Địa Chí Hà Tĩnh

Nguyễn Khuyến đã làm cho Hồng Lĩnh vút cao

Núi Hồng, Sông Lam và văn hóa xứ Nghệ đã sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ lớn, tên tuổi của họ đã làm rạng rỡ quê hương Hà Tĩnh như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du… Nhưng Hà Tĩnh là quê hương của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến thì người biết đến vẫn chưa nhiều

Nguyễn Khuyến (1835-1903) được tôn là bậc đại nho, là bậc thi bá tao đàn Việt Nam (cả Hán và Nôm), một nhà thơ lớn giàu lòng yêu nước, phẩm chất cao quý, bảo trọng khí tiết mà cam chịu sống nghèo, rất cận nhân tình và là thơ của dân tình, của sắc thu, tiếng thu đất Việt, một nhân cách thi sĩ, bản lĩnh tuyệt vời với một bản sắc thơ độc đáo, hội hòa kỳ lạ chất bác học với chất dân gian.


Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống khoa bảng, ông tổ 4 đời đậu tiến sĩ, cha là ông đồ đậu tú mền, con trai ông đậu phó bảng. Hai bên nội ngoại đều là nhà nho nghèo, đó là cội rễ. Năm 1871 khi mới 37 tuổi, ông liên tiếp đỗ đầu các kỳ thi hương, thi hội, thi đình, người đời suy tôn tên ông là Tam Nguyên Yên Đỗ (Yên Đỗ – xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nơi quê hương thứ hai của ông).


Văn tức là người, tài hoa, khí phách của nhà thơ Nguyễn Khuyến lấp lánh nét văn hóa, bản sắc của người xứ Nghệ, với dáng đứng ngạo nghễ của Hồng Lĩnh và tình đời bát ngát như dòng sông Lam. Điều ấy đã rõ, bởi nhà thờ họ Nguyễn Tông của nhà thơ (ở Làng Và, Yên Đỗ, xã Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam) còn lưu vế đối: “Hồng sơn cao – Vị thủy trường”. Nhà thơ Nguyễn Khuyến hiện còn được lưu giữ ở Yên Đỗ, nơi đây có bức chân dung của nhà thơ, với đôi câu đối sơn son thiếp vàng treo ngay mặt trước: “Hồng sơn chi ngoại uất giai khí – Vị thủy chí kim thành đại giang” (Hồng sơn đất ngoại kết tụ được khí tốt – Vị Thủy đến nay đã thành con sông lớn) của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, bạn đồng niên, đề tặng – dịch nghĩa: nhà thơ Xuân Diệu). Vậy là gốc tổ của Nguyễn Khuyến là đất Hồng Sơn.


Tên xã Yên Đỗ – Làng Và – Trung Lương, không chỉ gắn bó với cuộc đời nhà thơ Nguyễn Khuyến mà còn là gắn với kỷ niệm một thời xa xưa khi tổ tiên ông từ đất Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ra sinh cơ lập nghiệp và để lại công đức ở đây. Cụ tổ Nguyễn Khuyến là Quang Lượng hầu làm Đại tướng triều Mạc. Thuở ấy vùng Yên Đỗ bị giặc “Cuốc đen” hoành hành, cướp bóc và phá sập cả cầu, ngăn cản sự giao lưu của quan, dân, bao năm ròng cầu không bắc lại được, bởi vậy nên có tên là cầu đổ.


“Bao giờ cầu đổ lại lànhCho yên con đỏ, cho bình cuốc đen”


Quang Lượng hầu đã có công dẹp giặc cướp, sau đó ông lâm bệnh và mất tại đây. Ít lâu sau con cháu Quang Lượng hầu từ đất Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ra thăm mộ tổ và “Chiêm yết truy từ”. Nhân vùng này đất rộng, người thưa, dân tình sùng kính Quang Lượng hầu và đối xử nồng hậu với con cháu, ân nhân của ông, lại vì tình thế loạn ly, đường về quê cũ khó khăn nên đã chọn đất Làng Và ký ngụ (Và: tên một loài cây sống ven sông, hiện có nhiều tại xã Trung Lương – Hồng Lĩnh) những người này là tổ tiên của dòng họ Nguyễn “Hồng Sơn Chi ngoại” mà Nguyễn Khuyến là đời thứ 14, 15 (khoảng 500 năm từ khi rời Hồng Lĩnh ra đi).


