Kỳ cuối: Quả ngọt từ sự cảm hóa
Cuộc đời Trung tá Võ Trọng Hải gắn với cửa khẩu Cầu Treo như duyên nợ. Sau nhiều năm công tác ở địa bàn này, anh rút ra một thực tế rằng, cửa khẩu mở ra, lợi nhiều, nhưng hại cũng không ít. Nạn ma túy theo chân nền kinh tế mở của cửa khẩu ùa vào các xã vùng biên như cơn gió độc. Trên địa bàn các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, thị trấn Tây Sơn, có hàng trăm đối tượng nghiện, trong đó 14 người có HIV.
Đội bốc vác đặc biệt
Những năm trước, sáng sáng, các đối tượng nghiện “dặt dẹo” dọc đường 8A chạy qua thị trấn Tây Sơn, gặp nhà nào cũng vào xin vài chục nghìn. Cho, thì tự động đi ngay. Không cho, cũng không sao, nhưng họ cứ đứng lỳ trước cửa, chẳng khách nào dám vào buôn bán. Võ Trọng Hải cho gọi những “con nghiện” cộm cán lên chợ khu vực cửa khẩu để họp. Hải nói: “Bây giờ, các cậu dù nghiện cũng là con người. Tôi gọi các cậu lên để đưa ra giải pháp mà các cậu phải chấp nhận”. Hải nhấn mạnh ba tiếng “phải chấp nhận” trong cuộc họp có một không hai ở khu vực biên giới này. Giải pháp đó là gom họ lại thành một đội bốc vác, có lán trại riêng, may áo và cấp thẻ ra vào cửa khẩu, với yêu cầu: người khỏe giúp người yếu, cấm phá dân và tuân thủ tuyệt đối quy định của lực lượng biên phòng. Hải chủ động gặp doanh nghiệp, nhờ doanh nghiệp giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho đội bốc vác để đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Nguyễn Quốc Ch., tay giang hồ từng một thời “tiền án nhiều hơn tiền mặt” nay là đội trưởng đội bốc vác đặc biệt này.
Trước đây, Ch. tác oai tác quái, xưng hùng một vùng biên giới, thậm chí “lấy số” bằng các xách dao vào gặp cán bộ biên phòng cửa khẩu Cầu Treo “hỏi thăm sức khỏe các bác”. Ấy vậy mà, một ngày, Võ Trọng Hải xuất hiện tại nhà, mời Ch. lên cửa khẩu làm đội trưởng đội bốc vác. Đang đối mặt với tương lai mịt mù, nợ nần chồng chất, 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, trước lời mời chân tình, Ch. rời tay dao, tay kim tiêm để làm lại cuộc đời.
Với sự hỗ trợ của quân y Đồn biên phòng cùng bài thuốc dân tộc được điều chế công phu, anh Ch. đã cai nghiện thành công. Qua 8 năm lao động cật lực và chắt bóp dành dụm, nay vợ chồng anh đã xây được căn nhà 2 tầng khang trang ven đường 8A. Anh lạc quan tâm sự: “Một ngày nào đó khi tôi phải rời xa cuộc sống này thì hai đứa con vẫn có điều kiện được học hành và khôn lớn thành người”. Không chỉ vậy, Ch. còn là người phát hiện, báo cáo rồi trực tiếp tham gia giúp BĐBP phá thành công một đường dây buôn ma túy ở địa bàn vùng biên giới này. Từ 2004, tệ nạn nghiện hút ở thị trấn Tây Sơn giảm hẳn. Nhiều người khen BĐBP Cầu Treo, Trung tá Võ Trọng Hải chỉ cười bảo rằng, ai cũng là con người, phải dùng tấm chân tình đối xử với họ.
Tâm sự riêng, những đối tượng này cũng thành thật với Hải: “Chúng em giờ chỉ nhờ vào các anh. Ai cũng nói là không nên phân biệt, kỳ thị với. Nhưng chúng em vào quán uống nước, chưa bước ra khỏi cửa thì đã thấy người ta ném cốc đi rồi”. “Kẻ nghiện cũng là con người. Dù họ có sai lầm, thì cũng đừng dồn họ đến đường cùng. Phải cho họ cơ hội để nghĩ về tương lai”, Hải kết luận sau nhiều năm tổ chức, quản lý đội bốc xếp. Mỗi lần Tết đến, khi Hải xuống núi về nhà, họ lại xếp hàng chờ sẵn ven đường chỉ để tặng anh mấy quả cam bù đặc sản Hương Sơn. “Anh giúp cho làm ăn, chúng em không biết cám ơn gì, chỉ biết kiếm được mấy quả cam tặng anh làm quà về ăn Tết”, họ nói vậy, Hải thấy ấm lòng hơn những tiếng vỗ tay trong nhiều cuộc lễ.
Khoảng lặng sau những trận đánh
Trung tá Võ Trọng Hải giọng chùng xuống khi nhắc tới vụ bắt đối tượng Trần Đình Thỏa cách nay đã nhiều năm. Thỏa vốn quê ở thị trấn Tây Sơn, có 1 vợ 2 con, trước năm 2004 từng có 1 tiền án. Sau khi chấp hành xong thời hạn án phạt tù, Thỏa lên cửa khẩu Cầu Treo xin gặp Võ Trọng Hải xin tạo điều kiện giúp đỡ buôn bán vặt. Anh Hải hứa sẽ tạo điều kiện giúp đỡ hết sức, nhưng đổi lại Thỏa tuyệt đối không được dính dáng vào ma túy, trộm cắp. Vài tháng sau, anh có dịp xuống Tây Sơn, ghé qua nhà Thỏa thì vô tình thấy Thỏa cầm 10 ngàn USD trên tay. Một người vừa ra tù mấy tháng, buôn bán lặt vặt, lại có số tiền mặt lớn đến vậy khiến anh ngay lập tức phải đặt dấu hỏi. Sau đó, Võ Trọng Hải không khỏi thất thần khi nguồn tin quần chúng báo về: Thỏa tham gia buôn ma túy.
Lao động chân chính giúp nhiều người “lầm đường” tìm thấy tương lai. Ảnh: Thế Mạnh.
Lời cam kết không được Thỏa thực hiện, toàn bộ lực lượng biên phòng được triển khai. Sáng 19.6.2004, Thỏa lên đường sang Lào. 5h30 sáng 21.6, tại km 78, tổ trinh sát nhào ra bắt gọn Thỏa, với 4 bánh heroin và 100 viên ma túy tổng hợp. Chuyên án đi qua, nhưng tới ngày Thỏa ra tòa nhận án tử hình, vợ con Thỏa lên tận trạm để “hỏi thăm bác Hải”, trách móc sao nỡ đẩy chồng, cha họ ra trước vành móng ngựa. Thỏa chấp hành án phạt xong, họ chít khăn tang lại “lên thăm bác Hải” lần 2. Trước đó, Hải từng ở nhà Thỏa, được bố mẹ Thỏa coi như con, nên khi Thỏa bị bắt, họ giận lắm. Nhiều tháng sau, Hải mới đến gặp bố mẹ Thỏa giải thích: “Con rất đau lòng. Nhưng nếu không bắt em thì còn hàng nghìn người sẽ phải chết. Bố mẹ hãy hiểu cho con”. Đó là quãng thời gian mất ngủ dài nhất trong cuộc đời anh. Vợ Thỏa nay vẫn qua lại khu vực cửa khẩu làm ăn, buôn bán, vẫn nhận được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ biên phòng Cầu Treo. Con Thỏa khi có biểu hiện chán nản, bỏ học, bác Hải về tận nhà khuyên răn, đã trở lại trường. Vẫn là tấm chân tình trong đối xử, là sự kiên trì trong vận động, là việc làm cụ thể không nói suông, những người lính biên phòng đã thực sự có được thế trận của lòng dân, xứng danh truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.
Trường Minh/Datviet