Chiến tranh đã lùi về dĩ vãng, nhưng sự khắc nghiệt của thời gian và sức mạnh của dòng nước cũng không thể xóa nhòa được những dấu ấn minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh.
Sau gần 2 giờ đồng hồ đi thuyền máy dọc theo lòng hồ Kẻ Gỗ, mảnh đất linh thiêng đã dần hiện rõ. Bước chân tìm về với địa chỉ đỏ của chúng tôi dường như gấp gáp hơn. Khi nhìn lại chân đường 22 còn trơ sỏi đá, một phần sân bay dã chiến Libi với chi chít hố bom, những bờ cây, khe suối vẫn còn in đậm dấu ấn của những tháng ngày chiến đấu và hy sinh anh dũng của các lực luợng công nhân, TNXP qua lời người dẫn đường, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Thời gian trôi đi, những dấu ấn lịch sử vẫn còn nhưng việc tìm kiếm những nhân chứng của một thời bom rơi đạn nổ – những người từng cống hiến một phần xương máu của mình cho mảnh đất này – ngày càng khó khăn hơn.
Rong ruổi trên hành trình tìm kiếm tư liệu lịch sử về những trận đánh trên sân bay, chúng tôi may mắn gặp được ông Dương Trành ở thôn Đồng Nương, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên). Ông Trành nguyên là công nhân Xí nghiệp Gạch ngói Cẩm Thành – một trong những người may mắn còn sống sót trong trận mưa bom B52 vào cuối tháng 12/1972. Dù tuổi đời đã ngoài thất thập cổ lai hy nhưng với ông, những ký ức khó quên ấy vẫn còn hiện rõ trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
Ông Trành kể: “Tháng 10/1972, Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Thành gồm 32 người được điều động vào km 11, km 12 cùng với các lực lượng khác tập trung tổng lực làm sân bay Libi. Tôi còn nhớ như in cái ngày 21/12/1972. Lúc ấy, khoảng 3 hay 4 giờ sáng, mọi người đang ngủ say trong lán sau một ngày làm việc vất vả. Giật mình tỉnh giấc, tôi bỗng nghe tiếng B52 gầm rú như xé nát bầu trời. Hàng trăm quả bom cùng lúc phát nổ. Tôi vừa hô hoán mọi người vừa chạy vội ra một khe suối cạn. Khi mọi người chưa kịp bừng tỉnh thì một quả bom đã rơi ngay lán. 18 người chỉ mình tôi còn sống sót với cái chân bị thương tật suốt đời”.
Theo ông Trành, trận đánh bom đêm đó có lẽ phải đến cả trăm đồng chí hy sinh. Riêng Xí nghiệp Gạch ngói Cẩm Thành có 32 người thì chỉ còn 3 người sống sót.
Với bà Nguyễn Thị Đàn (cựu TNXP thuộc Công ty Đường bộ 4 – Bộ GTVT, hiện đang sống tại xã Cẩm Bình) thì đó là một đêm không thể nào quên. Bị B52 của Mỹ cướp đi một cánh tay, nhưng bà còn may mắn hơn đồng đội khi còn sống sót trở về. Vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng những hồi ức về đồng đội, về trận B52 năm đó lại hiện về đau đáu trong bà mỗi lần ai nhắc đến. Bà nhớ lại: “Nghe tiếng bom nổ và tiếng hô hoán, tôi vừa kịp vén màn bước xuống thì bỗng nghe buốt trong người. Nhìn xuống thì một cánh tay đã bị bom cắt lìa. Không kịp kêu lên một tiếng, bà Đàn vội trườn xuống hầm bởi loạt B52 đã xé tan căn lán mà bà và đồng đội đang trú. Ngất đi vì đau đớn và tiếng bom B52 nổ bên tai, sáng ngày hôm sau bà Đàn mới tỉnh dậy sau khi được sơ cứu. Trận đó, đồng đội hy sinh nhiều quá. Người xếp nằm thành hàng dễ có đến cả trăm, đó là chưa kể có những đồng chí không còn tìm thấy xác”.
Sau lần B52 rải thảm ấy, với ý chí kiên cường, cùng quyết tâm đánh đuổi giặc thù, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, một lực lượng TNXP khác cùng với lực lượng dân quân ở các xã lân cận được điều đến sửa chữa tuyến đường 22 để nối liền mạch máu giao thông. Cùng với sự hy sinh xuơng máu của biết bao người, tuyến đường 22 huyền thoại đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình trong việc chia lửa cho tuyến đường 15 để những chuyến xe chở nặng tình cảm hậu phương kịp thời ra tiền tuyến. Riêng sân bay dã chiến Libi đã không còn sử dụng trong kế hoạch đánh Mỹ của quân đội Việt Nam.
35 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến tranh kết thúc, điều mà nhóm phóng viên chúng tôi băn khoăn trong quá trình tìm lại lịch sử là tư liệu về con đường 22 huyền thoại và trận đánh phá sân bay dã chiến Libi quá ít ỏi. Ngay cả ở Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh cũng không lưu giữ một dòng tư liệu nào.
Theo ông Phan Khắc Quỳnh nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ thời bấy giờ, có lẽ sau chiến tranh, với việc xây dựng công trình đại thuỷ nông Kẻ Gỗ đã khiến cho mọi người không còn nhớ đến chứng tích này. Năm 2005, sau khi có nhiều người dân đánh cá trong lòng hồ phát hiện ra những ngôi mộ hiện lên khi nước rút, xã mới bắt đầu cho cất bốc, di dời số mộ này ra khỏi lòng hồ. Đến nay, xã Cẩm Mỹ và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Xuyên đã di dời được 47 hài cốt về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Cẩm Xuyên. Nhưng hiện tại có thể vẫn còn rất nhiều đồng chí, đồng đội vẫn còn nằm lạnh lẽo trong lòng hồ mà chưa bao gìơ được biết đến cây hương ngọn khói.
Khi những hoạt động tri ân các gia đình chính sách, các anh hùng liệt sỹ đã trở thành phong trào, thành ý thức trách nhiệm của mỗi người, thì nơi đây – chứng tích về một sân bay dã chiến, một con đường huyền thoại cùng với sự hy sinh anh dũng của biết bao nguời – vẫn còn bị quên lãng theo thời gian.
“Chúng tôi chỉ mong sẽ có sự quan tâm của các cấp ngành liên quan trong việc xây dựng một đài tưởng niệm để có thể thường xuyên chăm nom hương khói, để hương hồn các anh hùng liệt sỹ còn nằm lại nơi đây bớt phần hiu quạnh. Và đây cũng chính là mong muồn thiết tha của biết bao người dân trên quê hương Cẩm Mỹ”. Xin được mượn lời tâm sự của ông Phan Khắc Quỳnh để kết thúc cho chuyến đi của chúng tôi trong hành trình tìm về những địa danh lịch sử bị lãng quên này.
Tháng 12/2010
Thuý Ngọc – Quang Linh
Baohatinh