TP Hà Tĩnh

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2015

Ảnh minh họa.

Mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài; Ngân hàng chỉ được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; Quy định mới về hỗ trợ việc làm, trợ cấp thất nghiệp… là những chính sách mới đáng chú ý có hiệu lực chính thức từ tháng 9/2015.
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2015

Mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài 
Nội dung này được quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP, bãi bỏ Quyết định 55/2009/QĐ-TTg.
Cụ thể, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng Việt Nam được thực hiện như sau: Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ thực hiện theo điều ước quốc tế.
Công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì áp dụng quy định đó, trường hợp chưa có quy định mà hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.
Công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu không vượt quá mức thấp nhất mà các ngành, nghề đó có quy định, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác;
Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
Nội dung này được điều chỉnh bởi Thông tư 09/2015/TT-NHNN, Thông tư này thay thế Quyết định 59/2006/QĐ-NHNN.
Cụ thể: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận tại Giấy phép thành lập và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.
Tương tự, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng khác khi tổ chức tín dụng mẹ có tỷ nệ lợ xấu dưới 3%, trừ khi mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%.
Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 6 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 6 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa: Không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định;
Hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/9/2015 và các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 1/1/2015.
Điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại
Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại quy định điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại.
Các phương tiện, thiết bị lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục 2 (B) ban hành kèm theo Thông tư này.
Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển chất thải nguy hại. Một phương tiện, thiết bị chỉ được đăng ký cho một Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trừ các phương tiện vận chuyển đường biển, đường sắt, đường hàng không.
Công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại và trạm trung chuyển chất thải nguy hại (nếu có) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục 2 (B) ban hành kèm theo Thông tư này….
Thông tư 36/2015/TT-BTNMT thay thế Thông tư 12/2011/TT-BTNMT .
Xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích
Ngày 14/7/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 26/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Theo đó, căn cứ để xác định tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích gồm: Định mức lao động; Tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và lao động quản lý tham gia thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.
Trong đó, định mức lao động do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh ban hành làm cơ sở để xác định tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích phải bảo đảm mức trung bình tiên tiến.
Tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ bình quân xác định trên cơ sở hệ số lương cấp bậc, chuyên môn, nghiệp vụ, hệ số phụ cấp lương của lao động thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích nhân với mức lương cơ sở và hệ số điều chỉnh tăng thêm theo từng vùng.
Tiền lương của lao động quản lý được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản theo hạng tổng công ty và công ty đòi hỏi để thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích. Hệ số lương, hệ số phụ cấp lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và mức lương cơ bản của lao động quản lý quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư 26/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1/9/2015.
Quy định mới về hỗ trợ tạo việc làm
Ngày 9/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2015/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.
Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng (Thời hạn cụ thể do Ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận). Lãi suất vay vốn bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Nghị định 61/2015/NĐ-CP  có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2015.
Hướng dẫn cách thức giao dịch điện tử về thuế
Từ ngày 10/9/2015, các đối tượng là người nộp thuế theo quy định tại Điều 2 Luật Quản lý thuế 2006 sẽ thực hiện các thủ tục hành chính về thuế bằng phương thức điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư 110/2015/TT-BTC .
Theo đó, người nộp thuế phải đáp ứng các điều kiện sau: Có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hay công nhận. Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử, có số điện thoại di động (đối với cá nhân chưa được cấp chứng thư số) đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế.
Người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết.
Ngoài ra, Thông tư 110/2015/TT-BTC cũng hướng dẫn cách thức thực hiện giao dịch điện tử trong việc đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế…

(Tổng hợp)

GIA CÁT/ Bizlive

  Từ khóa: hiệu lực , chính sách

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP