Người đương thời

Nhạc sỹ Quốc Việt: Người viết Huyền thoại núi Hồng

Sau Nguyễn Văn Tý, An Thuyên, những nhạc sỹ là người con quê hương có những bài hát viết về Hà Tĩnh hay nhất, thì Quốc Việt là thế hệ nhạc sỹ trẻ sau Mạnh Chiến, Ngọc Thịnh viết tiếp trang vàng âm nhạc của Hà Tĩnh và đã để lại cho mảnh đất đa tài đa tình này những nhạc phẩm viết về quê hương rất thành công…

“Nếu không có sông LamNúi Hồng buồn biết mấyNúi Hồng không đứng đấySông Lam xanh cũng thừa”…


Nghe ca khúc : Núi Hồng Sông Lam


Sáng tác: Quốc Việt



Đã nhiều lần, trong những chuyến trở về quê mẹ, tôi ghé tìm anh, người nhạc sỹ trẻ tài hoa mà tôi đặc biệt yêu thích và mến mộ bởi những nhạc phẩm anh viết về quê hương Hà Tĩnh khá nổi tiếng.


Hà Tĩnh bé nhỏ nhưng đôi khi, chúng tôi chẳng tìm thấy nhau trong lận đận mỗi phận người…


Giọng hát vàng định thi mỹ thuật, lại đậu vào âm nhạc


Hà Tĩnh tìm nhau không thấy nhưng cuối cùng tôi lại gặp Quốc Việt tại Hà Nội trong buổi lễ trao giải của Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho ca khúc của anh trong những ngày đầu năm 2013 này. Hà Tĩnh may mắn có hai nhạc sĩ đoạt giải lần này là nhạc sĩ đàn anh Ngọc Thịnh và anh. Đã gần 20 năm trôi qua kể từ ngày tôi biết anh, Quốc Việt vẫn lận đận với việc học hành, cơm áo, lận đận với những nốt nhạc truân chuyên của đời nghệ sỹ. Người nhạc sỹ trẻ cá tính và có phần khó tính, kỹ tính năm xưa cuối cùng vẫn đơn sơ đạm bạc cho đến tận giờ phút này dù ngay cả khi tên tuổi anh đã thành danh trong làng nhạc sỹ Việt Nam.


Hơn 15 năm trước, Hà Tĩnh có một Quốc Việt với giọng ca vàng của giọng hát Học sinh – sinh viên toàn quốc. Ngày đó, một sinh viên ở một miền quê nghèo như Hà Tĩnh, vượt lên hàng trăm ngàn thí sinh khắp mọi miền của Tổ quốc để đoạt được chiếc Huy chương vàng trong cuộc thi giọng hát Học sinh – sinh viên toàn quốc đã là một kỳ tích. Quốc Việt được những khán giả Hà Tĩnh biết đến qua giọng hát trầm ấm, ngọt ngào, nổi bật trong những hội diễn văn nghệ của tỉnh nhà.


Nhưng không chỉ dừng ở lại đó. Người con trai vùng núi đá huyện Kỳ Anh nghèo khó có những khả năng thiên bẩm về âm nhạc đã tự mày mò đi theo âm nhạc bằng sự mách bảo của bản năng. Mà con đường đến với âm nhạc của chàng trai nghèo khó này kể cũng lạ đời. Đầu tiên Quốc Việt mê hội họa. Người cha thấy con có năng khiếu mỹ thuật nên đã cơm đùm cơm gói vượt gần 400 cây số từ Kỳ Anh, Hà Tĩnh ra Hà Nội cho con thi vào Cao đẳng Nhạc họa Trung ương. Hai cha con ở quê ra ngơ ngác, ngày tập trung để làm thủ tục đăng ký thi ở trường, Quốc Việt nhìn thấy các bạn thí sinh ở Hà Nội mang theo những hộp bút màu xanh đỏ to tướng, thứ mà có nằm mơ thì Quốc Việt cũng chưa bao giờ tưởng tượng ra mình có lấy một chiếc bút màu trong hộp bút màu to bự đầy ma lực kia.


Quốc Việt níu tay cha: “Thôi, con không có hộp màu, con sợ thi không đỗ, cha cho con thi vào lớp nhạc”. Người cha thấu hiểu nỗi nhạy cảm trong lòng con trai đã lặng lẽ chuyển đăng ký cho con trai với một niềm tin mãnh liệt vào khả năng của con mà ông đã chứng kiến hằng ngày. Con trai ông chắc chắn sẽ đỗ vào trường.


Quốc Việt chuyển từ đam mê vẽ sang đam mê âm nhạc từ kỷ niệm thương khó của tuổi thơ ấy.


Nhạc sỹ trẻ có những bài hát hay về Hà Tĩnh


Trao giải Hội Nhạc sỹ 2012.


Tốt nghiệp xuất sắc trường Cao đẳng Nhạc – Họa Trung ương nay là Trường Đại học Nghệ thuật Trung ương năm 1990, Quốc Việt về giảng dạy ở Trường Cao Đẳng sư phạm Hà Tĩnh, nay là Trường Đại học Hà Tĩnh. Trong một khóa tập huấn về sáng tác, chính thầy giáo Đào Ngọc Dung, giáo viên ở Trường Đại học Nghệ thuật Trung ương đã phát hiện, khơi dậy và đánh thức một tài năng âm nhạc trẻ qua sáng tác đầu tay của Quốc Việt: “Hoa Phượng”. Chính nghề dạy học, gắn bó với sân trường, với nỗi buồn hoa phượng và áo trắng học trò mà ca khúc của Việt ngay sau khi ra mắt đã được thầy trân trọng tuyển chọn vào tuyển tập ca khúc thiếu nhi, đứng bên cạnh các nhạc sỹ mà ngày thường Quốc Việt chỉ dám ngưỡng mộ từ xa.


Phát hiện khả năng sáng tác của mình, Việt quyết tâm khăn gói ra Hà Nội thi đỗ vào Khoa sáng tác của Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện âm nhạc Việt Nam. Những năm tháng ngược xuôi trên con đường gần 400 cây số vừa đi dạy ở Hà Tĩnh, vừa bươn bả ra Hà Nội học, vất vả, cơ cực mà cảm xúc nhớ quê xa quê để mỗi lần trở về nhà như vỡ òa trong tâm hồn của thầy giáo trẻ.


Nhạc phẩm “Sông La ngày về” được anh viết trên chuyến xe tốc hành, khi chuyến xe vượt qua cầu Bến Thủy, khi anh nhìn thấy thấp thoáng phía trước là dòng La thân thương nước xanh thăm thẳm chảy dài bên cạnh quốc lộ ấp ưu bao nhớ nhung khắc khoải của người thầy giáo nghèo đi trọ học nơi phố phường xa lạ. Sau này Quốc Việt đã tâm sự rằng, cứ mỗi lần xe chạy qua cầu Bến Thủy, mắt ngập vào sông La là cảm giác như đã được trở về nhà rồi. Cảm giác ấy thân thương lạ lùng lắm.


“Sông La ngày về qua/ Nước xanh như xưa ấy/Con đò xưa vẫn vậy/Chở câu ví qua sông/Chia tay mờ trăng sương/ Em hát lời đưa tiễn/ Rằng gừng cay muối mặn/ Xin người đừng quên nhau/ Câu đò đưa, đò đưa chiều sông La/ Bao giận thương người ơi xin gửi lại/ Mang ân tình dòng sông đi mãi/ Suốt đời, suốt đời nhớ sông La”.


(Sông La ngày về).


Nhưng tình yêu khắc khoải mà lạ lùng của một người con Hà Tĩnh, sống ở quê hương, ngay trong lòng đất mẹ mà vẫn thường trực một nỗi nhớ quê da diết. Cái tình yêu quái gở, lạ lùng ấy đã gọi những nốt nhạc lay động hồn người trong câu chuyện mà Quốc Việt kể cho mọi người nghe về Huyền thoại Núi Hồng – Sông La. Bài hát Huyền thoại núi Hồng và bài hát Núi Hồng Sông Lam đã làm nên tên tuổi một nhạc sỹ trẻ Quốc Việt trong làng nhạc Việt Nam, sánh vai cùng với các nhạc sỹ cha chú, đàn anh ở Hà Tĩnh như Mạnh Chiến, Ngọc Thịnh có những nhạc phẩm về quê hương hay nhất. Và cũng đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những địa phương có nhiều bài hát về quê hương nổi tiếng nhất, được phổ biến rộng rãi trong lòng khán giả yêu âm nhạc của cả nước.



Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng những ca khúc viết về Hà Tĩnh của anh với tần suất dày đặc. Hãng Phương Nam phim đã chọn bài hát “Huyền thoại núi Hồng” của anh để quay thành một videoclip đặc sắc về âm nhạc và mảnh đất Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt. Chính câu chuyện truyền thuyết về 99 đỉnh non Hồng và 100 con chim Hồng Hạc bay về đậu trên 99 đỉnh núi ấy, để 1 con không có nơi đậu đã cất cánh bay đi kéo theo cả đàn Hồng Hạc vỗ cánh… đã khơi nguồn cảm hứng vô tận cho anh để rồi dựa trên truyền thuyết ấy, Quốc Việt đã viết nên nhạc phẩm xuất sắc về Huyền thoại núi Hồng:


“Anh kể em nghe chuyện ngày xưa ấy, nơi có Sông La, nơi có núi Hồng. Sông La trải mình soi gương bóng núi, ngát xanh một màu huyền thoại quê xưa. Anh kể em nghe chuyện ngày xưa ấy, trăm cánh chim Tiên tìm đến núi Hồng, dẫu biết non ngàn chín mươi chín ngọn, nên dẫu đất lành chim Phượng bay đi. Để chẳng thành tên, dẫu chẳng thành tên kinh đô thuở ấy, núi Hồng quê tôi vẫn đứng giữa trời ngăn gió biển khơi khi mưa bão tới, ôm vào lòng Hà Tĩnh yêu thương. Chớ ngại đường xa, đừng ngại đường xa anh về đây thăm quê em Hà Tĩnh, kể anh nghe Huyền thoại núi Hồng”.


Song có lẽ, với cả những người con quê hương Hà Tĩnh nói riêng và những người yêu âm nhạc nói chung, thành công nhất trong sáng tác những ca khúc về quê hương Hà Tĩnh của nhạc sỹ trẻ Quốc Việt phải kể đến nhạc phẩm “Núi Hồng Sông Lam” phổ thơ của cố nhà thơ Xuân Hoài.


Nếu không có sông Lam/ Núi Hồng buồn biết mấy/ Núi Hồng không đứng đó/ Sông Lam xanh cũng thừa/ Và bao câu đò đưa/ Thả neo vào lịch sử/ Bao buồn vui, buồn vui/ Nghĩa tình ơi chan chứa/ Núi Hồng và sông Lam/ Để muôn đời sừng sững/ Núi cao cho dáng đứng/ Sông dài cho bước đi”.


Nhạc phẩm này đã được các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng lựa chọn thu thanh trong các album “Dạ cổ hoài lang (NSND Thu Hiền), “Dòng sông đa tình” (NSƯT Tố Nga), “Chuyện tình những dòng sông” (Ca sỹ Đinh Thành Lê) và giọng hát của ca sỹ Tân Nhàn… Không chỉ tôi mà các nhạc sỹ thế hệ đi trước đều đánh giá những đóng góp nổi bật của nhạc sỹ Quốc Việt cùng với lớp nhạc sỹ cha chú, đàn anh đi trước trong kho tàng những ca khúc viết về Hà Tĩnh hay nhất.


Thầy giáo nghèo vẫn ở nhà tập thể


Nghệ sỹ, cá tính và có phần gàn dở đầy tự trọng của một người con sinh ra ở mảnh đất nổi tiếng “đồ gàn xứ Nghệ”. Có lẽ thế chăng mà cho đến giờ, sau gần 20 năm cống hiến cho tình yêu âm nhạc, cho công việc dạy học ở một trường lớn, nhạc sỹ Quốc Việt vẫn đơn sơ căn phòng tập thể trong ký túc xá dành cho các giáo viên chưa có nhà riêng ở Trường Đại học Hà Tĩnh với vợ và con trai nhỏ.


Mang tiếng đa tài, đa tình mà nhạc sỹ Quốc Việt so với bạn bè cùng lứa lại là người muộn màng hơn cả trong đường công danh sự nghiệp lẫn hạnh phúc riêng tư. Anh lập gia đình muộn, sinh con muộn và đến giờ vẫn đang lận đận với việc học ở Học viện Âm nhạc mà vẫn chưa xong cái bằng đại học cầm tay để hợp lý hóa công việc giảng dạy của anh hiện tại ở Trường Đại học Hà Tĩnh. Mặc dù vậy, nhưng người Hà Tĩnh nói riêng và khán giả yêu âm nhạc Hà Tĩnh nói chung nhớ cái tên nhạc sỹ Quốc Việt với những ca khúc viết về Hà Tĩnh để đời, dẫu cho cuộc đời có hao khuyết đầy vơi. Người nhạc sỹ, chỉ cần có tác phẩm âm nhạc vang lên thế là đủ hạnh phúc.


Thật may mắn, anh được sống trong tập thể các đồng nghiệp luôn yêu thương và giúp đỡ anh, lãnh đạo nhà trường luôn ưu ái và tạo điều kiện cho anh mọi sự thuận lợi trong công việc cũng như cuộc sống. Tập thể Trường Đại học Hà Tĩnh cũng là nơi ghi nhận, động viên khích lệ và trọng tài anh, tạo điều kiện cho anh chắp cánh bay xa ước mơ âm nhạc của mình.


Anh nói, nếu không có một môi trường sống và làm việc như hiện tại, một gia đình nhỏ ấm áp và người vợ biết thương lo cho chồng chắc anh không thể có được sự thành công và được khán thính giả yêu âm nhạc khắp cả nước biết đến như hôm nay.


Có lẽ với một nhạc sỹ trẻ cá tính như anh, thế đã quá hàm ơn và yêu lắm cuộc đời này.


Sau Nguyễn Văn Tý, An Thuyên, những nhạc sỹ là người con quê hương có những bài hát viết về Hà Tĩnh hay nhất, thì Quốc Việt là thế hệ nhạc sỹ trẻ sau Mạnh Chiến, Ngọc Thịnh viết tiếp trang vàng âm nhạc của Hà Tĩnh và đã để lại cho mảnh đất đa tài đa tình này những nhạc phẩm viết về quê hương rất thành công… Anh từng đoạt Huy chương vàng giọng hát Học sinh -sinh viên toàn quốc năm 1996. Đoạt giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ III năm 2000 và lần thứ IV năm 2005 cho chùm ca khúc. Đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1997 cho ca khúc “Một khúc Xuân”. Năm 2012 đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho ca khúc: Biển Quê”. Anh là Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Ủy viên BCH chi hội nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh.


Phi Yến

CAND

  Từ khóa: Mạnh Chiến , bài hát

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP