Di tích - Thắng cảnh

Những chuyện lạ lùng về giếng “ma” Hà Tĩnh

Mấy năm về trước, đêm nào giếng cũng phát ra tiếng động lạ như người múc nước. Đặc biệt, tiếng này chỉ phát ra ban đêm, còn ban ngày thì yên ắng.

Giếng cổ ma quái này được nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Hà Tĩnh tình cờ phát hiện cách đây ít lâu sau một chuyến khảo sát khu di tích ở xóm Hữu Quyền, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên. Theo người dân địa phương thì giếng mà nhóm nghiên cứu phát hiện ẩn chứa rất nhiều hiện tượng lạ lùng, khó lý giải…

Giếng phát ra tiếng động lạ?

Giếng “ma” ở xóm Hữu Quyền có tên gọi là giếng Chòm. Từ trước đến nay, ở làng Hữu Quyền có 3 chiếc giếng cổ, đó là giếng Chòm, giếng Đá và giếng Thềm. Ba giếng này tạo thành một hình tam giác án ngữ ba góc của làng, cả ba đều có kiểu cấu trúc như nhau là hình vuông, sâu khoảng 3 – 4m, rộng 2m, xung quanh được ốp những phiến gỗ quí, qua nhiều thế kỷ mà vẫn cứng như đá, đen như than. Tuy nhiên, giếng Thềm và giếng Đá không thấy khắc những ký tự lạ trên gỗ như ở giếng Chòm.

Theo bà Bùi Thị Tứ, ở làng Hữu Quyền thì giếng Chòm ẩn chứa rất nhiều điều kỳ quái. Mấy năm về trước, đêm nào giếng cũng phát ra tiếng động lạ giống như người múc nước. Quá lạ lùng, nhiều người đã rình mò xem có người nào múc nước đêm khuya hay không, thế nhưng không phát hiện được người nào, trong khi tiếng kẽo kẹt múc nước thì vẫn cứ đều đều phát ra khiến nhiều người run sợ. Đặc biệt, tiếng kêu này chỉ phát ra vào ban đêm, còn ban ngày thì yên ắng.

Gần một thế kỷ trôi qua nhưng giếng Chòm chỉ bị sứt mẻ một góc nhỏ.
Khi được hỏi về lịch sử của giếng Chòm, người dân làng Hữu Quyền từ già tới trẻ không ai biết, chỉ có điều cứ đời này qua đời khác, các thế hệ con dân trong làng vẫn bảo ban con cháu là sống chết gì vẫn phải bảo vệ cho được giếng Chòm.

Ông Trần Hữu Minh cho biết: “Ở làng có thông lệ là vào tháng 6 âm lịch hằng năm, dân làng phải tổ chức tát giếng để cầu mong cuộc sống an lành, mùa màng bội thu giống như mạch nước không ngừng tuôn chảy dưới đáy giếng. Việc tát giếng là thông lệ, thế nhưng trước khi tát giếng không cần làm lễ cúng hay thắp hương gì cả, thông lệ của làng thì cứ thế mà triển khai”.

Trước đây, việc tát giếng do đoàn thanh niên trong làng đứng ra đảm nhiệm, thanh niên sẽ đứng thành hai hàng quanh giếng thay nhau múc nước, khi nước rút bớt đi thì phải xuống kỳ cọ, lau chùi những phiến gỗ cho sạch và vớt những thứ rác rưởi, bùn đất bao trùm mạch nước dưới đáy giếng.

Đầu thế kỷ XIX, thực dân Pháp cho trùng tu, cơi nới giếng Chòm như hình dạng ngày nay.
Ông Minh trầm trồ: “Tát giếng nào thì không biết nhưng đụng đến giếng Chòm thì vất vả lắm chú ơi, đoàn thanh niên thay nhau múc nước bở hơi tai mới theo kịp tốc độ phun nước của mạch dưới giếng, có thời điểm, làng huy động tới 3 máy hút nước cỡ lớn mới đánh vật được với cái giếng kỳ lạ này và thời gian hút nước nhằm vào mùa khô cũng là nhằm vào lúc lưu lượng nước trong mạch phun ra giảm đi thì mới thau giếng thành công”.

Trước những hiện tượng kỳ lạ ở giếng Chòm, chúng tôi đã tìm đến Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh để tìm lời giải. Ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng cho biết: “Đây là giếng rất quý hiếm, thuộc thời kỳ Chăm Pa cách đây hàng trăm năm. Ngay sau khi phát hiện, Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích Lịch sử cần được bảo vệ”.

“Đã từ lâu, dân làng chúng tôi mong muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ xây một tháp nước ngay cạnh giếng Chòm cùng với đường dẫn đến tất cả các hộ dân trong làng, xã vì đây là nguồn nước sạch, được người dân bảo vệ từ hàng trăm năm nay để sử dụng. Nếu có nước sạch giếng Chòm, người dân sẽ không phải dùng nước bẩn và cũng không phải trả tiền cho các nhà máy nước nữa”.

Ông Trần Hữu Minh


Quách Trần

Kiến Thức

  Từ khóa: giếng ma , giếng cổ , Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP