qua các tỉnh biên giới, đến Hà Tĩnh rồi vào tận các tỉnh phía Nam. Mốc đầu tiên ở Hà Tĩnh được cắm tại khu vực biên giới xã Sơn Hồng, giáp với tỉnh Bô-ly-khăm-xay. Cũng theo Đại tá Trung, lúc bấy giờ chỉ có lực lượng công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) ta và bạn thực hiện ký kết giữa chính phủ hai nước. Sau khi phân định xong đường biên, phía Việt Nam giao lực lượng công an vũ trang các tỉnh biên giới phối hợp song phương với lực lượng nước bạn cắm tạm các cột mốc. Lúc này, Công an vũ trang Việt Nam cử Thượng úy Đoàn Minh Trị (sau này ông mang hàm Đại tá, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) làm tổ trưởng tổ cắm mốc. Những cột mốc ban đầu được dựng lên và cũng từ đó lực lượng biên phòng hai nước luôn xem đường biên giới là chiếc cầu nối nặng tình hữu nghị hai nước Việt – Lào nên thường xuyên tổ chức phối hợp các đợt tuần tra song phương nhằm bảo đảm an ninh lãnh thổ của cả hai nước.
Thực hiện kế hoạch tôn tạo, tăng dày mốc giới của Ủy ban Liên hiệp phân giới cắm mốc, cuối năm 2008, lực lượng hai nước thực hiện công tác chuẩn bị, đến đầu năm 2009, các cột mốc lần lượt được cắm xuống. Sau gần 5 năm băng rừng, lội suối, cơm đùm cơm nắm, đến nay lực lượng cắm mốc hai nước đã khảo sát, cắm xong thực địa 53/54 mốc, bắt nguồn từ cột 463-515 với tổng chiều dài hơn 145km từ Nghệ An đến Quảng Bình, giáp với hai tỉnh Khăm Muộn và Bô-ly-khăm-xay (Lào). Trong số 54 mốc có 53 mốc chính và một mốc phụ đặt ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn. Dự kiến, mốc phụ này cũng sẽ hoàn tất trước Tết Nguyên đán Bính Thân – 2016. Được biết, tham gia các đợt cắm mốc ở phía ta có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành, nhưng lực lượng chính vẫn là bộ đội biên phòng các đồn đóng trên địa bàn.
Đến cột mốc cuối cùng
Sau ba ngày trèo đèo, vượt suối, băng rừng, chuyện kể của Đại tá Trung rồi cũng xa dần, để lại phía sau bao nhiêu kỷ niệm. Tuy cột mốc nơi chúng tôi cần đến chỉ còn cách chưa đầy nửa ngày đi bộ nhưng lúc này hoàng hôn bắt đầu buông xuống nên cả đoàn phải nghỉ lại giữa rừng. Tôi đang đứng ngẩn ngơ trước cánh rừng bao la, bỗng giật mình khi nghe tiếng hoẵng kêu toang toác ngay cạnh một gốc cây cổ thụ. Mọi người đều có chung cảm nhận, thiên nhiên và con người nơi biên viễn này thật gần gũi biết nhường nào. Càng về khuya, núi rừng càng u tịch. Xa xa là tiếng hú của bầy vượn, tiếng chí chóe gọi bầy của lũ khỉ, tiếng gọi đàn của các loài muông thú, lòng tôi cảm thấy xốn xang khi nghĩ về những người lính biên phòng ngày đêm bồng súng đứng gác ở những nơi đèo heo hút gió này. Họ sẵn sàng hiến trọn cả tuổi thanh xuân cho non sông đất nước.
Qua một đêm nghỉ ngơi, sáng sớm tinh mơ, cả đoàn đều nhận được lời động viên, cổ vũ của Đại tá, Tham mưu trưởng Nguyễn Huy Trung: “Anh em cố lên, chỉ còn nửa ngày đường nữa là tới mốc 496 rồi đó”. Trong lời động viên của Đại tá Trung có điều gì đó như nhắc nhở mọi người phải cẩn thận trong từng đường đi, nước bước, bởi trước mắt là dốc đá hiểm trở. Khi cả đoàn trèo qua được phiến đá tai mèo, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, dừng lại mấy phút để lấy sức mà đi tiếp. Ngước mắt nhìn lên phía lưng chừng núi vẫn là những mái đá tai mèo dựng đứng. Phía dưới là vực sâu thăm thẳm, nước xanh ngắt như mắt mèo. Trèo lên tụt xuống hàng chục lần, người trước nắm tay người sau, hì hục mãi cuối cùng đoàn chúng tôi cũng chạm được đích cuối cùng của cột mốc. Anh em bám trụ từ lâu ở đây đã ùa ra ôm chầm lấy chúng tôi, tay bắt mặt mừng.
Chúng tôi xúm quanh cột mốc, Thượng úy Cao Hữu Hóa nhớ lại những ngày đầu vất vả gian nan khi đi khảo sát thực địa. Thượng úy Hóa kể: “Khi tiếp lệnh chỉ đạo khảo sát cột mốc này, tổ công tác của chúng tôi bao gồm 10 cán bộ, chiến sĩ. Khi khảo sát xong vị trí đặt mốc, trên đường trở về, gặp phải một cơn lũ trái mùa, đúng lúc này, toàn bộ lương thực mang theo đã cạn kiệt, anh em phải nhịn đói nằm chờ nước rút. Bằng mọi biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi liên lạc về Bộ chỉ huy và được lệnh chờ tiếp tế bằng con đường huy động một số người dân ở vùng biên giới vượt rừng lên cứu tế bằng những gói mì tôm, lương khô và bánh mì. Cả tổ phải nằm lại giữa rừng, hơn 5 ngày sau nước mới rút, mọi người dắt díu nhau nhích dần, nhích dần từng đoạn mới tìm về đơn vị an toàn”.
Ở nơi cột mốc chạm trời
Đội trưởng đội cắm mốc tỉnh Xa-va-na-khệt Xóm Văng Bun Nã Phay nói với chúng tôi: “Các bạn Việt Nam nên nhớ, tại điểm chúng ta đang đứng có độ cao nhất biên giới giữa nước Lào và Việt Nam đó”. Tôi tranh thủ phóng tầm mắt ra xa để chiêm ngưỡng sự bao la, hùng vĩ của đất trời. Thượng úy Hóa tiếp lời: “Thật may cho đoàn ta là mang theo được ít thức ăn, nước uống chứ ở độ cao này, nấu cơm không bao giờ chín, anh em bám trụ ở đây, hằng ngày phải xuống núi mới nấu chín cơm mà ăn”.
Được biết, để gắn được cột mốc vào nơi quy định này, cả phía bạn và ta đều phải lên xuống, đi lại nhiều lần nhằm đối chiếu tọa độ, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, nhất là việc vận chuyển cột mốc. Quá trình vận chuyển phải mất gần hai tháng trời, bao gian nan vất vả đều được đẩy lùi về phía sau, khi cột mốc được dựng lên ở độ cao hơn 2.000m.
Trước lúc cắm mốc, đại diện giữa bạn và ta dùng máy GPS gắn vào đầu cột mốc, đo bằng định vị vệ tinh toàn cầu, kiểm tra mọi thông số kỹ thuật. Nhớ mãi giây phút khi Quốc ca của hai nước Việt Nam – Lào cất lên giữa núi rừng, nghe thiêng liêng biết nhường nào. Khi quốc ca hai nước vừa dứt, cũng là lúc những mẻ bê-tông được trộn đều đổ xuống. Đại diện phía Việt Nam là Đại tá, Tham mưu trưởng Nguyễn Huy Trung; đại diện phía nước bạn Lào là Trung tá Xóm Văng Bun Nã Phay đổ mẻ bê-tông đầu tiên xuống cột mốc, như để thắt chặt thêm tình hữu nghị keo sơn hai nước Việt – Lào anh em.
Tạm biệt núi rừng Trường Sơn bao la hùng vĩ, khi vạn vật, cây cối bắt đầu đơm chồi non lộc biếc, báo hiệu một mùa Xuân mới đã tràn về. Cả đoàn chúng tôi không quên nhìn lại phía sau cả dãy cột mốc biên giới Việt – Lào như đoàn quân trùng điệp chạy dài theo đất nước. Mỗi cột mốc như một chiến sĩ ngày đêm bồng súng đứng gác nơi biên giới, góp phần giữ sự bình yên cho Tổ quốc vào xuân.
Anh Bình