Nhạc sĩ Lương Minh
Vào tối 28/2, nhạc sĩ Lương Minh – Phó Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam bất ngờ qua đời sau cơn đột quỵ ở tuổi 49 tại TP.HCM.
Nhạc sĩ Lương Minh tên đầy đủ là Lương Ngọc Minh. Ông sinh ngày 28/7/1967 tại Hà Nội. Nhạc sĩ Lương Minh từng theo học khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội. Ông là thành viên sáng lập của Ban Nhạc nhẹ Hoa Sữa vào năm 1987. Từ năm 1997 anh bắt đầu công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam và từng đảm nhiệm vị trí Phó Ban Văn nghệ Đài THVN.
Ngoài ra, nhạc sĩ Lương Minh là thành viên BTC nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng như: Bài hát Việt, The Remix, Giọng hát Việt, Cặp đôi hoàn hảo…
Nhạc sĩ Thanh Tùng
Nhạc sĩ tài hoa Thanh Tùng – một trong những nhạc sĩ tiên phong cho nền nhạc nhẹ Việt Nam qua đời vào 5h45’ ngày 15/3 tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 69 tuổi.
Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh ngày 15/9/1948 tại Nha Trang. Ông tốt nghiệp nhạc viện Bình Nhưỡng – Triều Tiên. Năm 1975, nhạc sĩ Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay “Cây sầu riêng trổ bông” được nhiều khán giả yêu thích, từ đó bắt đầu viết hơn 200 ca khúc nhạc nhẹ ghi đậm dấu ấn trong lòng khán thính giả như “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Lối cũ ta về”, “Hoa tím ngoài sân”, “Phố biển”, “Giọt sương trên mí mắt”, “Hát với chú ve con”…
Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Thanh Tùng còn được biết đến với vai trò người chỉ huy dàn nhạc tài ba, ông từng chỉ huy dàn nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen…
Ca sĩ Trần Lập
Sau 4 tháng chống lại bệnh ung thư trực tràng, thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường – Trần Lập ra đi vào lúc 12h45 ngày 17/3.
Trần Lập (tên khai sinh Trần Quyết Lập), sinh ngày 12/12/1974 tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Là con út trong một gia đình nghèo đông anh em, từ nhỏ anh đã có những biểu hiện về khả năng âm nhạc.
Năm 1994, anh cùng một số bạn hữu thành lập ban nhạc rock Bức Tường và giữ cương vị thủ lĩnh. Anh cũng đảm nhận vai trò sáng tác chính với hơn 30 ca khúc, đặc biệt với nhạc phẩm “Đường đến đỉnh vinh quang” đã đưa Bức Tường trở thành ban nhạc rock có số lượng người hâm mộ lớn nhất tại Việt Nam. Ngoài ca hát, Trần Lập từng tham gia vài chương trình truyền hình, làm người dẫn chương trình, cũng như giám khảo của chương trình Giọng hát Việt mùa thứ nhất.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Ngày 14/4, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (tên thật là Nguyễn Đình Ánh) – tác giả của nhiều tình khúc nổi tiếng qua đời ở tuổi 76.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sinh năm 1940 tại Phan Rang. Ông chuyển vào Sài Gòn sống từ năm 11 tuổi. Nhạc sĩ sáng tác không nhiều nhưng ca khúc của ông ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ như: “Không”, “Tình yêu đến trong giã từ”, “Bơ vơ”, “Cô đơn”, “Buồn ơi chào mi”, “Lặng lẽ tiếng dương cầm”…
Ngoài viết nhạc, Nguyễn Ánh 9 còn nổi danh là nhạc công piano. Tiếng đàn của ông từng nâng đỡ giọng hát của nhiều thế hệ ca sĩ như Thái Thanh, Khánh Ly, Ý Lan, Ánh Tuyết…
NSƯT Hán Văn Tình
NSƯT Hán Văn Tình đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11h20 ngày 4/9/2016 tại nhà riêng (Võ Quý Huân, Nam Từ Liêm, Hà Nội), hưởng thọ 59 tuổi.
Ông là một trong những nghệ sĩ được yêu mến bởi sự giản dị, chân chất. Trong suốt quãng thời gian hoạt động nghệ thuật, Hán Văn Tình tham gia rất nhiều hoạt động như diễn tuồng, đóng phim, tham gia quảng cáo, làm MC truyền hình và thậm chí cả các việc lao động như sửa xe, bơm vá.
Ông cũng nổi tiếng với các vai diễn Chu Văn Quềnh trong phim “Đất và người”, Sở trong “Bão qua làng”, Trọc trong “Canh bạc”, Tuần trong “Người thổi tù và hàng tổng”…
Ca sĩ Minh Thuận
Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, ca sĩ Minh Thuận đã ra đi vào lúc 8h ngày 18/9, hưởng dương 47 tuổi tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh).
Ca sĩ Minh Thuận, tên thật Nguyễn Minh Thuận, sinh ngày 12/9/1969 tại Sài Gòn. Anh được nhớ đến nhiều với những bản song ca cùng Nhật Hào “Chiếc thuyền nan”, “Mong đợi ngậm ngùi”, “Cô bé dỗi hờn”, “Chỉ còn trái tim”, “Không cần tình yêu”…
Đến những năm về sau, khán giả biết đến Minh Thuận qua nhiều vai trò khác như nhà sản xuất, biên tập âm nhạc, phim ảnh. Sau đó Minh Thuận rẽ hướng tham gia đóng phim, để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng khán giả là vai diễn Lâm caro trong “Cô gái xấu xí”. Năm 2014, Minh Thuận tham gia “Gương mặt thân quen” và giành giải Á Quân.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn
Đại tá, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn qua đời vào rạng sáng ngày 7/10, hưởng thọ 87 tuổi. Ông sinh ngày 10/3/1929 tại Hà Nội. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Đức Toàn đã có năng khiếu và đam mê nghệ thuật.
Ông để lại nhiều tác phẩm đáng nhớ như “Quê em miền Trung du”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Bài ca Ngô Mây”, “Ca ngợi Trần Thị Lý”, “Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi”, “Khâu áo gửi người chiến sĩ”, “Tình em biển cả”, “Chiều trên bến cảng”, “Hà Nội một trái tim hồng”… Ông còn sáng tác ở mảng khí nhạc và nhạc kịch.
Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật. Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ông là một cựu sĩ quan quân đội với quân hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam và từng được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba vì những đóng góp của mình.
NSƯT Phạm Bằng
Nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời vào khoảng 20h tối 31/10 tại bệnh viện Hồng Ngọc sau một thời gian chống chọi với căn bệnh tắc ống mật, hưởng thọ 85 tuổi.
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông là nghệ sĩ đa năng khi vừa đóng kịch, đóng phim, diễn hài. Ông từng đoạt hai huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc với vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và vai Thương trong “Mớ đời Thương”. Với điện ảnh, ông ghi dấu trong phim “Ngày lễ thánh”, “Đất mẹ”. Ông là một trong những nghệ sĩ không thể thiếu của chương trình “Gặp nhau cuối tuần”.
NSƯT Quang Lý
NSƯT Quang Lý qua đời tại nhà riêng (126 Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM) vào khoảng 9h30 sáng 1/12 vì một cơn nhồi máu cơ tim, sau khi đi tập thể dục về.
Ca sĩ Quang Lý là một trong những giọng ca được yêu thích nhất của dòng nhạc trữ tình Việt Nam từ sau 1975. Ông sinh năm 1951 trong một gia đình gốc Việt tại Thái Lan. Những ngày đầu trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật, Quang Lý công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn ca múa nhạc Hải Phòng. Đầu những năm 70, ông tham gia vào Đoàn văn công Đài Phát thanh Giải phóng. Đến năm 1983, Quang Lý đưa gia đình vào TP.HCM rồi làm việc tại Đoàn ca múa nhạc Bông Sen cho đến bây giờ. Trong những năm qua, ông cũng làm công tác giảng dạy thanh nhạc tại Nhạc viện TP.HCM.
Với nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú./.