Xã hội

Nhiều quy hoạch làm tăng “giấy phép con”?

Đây là câu hỏi được đặt ra xung quanh dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch được Quốc hội đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng 9/11. Một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt là sự “chồng lấn” giữa “quy hoạch tỉnh” quy định trong luật Quy hoạch và “quy hoạch xây dựng tỉnh” được đề cập trong dự luật này.

Giữ hay bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh?

Là địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư khá tốt, hiện Bắc Ninh có 9/16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; trong đó có những khu rất thành công như VSIP, Yên Phong… Các khu công nghiệp này đã và đang thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài như Samsung (đầu tư hơn 10 tỷ USD), mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn cho tỉnh Bắc Ninh và quốc gia.

Đây cũng là kết quả mà nhiều địa phương trong cả nước mơ ước. Chia sẻ về kết quả này, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tiến Tài khẳng định, đóng góp lớn vào thành công của các khu công nghiệp này là quy hoạch xây dựng đã đặt vị trí khu công nghiệp, kết nối hạ tầng không gian, đất đai, cũng như khả năng cung cấp nguồn nhân lực và các đô thị dịch vụ cho khu công nghiệp đó. Phát triển công nghiệp mà đặt sai vị trí khu công nghiệp thì sẽ không thu hút được đầu tư.

Ông Tài cho biết, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh thực hiện từ năm 2013 và một trong những yếu tố quan tâm đặc biệt của địa phương chính là đô thị và công nghiệp. Bởi vậy, trong lĩnh vực công nghiệp, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đã định hướng rõ hình thành 16 khu công nghiệp tập trung với diện tích gần 6.400 ha phân bố trên nhiều địa bàn, hướng tới phát triển công nghiệp theo xu thế hiện đại, sạch và công nghệ cao.

Từ câu chuyện của Bắc Ninh, có thể nói, quy hoạch xây dựng là một công cụ để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế xã hội bởi tất các các loại quy hoạch đều quy về không gian, đất đai và tất cả các ngành đều liên quan đến vấn đề này.

Để có mỗi cây cầu, con đường, công trình mọc lên đều phải bắt đầu từ quy hoạch không gian trên địa bàn theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội
Phân tích về việc sửa các luật liên quan đến quy hoạch, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, tư tưởng chủ đạo đều ra là để tích hợp các các quy hoạch rời rạc thành quy hoạch thống nhất, mang tính định hướng chung, thống nhất để tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch khác nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh quy hoạch chung vẫn phải có quy hoạch ngành, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành. Bởi vậy, ý tưởng về việc xây dựng chỉ một bản quy hoạch duy nhất cho tất cả các lĩnh vực rất khó thực hiện khi có quá nhiều các loại thông tin khác nhau, cần được thể hiện dưới các hình thức biểu diễn khác nhau và cũng phải được thể hiện ở các tầng lớp thông tin khác nhau.

Quy hoạch xây dựng cũng là một dạng của quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, trong có đó vấn đề quy hoạch tỉnh. Theo ông Cường, cần để quy hoạch xây dựng tỉnh như là một quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành riêng để chi tiết hóa những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh.

Nêu quan điểm cá nhân trước hướng quy định khác biệt giữa nội dung trình của Chính phủ về việc giữ “quy hoạch xây dựng tỉnh với ý kiến cho rằng cần bãi bỏ quy định “quy hoạch xây dựng tỉnh” của UB Kinh tế - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: “Quy hoạch chính là một công cụ để nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về định hướng phát triển một lĩnh vực nào đó. Vậy quy hoạch xây dựng tỉnh chính là công cụ để nhà nước thực hiện chức năng quản lý hoạt động xây dựng quy hoạch trên không gian tỉnh để đảm bảo chi tiết hóa không gian phát triển kinh tế - xã hội của lãnh thổ. Chính vì vậy, tôi đồng tình với đề xuất của dự thảo luật cũng như tờ trình của Chính phủ là duy trì quy hoạch xây dựng tỉnh riêng như là một dạng quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành”.

Truy các loại quy hoạch “chồng lấn”

Là người có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực này, nguyên Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân lưu ý, quy hoạch tích hợp như mục tiêu xây dựng luật về bản chất là quy hoạch kinh tế - xã hội, hay còn gọi là quy hoạch phi vật thể để định ra đường hướng, chiến lược cho phát triển. Sau khi xác định hướng phát triển kinh tế - xã hội thì cần nghĩ đến việc định hướng này thể hiện ra ngoài bộ mặt đất nước thế nào, là bến cảng, nhà ga, khu đô thị… Đó là quy hoạch về không gian, quy hoạch vật thể mà công cụ quản lý chính là quy hoạch xây dựng.

Ví dụ, với quy hoạch phát triển dân số đến mức độ nào thì phải xác định trong không gian đó cần bao nhiêu con đường, bao nhiêu cây xanh, hệ thống chiếu sáng, bệnh viện, trường học… để đảm bảo môi trường sống cho số người đó.

Theo đó, nguyên Bộ trưởng Xây dựng khẳng định, làm quy hoạch phi vật thể và quy hoạch vật thể đều cần thiết, không thể thiếu được.

“Giờ có ý kiến ho rằng không cần quy hoạch xây dựng tỉnh vì đã có quy hoạch tỉnh bao trùm rồi. Về mặt hành chính mà nhìn thì sẽ có cảm tưởng là 2 quy hoạch đó chồng lấn, nên bỏ đi một cái, chỉ giữ một cái thôi. Nhưng soi lại nguyên lý về quản lý phát triển gồm 2 loại hình: quy hoạch kinh tế xã hội và quy hoạch không gian thì có thể nhìn thấy ý nghĩa khác biệt. Nếu chỉ có quy hoạch chung thì không thể quản lý cụ thể không gian phát triển được. Đừng tưởng nói quy hoạch xây dựng là của Bộ Xây dựng. Bộ chỉ là cơ quan được giao quản lý nhà nước về quy hoạch không gian trên địa bàn thôi” – ông Quân giải thích.

Nguyên Bộ trưởng Xây dựng cũng quả quyết, quy trình thông thường của một quốc gia là làm quy hoạch tổng thể tức là từ quy hoạch chung, xong đến quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Đó là các nội hàm của các quy định pháp luật về quy hoạch, bản thân nó chưa liên quan gì tới việc “giấy phép lớn”, “giấy phép con”. Vậy nên không nên nhầm lẫn là có nhiều quy hoạch thì "đẻ" ra nhiều “giấy phép mẹ, giấy phép con”.

Tác giả: P.T

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP