Tranh thủ lấy hoa trái ở đường hoa Hàm Nghi, TP.HCM tối mùng 4 Tết Ất Mùi – Ảnh: H.S |
Tôi phải đọc đi đọc lại con số này nhiều lần vì sợ mình nhầm. Nhưng nhiều cơ quan truyền thông đều đưa tin như vậy, con số là do Bộ Y tế công bố sau khi có báo cáo tổng kết. Tai nạn giao thông trong ba ngày tết là chuyện năm nào cũng có. Nhưng năm nay mới có thêm tổng kết về tai nạn do… đánh nhau. Đó mới thực sự là tai họa, do con người chủ động gây ra cho đồng bào của mình, và gây ra cho chính mình. Nó là một báo động đỏ về tình trạng bạo lực leo thang trong xã hội. Ngay trong những ngày tết, là những ngày mà lẽ ra, người Việt mình phải cư xử với nhau một cách hài hòa nhất, thân thiện nhất. Ngày tết, gặp nhau là chúc vạn sự lành, trăm điều tốt đẹp trong năm mới. Nhiều mắc mớ, trắc trở, mâu thuẫn trong năm cũ cũng được mọi người chủ động dẹp bỏ, gác sang bên trong ba ngày tết. Lẽ nào trong ba ngày tết, gặp nhau là đưa… nắm đấm, hoặc tệ hơn, là hung khí để… mừng xuân (?).
6.207 người nhập viện do đánh nhau Chiều 23.2, báo cáo của Bộ Y tế cho biết trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận 6.207 người nhập viện do đánh nhau (trong đó 15 người tử vong), trong tổng số hơn 226.000 lượt khám cấp cứu, tai nạn nhập viện. Chỉ trong đêm giao thừa và mùng 1 tết có hơn 800 ca chấn thương do đánh nhau nhập viện. Những ngày sau đó số ca cấp cứu chấn thương do đánh nhau tiếp tục tăng cao, như mùng 3 tết có tới 950 trường hợp phải nhập viện do đánh nhau. Nhân viên Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết những người nhập viện do đánh phần lớn là thanh niên, đánh nhau trong lúc có uống rượu. Trong khi đó, tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ 30 đến chiều mùng 5 Tết Ất Mùi đã tiếp nhận 45 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu. Đến chiều mùng 5 vẫn còn 2 người nằm viện điều trị. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, có 1.848 trường hợp đến khám do có triệu chứng của ngộ độc thức ăn trong 8 ngày nghỉ tết vừa qua (15 – 22.2). Liên Châu |
Thanh Thảo