Giải trí

Nhạc sĩ 'Chào em cô gái Lam Hồng' qua đời

Nhạc sĩ Ánh Dương - tác giả ca khúc nổi tiếng "Chào em cô gái Lam Hồng" - qua đời sáng 8/11, hưởng thọ 88 tuổi. Những năm cuối đời, ông sống khép kín dù vẫn dành nhiều thời gian cho nghệ thuật.

Theo thông tin từ gia đình, nhạc sĩ Ánh Dương trút hơi thở cuối cùng lúc 6h ngày 8/11. Ông qua đời tại nhà riêng tại TP.HCM, hưởng thọ 88 tuổi. Con trai nhạc sĩ Ánh Dương choTiền Phong biết lễ nhập quan bắt đầu từ 17h15 phút chiều cùng ngày. Lễ truy điệu diễn ra lúc 19 giờ tối 8/11.

Nhạc sĩ Ánh Dương được an táng tại nghĩa trang Đồng Dưng, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Nhạc sĩ Ánh Dương (phải) và nhà báo Nguyên Anh. Ảnh: Nguyên Anh.

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam - chia sẻ với Tiền Phong những sáng tác của nhạc sĩ Ánh Dương đều phục vụ cho âm nhạc cách mạng. Tác phẩm của ông mang âm hưởng dân ca Nghệ An, Hà Tĩnh.

“Nhạc sĩ Ánh Dương có nhiều sáng tác trong thời kháng chiến. Bài hát Chào em cô gái Lam Hồng thể hiện rõ tinh thần quân dân, là tác phẩm tiêu biểu trong số đó. Ca khúc này không chỉ thể hiện hình tượng âm nhạc mà còn cho thấy hình tượng văn học nghệ thuật, hình tượng đất nước trong thời kỳ kháng chiến. Lời ca của bài hát như tuyên ngôn của bao con người giai đoạn đó - những năm tháng mà âm nhạc chính là vũ khí sắc bén của dân tộc”, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi nói.

Ca khúc Chào em cô gái Lam Hồng ghi dấu tên tuổi của nhạc sĩ Ánh Dương. Ảnh: Tư liệu.


Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi cho biết cố nhạc sĩ là người yêu ghét rõ ràng, thẳng thắn đưa ra những lời phê bình. Đó đều là những lời phê bình để mọi người trở nên tốt hơn.

Nhạc sĩ Ánh Dương tên khai sinh là Lê Văn Dương, sinh năm 1935, quê ở xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu hoạt động cách mạng và bén duyên với nghệ thuật, hoạt động chuyên nghiệp tại Đoàn Văn công Đại đoàn 325 (Quân khu IV), vừa biểu diễn vừa sáng tác.

Mùa hè năm 1967, nhạc sĩ Lê Ánh Dương sáng tác Chào em cô gái Lam Hồng ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Đầu năm 1968, trong Đại hội thi đua Quyết thắng toàn Quân khu 4, Đoàn văn công dàn dựng thành tiết mục tam ca để chào mừng Đại hội. Ca khúc lan ra toàn Quân khu và được khán giả cả nước yêu thích thông qua chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Những ca khúc khác của ông cũng được nhiều người biết tới vang lên trên các chiến trường khu IV như Tiếng trống tòng quân, Tạm biệt em, hợp xướng Vinh quang quân khu chúng ta...

Những năm cuối đời, tác giả Chào em cô gái Lam Hồng chọn lối sống khép kín, hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Nhạc sĩ Ánh Dương chưa có được một đêm nhạc riêng, cũng không có ấn phẩm in các tác phẩm, ngoài đĩa CD tài liệu nói về bài hát Chào em cô gái Lam Hồng do Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh thực hiện.

Ngoài hai người con trai phương trưởng nhưng không nối nghiệp bố, nhạc sĩ Ánh Dương có một con gái sinh năm 1970, từng giữ chức vụ Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu 7.

Nhạc sĩ Ánh Dương được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 với 4 ca khúc: Chào em cô gái Lam Hồng, Dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam, Hoa đào nở trên biên giới, Phu cham xy và thơ giao hưởng Tượng đài chiến thắng.

Ông được tặng huân chương Quân công hạng ba, huân chương Kháng chiến hạng nhất, huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất.


Tác giả: Ngọc Ánh - Gia Linh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP