Một ngày sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM (Sở GD-ĐT TP HCM) công bố điểm chuẩn, gia đình chị Huỳnh Đông (huyện Hóc Môn) vẫn trong tình trạng rối bời. Chị Đông cho biết 4 năm học THCS, con gái đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Khi xem bảng điểm, gia đình sốc khi con trượt cả 3 nguyện vọng (NV).
Đăng ký học nghề tăng vọt
Thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM cho thấy điểm chuẩn các trường THPT nội thành giảm, các trường ở ngoại thành tăng. Điển hình như Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Hóc Môn) tăng từ 15 điểm lên 16,5 điểm, Trường THPT Củ Chi (huyện Củ Chi) tăng từ 14,75 điểm lên 16,25 điểm. Đây là lý do khiến học sinh (HS) các trường ngoại thành "trở tay không kịp" khi thấy điểm chuẩn tăng vọt. "Con tôi thi được 16 điểm. Mặc dù điểm không cao nhưng so với địa bàn huyện Hóc Môn, tôi vẫn nghĩ có có thể đậu vào trường THPT công lập" - chị Đông tâm sự.
Tương tự, chị Tuyết Mai (quận Tân Phú) đưa con đến trường rút học bạ mà lòng quặn thắt, chị cố giữ bình tĩnh trước mặt con, trấn an bản thân rằng trượt lớp 10 công lập không phải là vấn đề quá lớn.
Ghi nhận tại Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn (quận 12) ngày 4-7, số lượng phụ huynh và HS đến trường đăng ký nhập học chương trình Phổ thông cao đẳng 9+ (chương trình đào tạo dành cho HS tốt nghiệp THCS) tăng gấp 5 lần so với ngày thường.
Một số phụ huynh gọi điện thoại nhờ tư vấn, liên lạc Fanpage hoặc đến trường tìm hiểu về nghề, đưa con tham quan trường. Những ngành "hot" được HS lựa chọn là công nghệ kỹ thuật ô tô, thiết kế đồ họa, nấu ăn, quản trị du lịch…
Sau khi có điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, ngày 4-7 số lượng học sinh đến tư vấn tại Trường CĐ Quốc tế TP HCM |
Thầy Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phổ thông cao đẳng, Trường CĐ Kỹ thuật Du lịch Sài Gòn, cho biết không chỉ có HS trượt 3 NV mới lựa chọn học nghề. Nhiều trường hợp đậu NV 2, NV 3 vẫn quyết định "rẽ hướng".
"Trước khi công bố điểm chuẩn, nhiều HS có học lực khá - giỏi, điểm thi cao cũng đến trường đăng ký nhập học. Ngày 15-6, trường đã có lớp khai giảng ngành thiết kế đồ họa. Điều này chứng minh không phải chỉ HS rớt lớp 10 công lập mới chọn trường nghề" - thầy Thọ thông tin.
Tư vấn đến... 2 giờ sáng
Chia sẻ với phóng viên, ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP HCM (quận Bình Tân), cho biết tình hình tuyển sinh năm nay có nhiều tín hiệu khả quan, trường đã hoàn thành 2/3 chỉ tiêu tuyển sinh.
"Sau khi có điểm chuẩn lớp 10, bộ phận tư vấn tuyển sinh của trường luôn trong tình trạng "cháy máy", thậm chí nửa đêm vẫn còn phụ huynh nhắn tin, gọi điện thoại nhờ tư vấn. Trong ngày 4-7, số lượng phụ huynh "chốt đơn" tăng mạnh" - ThS Lý cho biết.
Năm nay, trường dành 300 chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng 9+ hệ đại trà với các ngành như: chăm sóc sắc đẹp, công nghệ ô tô, quản trị doanh nghiệp, quản trị nhà hàng, quản trị bếp và ẩm thực, hướng dẫn du lịch, quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ họa, điện công nghiệp.
ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (quận 10), cho biết phụ huynh hiện nay đã cởi mở, có suy nghĩ thoáng hơn với giáo dục nghề nghiệp. Đa số HS nhập học tại trường đều định hướng nghề từ sớm, vì vậy sau khi hoàn tất chương trình THCS liền đến trường đăng ký nhập học.
Ông Phương cho biết hằng năm trường duy trì tuyển sinh khoảng 300 chỉ tiêu. Trong đó, ngành quản trị mạng máy tính với ngành kế toán không tuyển HS tốt nghiệp THCS, chỉ nhận đào tạo HS tốt nghiệp THPT.
Thời điểm hiện tại, trường đã hoàn thành 90% chỉ tiêu dành cho HS tốt nghiệp THCS, chỉ còn thiếu khoảng 20 chỉ tiêu là đạt yêu cầu. Dự kiến đầu tháng 8 sẽ bắt đầu khai giảng lớp học.
Đại diện các trường thông tin HS tốt nghiệp THCS theo học chương trình giáo dục nghề nghiệp sẽ được nhà nước hỗ trợ miễn giảm học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của chính phủ, thời gian đào tạo trong vòng 4 năm. Đây là một trong những điểm sáng khiến phụ huynh, HS có thêm yếu tố tin tưởng để chọn học nghề.
Giữ vững niềm tin vào bản thân Chia sẻ những lựa chọn sau dành cho HS, cô Lê Thị Ngọc Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú), cho biết kết quả thi cử không phải là yếu tố duy nhất quyết định tương lai HS. Việc trượt cả 3 NV chắc chắn sẽ gây ra nhiều áp lực và cảm xúc tiêu cực, điều quan trọng nhất lúc này là giúp các em cần giữ vững niềm tin vào bản thân, nhìn về tương lai phía trước và tiếp tục nỗ lực. Ngoài việc chờ đợt xét tuyển bổ sung, HS cũng có thể cân nhắc đăng ký học tại các trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp hoặc các trường ngoài công lập. Đây là những nơi cung cấp chương trình học linh hoạt, giúp các em tiếp tục trau dồi kiến thức và phát triển kỹ năng. Quan trọng hơn, đây là môi trường để HS rèn luyện bản thân, định hướng nghề nghiệp để trở thành những công dân có ích cho xã hội. |
Tác giả: Huế Xuân
Nguồn tin: Báo Người Lao Động