Kề cạnh xã Yên Đỗ còn có một xã Trung Lương. Vậy Yên Đỗ – Trung Lương có mối quan hệ như thế nào? Rất có thể là sau khi con cháu ra Yên Đỗ để “Chiêm yết truy từ” Quang Lượng hầu, đã ở lại sinh cơ lập nghiệp đã xây nên một thôn xóm mới có cả Làng Và và Trung Lương. Năm 1947 Làng Và (tên chữ là Vị Hạ) tách ra khỏi xã Yên Đỗ, nhập vào với xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Như vậy, 500 năm trước, trên quê hương mới, tổ tiên của Nguyễn Khuyến vẫn luôn ghi nhớ, tự hào về quê hương gốc tổ của mình, nỗi niềm ấy thấm đẫm vào huyết hệ và tiếp tục thấm đỏ trong trái tim nhà thơ. Ở từ đường họ nhà thơ Nguyễn Khuyến tại Làng Và, xã Trung Lương (Bình Lục) còn lưu bài minh khắc trên đá do nhà thơ làm, có đoạn: “Cổn cổn trường giang, xuất tự Hồng Sơn, tích nhi vi vị, ngũ bách niên gian”. Nghĩa là: Cuồn cuộn sông dài, phát ra từ núi Hồng Lĩnh, chảy tách thành sông Vị, khoảng năm trăm năm nay (Nguyễn Văn Huyền – Nguyễn Khuyến – Cuộc đời – Nhà xuất bản Giáo dục 1994).


Theo tác giả Nguyễn Văn Huyền, quê gốc của Nguyễn Khuyến ở vùng Treo Vọt, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Vậy Làng Và, Trung Lương và Bình Lục, Hà Nam nơi quê thứ hai của nhà thơ có mối quan hệ như thế nào với “Hồng Sơn chi ngoại”. Theo tác giả Nguyễn Văn Cường: “Sau khi đến Yên Đỗ để sinh cơ lập nghiệp, tổ tiên Nguyễn Khuyến đã mang theo bản sắc xứ Nghệ “Ấy là vườn Bùi chốn cũ”, là Làng Và, Trung Lương. Vườn “Bùi”, tiếng Nghệ Tĩnh dùng để gọi cây chè trâm mà miền Bắc là cây vối và vị hạ nơi đây có lắm cây Và, vậy thôi” (Nguyễn Văn Cường – Đôi điều về làng quê Yên Đỗ – Nguyễn Khuyến về tác giả và tác phẩm – Nhà xuất bản Giáo dụch – 1994).


Ấy mới biết hàng trăm năm trước, con người ở làng quê ra đi, dẫu đất lành chi đậu vẫn lấy tên quê hương mình để đặt tên cho quê hương mới. Mới hay, cây Và là cây sống ven hà hói nơi có nước thủy triều trên sông Lam, nay trải qua bao thời đất bồi, sông chảy vẫn còn san sát trên đồng trũng Trung Lương – Hồng Lĩnh là cội nguồn và là niềm tự hào cho hậu thế, để cho “Hồng Sơn chi ngoại uất giai khí…”. Phải chăng vì thế mà cuộc đời và thơ văn Nguyễn Khuyến mang khí phách của chí sĩ núi Hồng.


Vậy là đã 500 năm, từ quê hương Hồng Lĩnh ra đi, dẫu có biết bao biến cố thăng trầm lịch sử nhưng dòng họ cũng như chính bản thân nhà thơ Nguyễn Khuyến vẫn luôn tự hào, hướng về quê cũ, ấy là “Hồng Sơn chi ngoại…” và Hà Tĩnh, Hồng Lĩnh tự hào có một nhà thơ lớn.


Thật đúng, khi nhà văn Trần Đắc Túc đã viết: “…Tiếng tốt lành của những văn tài, chí sĩ của các bậc đại khoa đã làm rạng danh cho quê hương, cho gần xa biết đến núi Hồng. Và, vì thế núi vẫn không cao lắm thì đã có bậc văn tài đưa núi cao hơn” (Trần Đắc Túc – Thời của núi – Dưới chân Núi Hồng 2-2002). Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã làm cho Hồng Lĩnh vút cao, vượt qua không gian, thời gian soi bóng đến tận dòng Vị Thủy.


Nguyễn Trường Thiện

Báo Bà Rịa Vũng Tàu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP