Chủ tịch huyện mệt vì xin nhập hộ tịch
Ông Võ Sá – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Chơn Thành – cho biết: “Những ngày gần đây, mỗi ngày tôi nhận vô số cuộc điện thoại từ khắp mọi miền đất nước gọi về. Phần lớn những người này thuộc giới pêđê, họ xin tư vấn cách nào chuyển hộ khẩu về huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để được công nhận chuyển đổi giới tính giống như cô Phạm Lê Quỳnh Trâm. Tôi rất mệt mỏi, không biết giải thích ra sao, vì vấn đề này quá nhạy cảm, việc công nhận cho cô Quỳnh Trâm hiện đang rối rắm. Vấn đề mọi người quan tâm càng khiến chúng tôi khó trả lời”.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ – Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: “Rõ ràng, nhu cầu chuyển đổi giới tính là không phải nhỏ, khi có những con người vì lý do này khác mang khiếm khuyết trong cơ thể, cần phải điều chỉnh, xác định lại giới tính. Đó là quyền chính đáng của con người, không ảnh hưởng gì tới xã hội. Song tiếc rằng, luật pháp ở Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu chính đáng đó. Tôi nghĩ, đó chính là điểm lạc hậu của luật pháp Việt Nam, khi chưa theo kịp thực tế cuộc sống”.
Trong khi đó, phát biểu với báo chí ngày 22/1, cô Phạm Lê Quỳnh Trâm – hiện đang tạm trú tại TP.HCM để dạy thêm, luyện thi cho học sinh – bức xúc: “Để có được sự công nhận của chính quyền địa phương, tôi đã vượt bao nhiêu khổ ải, thử thách về thể xác lẫn tinh thần. Tôi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục xin chuyển đổi giới tính qua các cơ quan chức năng như luật định. Họ hướng dẫn tôi giám định y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, tôi thực hiện đúng như hướng dẫn… Sau 3 năm ra quyết định công nhận, tôi ngỡ rằng mình đã hoàn thiện và từ nay có thể vui sống hạnh phúc… Đột ngột, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Phước thay đổi, cho rằng việc chuyển đổi giới tính của tôi là không đúng luật. Tôi vô cùng thất vọng”.
“Nếu có gì chưa đúng trình tự, thủ tục, họ có thể hướng dẫn tôi làm lại cho đúng. Tôi sẵn sàng giám định lại y khoa như Bộ Y tế chỉ dẫn, nhưng tôi sẽ không muốn UBND tỉnh Bình Phước thu hồi quyết định công nhận chuyển đổi giới tính cho tôi, vì tôi không làm điều gì sai. Tôi mong muốn được xã hội công nhận quyền là một người phụ nữ, như bản chất con người tôi. Tôi sẽ kiện quyết định thu hồi của UBND tỉnh Bình Phước” – cô Trâm nói thêm.
Huyện Chơn Thành không làm sai?
Văn bản số 235/UBND-NC- ngày 21/1 do Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi ban hành, yêu cầu Sở Tư pháp tham mưu Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định thu hồi và hủy bỏ 2 quyết định về việc xác định lại giới tính và việc thay đổi hộ tịch của đương sự Phạm Văn Hiệp (tức Phạm Lê Quỳnh Trâm). Đồng thời, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cũng yêu cầu Uỷ ban Nhân dân huyện Chơn Thành “xem xét, xử lý… những cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu và giải quyết việc xác định lại giới tính từ nam thành nữ và thay đổi tên từ Phạm Văn Hiệp thành Phạm Lê Quỳnh Trâm”.
Trong lúc đó, có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, việc UBND huyện Chơn Thành ban hành 2 quyết định về việc xác định lại giới tính và việc thay đổi hộ tịch của anh Phạm Văn Hiệp là không sai. Nếu chưa đúng thì chỉ chưa đúng về trình tự, thủ tục ở khâu xác nhận chuyển đổi giới tính của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước.
Theo Nghị định 88/2008/NĐ-CP- ngày 5/8/2008 của Chính phủ, việc xác định lại giới tính được áp dụng cho người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ đầu khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam hoặc nam lưỡng giới giả nữ, hoặc lưỡng giới thật…
Theo luật sư Nguyễn Đình Kim – Trưởng văn phòng luật sư Tuệ Chương (Đoàn luật sư TPHCM): “Với cô Quỳnh Trâm đã nhận ra bản năng thật của mình là con gái từ rất lâu trong cơ thể nam. Cô Trâm có tử cung, buồn trứng, hormone thiên về tính nữ, không có yết hầu… Như vậy, phải xem cô Trâm bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính, nên thuộc điều chỉnh của Nghị định 88; cho nên UBND huyện Chơn Thành căn cứ Nghị định 88 xác định lại giới tính, thay đổi tên, hộ tịch cho Quỳnh Trâm là không sai”.
Cũng theo luật sư Kim, vấn đề ở đây, theo Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước không phải là đơn vị can thiệp y tế trong chuyển đổi giới tính, nên xác nhận của bệnh viện là không có giá trị pháp lý. Việc này không phải do lỗi của Quỳnh Trâm, mà do sự hướng dẫn chưa đúng thủ tục của cơ quan chức năng, hoàn toàn có thể điều chỉnh, thực hiện lại cho đúng thủ tục. Tốt nhất, nên thỉnh cầu Bộ Y tế, Sở Y tế tham gia như luật pháp quy định.
Trong khi đó, có rất nhiều người cho rằng, việc Uỷ ban Nhân dân huyện Chơn Thành công nhận xác định lại giới tính cho Phạm Văn Hiệp – Phạm Lê Quỳnh Trâm là một quyết định đúng, không chỉ là lần đầu tiên ở Việt Nam trong công nhận chuyển đổi giới tính, mà còn hết sức nhân văn, tôn trọng quyền con người, góp phần đột phá để thay đổi cách suy nghĩ cố hữu lâu nay, khi không chấp nhận chuyển đổi giới tính cho một bộ phận không nhỏ những người “lưỡng giới” trong xã hội.
Theo Lao Động