Sự kiện 2016

Bộ trưởng Trần Hồng Hà lên tiếng về việc Formosa không lọt top 10 sự kiện của ngành

Theo Bộ trưởng Hà, giả sử đặt sự cố Formosa vào tiêu chí bầu chọn của Bộ là các sự kiện đã làm được, làm tốt thì sẽ thấy không phù hợp chút nào.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà lên tiếng về việc Formosa không lọt top 10 sự kiện của ngành

Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Trao đổi với chúng tôi vào sáng nay (7/1 ), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, ông đã nắm được thông tin về các ý kiến khác nhau của dư luận xung quanh câu chuyện sự cố môi trường do Formosa gây ra không vào top 10 sự kiện của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2016.

Bộ trưởng Hà cho hay, từ trước đến nay, việc bầu chọn 10 sự kiện tiêu biểu, theo thông lệ nhằm mục đích chọn ra các sự kiện, nỗ lực của ngành có đóng góp được cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

“Tiêu chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc bầu chọn lâu nay vẫn thực hiện là nhằm lựa chọn các sự kiện tiêu biểu, mang tính chất động viên, khích lệ và cho thấy mình làm được điều gì có đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Đồng thời, việc lựa chọn do một hội đồng bầu chọn độc lập tiến hành dựa vào những mục tiêu, mục đích, tiêu chí rõ ràng. Còn bây giờ, xã hội nhiều người dân mong muốn đưa cả những vấn đề mặt trái, tồn tại thì cũng nên xem xét và cần phải bổ sung”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, nếu nói Formosa ở khía cạnh thành công, kết quả, nỗ lực của Bộ cũng có.

“Nhưng đương nhiên Bộ không thể nhận đó là thành tích gì mà đấy là việc phải làm để giải quyết sự cố môi trường không ai mong muốn và cho đến bây giờ Formosa còn rất nhiều việc cần phải làm để đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của người dân.

Và chỉ khi nào người dân nói rằng, mọi việc tốt rồi thì mới coi là thành tích được…”, Bộ trưởng nêu rõ.

Ông Hà cũng lý giải thêm, nếu theo ý kiến của mọi người đưa ra, giả sử đặt sự cố Formosa vào tiêu chí bầu chọn của Bộ là các sự kiện đã làm được, làm tốt thì sẽ thấy không phù hợp chút nào.

“Nếu giả sử ai đó suy nghĩ sự cố Formosa là sự kiện ghi nhận nỗ lực, thành tích đạt được thì không phù hợp mà đây là vấn đề còn đặt ra với ngành và rất nhiều việc trong đó chưa làm được.

Còn cá nhân tôi đồng tình với ý kiến là đối với môi trường hiện nay thì không chỉ bầu chọn các sự kiện cơ quan Nhà nước đã làm được mà phải đánh giá vào tiêu chí dựa trên thực tế hiện nay.

Cụ thể, ngoài những việc đã làm tốt thì các việc về môi trường đặt ra vấn đề phức tạp, bức xúc, nóng bỏng của năm như các sự cố môi trường cũng phải coi là sự kiện và kể cả địa phương nào làm tốt, làm chưa tốt về môi trường cũng cần phải đánh giá.

Khi đó, yêu cầu của người dân sẽ được đáp ứng và muốn làm như vậy thì sẽ cần phải bổ sung, xây dựng, hoàn thiện tiêu chí đánh giá về các vấn đề môi trường…”, Bộ trưởng Hà bày tỏ.

Ông Hà cũng khẳng định, sau này, khi hoàn thiện tiêu chí đánh giá các sự kiện môi trường của năm có thể được công khai trên mạng hoặc thông qua báo chí để mọi người trong xã hội đều có thể lựa chọn một cách khách quan, chính xác nhất.

Trước đó, trong Quyết định số 3110 công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2016 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ký duyệt không có sự kiện ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra.

10 sự kiện tài nguyên và môi trường năm 2016

1. Ban hành Chương trình hành động của Ban cán sự đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

2. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường và ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.

3. Lần đầu tiên, Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016.

4. Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2016.

5. Việt Nam tham gia Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF).

6. Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09 tháng 4 năm 2016.

7. Ký kết, phê duyệt Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và ban hành Kế hoạch thực hiện Thoả thuận.

8. Phát hiện mới về khoáng sản đồng và quặng urani tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

9. Hoàn thành Bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào tỷ lệ 1/50.000 đính kèm Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam – Lào; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào.

10. Thực hiện phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử thông qua sử dụng hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc gắn với chữ ký số và các ứng dụng công nghệ thông tin.

theo Trí Thức Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP