Thế giới

Nhà báo Mỹ: Triều Tiên muốn học hỏi mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể học hỏi mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam sau khi thủ đô Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp Tổng thống Donald Trump tại Singapore năm 2018. (Ảnh: Getty)

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp Tổng thống Donald Trump tại Singapore năm 2018. (Ảnh: Getty)

Theo John Burton, cựu phóng viên của Financial Times và hiện là nhà báo kiêm cố vấn tại Washington (Mỹ), một trong những điểm đồng nhất hiếm hoi khi đề cập tới Triều Tiên hiện nay đó là, Bình Nhưỡng dường như thực sự nghiêm túc với ý định hiện đại hóa nền kinh tế. Việc lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un càng củng cố thông điệp này.

Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới thăm Việt Nam ngay sau chuyến đi tới Bình Nhưỡng. Ông Pompeo khi đó đã lưu ý rằng công cuộc cải cách kinh tế mang tên “Đổi mới” của Việt Nam có thể được xem là hình mẫu cho sự thịnh vượng của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là rất quan tâm tới việc nghiên cứu mô hình của các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam và Singapore, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần đầu tiên, để rút ra các bài học về việc vực dậy nền kinh tế trong khi vẫn duy trì sự kiểm soát về chính trị.

Trung Quốc từ lâu đã kêu gọi Triều Tiên tiến hành cải cách kinh tế, bao gồm việc thành lập các đặc khu kinh tế theo kiểu Thâm Quyến (Trung Quốc). Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã tới thăm Trung Quốc 4 lần chỉ trong vòng một năm qua.

Nội dung các cuộc họp giữa ông Kim Jong-un với lãnh đạo Trung Quốc không được tiết lộ, tuy nhiên chúng có thể liên quan tới các cuộc thảo luận về việc làm thế nào để Bắc Kinh có thể hỗ trợ cho các nỗ lực hiện đại hóa kinh tế của Bình Nhưỡng để đổi lấy mục tiêu phi hạt nhân hóa.

“Nút thắt” chính bây giờ là bằng cách nào để Triều Tiên có thể đạt được mục tiêu trên. Bình Nhưỡng sẽ không bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa chừng nào Mỹ chưa đồng ý nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, những tiếng nói “diều hâu” tại Washington, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, lại trông chờ điều ngược lại so với những gì Triều Tiên hy vọng: đó là phi hạt nhân hóa trước khi nới lỏng trừng phạt.

Tổng thống Trump, người dừng như đang khao khát một chiến thắng về chính sách đối ngoại, có thể sẵn sàng đưa ra sự thỏa hiệp bằng cách dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ phá hủy một số cơ sở hạt nhân và tên lửa. Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian hữu hiệu trong tiến trình này.

Việc Triều Tiên sớm cải cách kinh tế cũng hỗ trợ cho nền kinh tế Hàn Quốc khi hai nước trở nên gắn bó hơn thông qua các mối liên kết về giao thông và đầu tư.

Những nước láng giềng với Triều Tiên cũng ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch cải cách kinh tế của Bình Nhưỡng. Họ lo ngại rằng sự yếu kém trong nền kinh tế của Triều Tiên rốt cuộc có thể dẫn tới sự sụp đổ của quốc gia này, từ đó dẫn tới làn sóng người tị nạn tràn qua biên giới các nước, đồng thời buộc Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản phải chi hàng tỷ USD cho các chương trình tái thiết.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga luôn hoan nghênh sự tự do hóa kinh tế của Triều Tiên vì điều này sẽ cho phép Bình Nhưỡng tham gia vào các cơ chế phát triển khu vực như Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và một hành lang đường sắt Á - Âu.

Ông Kim Jong-un tới thăm một nông trại tại Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Ông Kim Jong-un tới thăm một nông trại tại Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên học theo mô hình cải cách thị trường của Việt Nam?

Nhà báo John Burton đã chỉ ra một số điểm tương đồng giữa Triều Tiên và Việt Nam. Cả hai đều có lực lượng dân số lao động cần cù và được đào tạo tốt mặc dù dân số Việt Nam gấp gần 4 lần dân số Triều Tiên. Cả hai nước cũng có tinh thần dân tộc mạnh mẽ, cho phép họ duy trì sự độc lập địa chính trị đáng kể.

Theo John Burton, đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, điểm hấp dẫn nhất của Việt Nam có lẽ là việc Hà Nội đã thành công trong việc tiến hành cải cách kinh tế toàn diện và mở cửa với nền kinh tế toàn cầu trong khi vẫn duy trì được chế độ chính trị một đảng ổn định. Quá trình cải cách kinh tế của Việt Nam diễn ra từ từ và đây là cách tiếp cận dường như được nhà lãnh đạo Kim Jong-un ủng hộ. Việt Nam đã mất tới hơn 30 năm để đạt được thành công về kinh tế.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể cũng xem sự cải thiện đáng kể trong quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh là một hình mẫu để ông có thể học tập trong chính sách của Bình Nhưỡng với Washington. Triều Tiên sẽ cần sự ủng hộ của Mỹ nếu muốn nhận được các khoản tiền từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thậm chí gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Yếu tố đưa Triều Tiên và Mỹ xích lại gần nhau hơn là mối quan tâm chung về việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc mặc dù cả Bình Nhưỡng và Washington đều duy trì quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư với Bắc Kinh. Triều Tiên có thể học theo Việt Nam bằng cách thắt chặt quan hệ với Nhật Bản và Ấn Độ.

Hội nghị Trump - Kim sắp tới không chỉ là phép thử then chốt cho sự sẵn lòng của Triều Tiên trong việc phi hạt nhân hóa mà còn sự khao khát của Bình Nhưỡng trong việc theo đuổi mục tiêu cải cách kinh tế. Việc Triều Tiên đồng ý gặp mặt tại Việt Nam là một tín hiệu đầy hy vọng, theo nhà báo John Burton.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP