Bộ Công an đã công bố 39 người chết trong container ở Anh đều là người Việt. 6 tỉnh thành có người thiệt mạng, trong đó có Nghệ An, Hà Tĩnh. Cảm xúc của ông khi nhận thông tin này?
Sau cảm giác sốc là buồn và đau.
Buồn vì mất đi công dân lương thiện. Những thanh niên trẻ khỏe đi lao động kiếm sống để rồi thiệt mạng ở một vùng đất xa xôi. Hình ảnh bàn thờ hoa trắng khiến lòng tôi quặn thắt. Nhiều người thiệt mạng bỏ lại con thơ, bố mẹ già kiệt quệ và… khoản nợ khổng lồ.
Ở Nghệ An, Hà Tĩnh, người ta đi nhiều lắm.... Nhiều khi cả vùng đi vì nghĩ rằng có thể nương tựa vào nhau. Nhưng khi đã chui vào thùng container đông lạnh thì số phận như nhau, chẳng còn gì để nương tựa, tất cả phó thác cho lái xe không hiểu tiếng Việt.
Không chỉ buồn, sự việc này còn là nỗi đau của dân tộc.
Nên giúp họ trở về với gia đình, có hỗ trợ phần nào họ lo mai táng và duy trì cuộc sống, vượt qua cú sốc gia đình. Bởi người nào đi cũng mất một số tiền lớn 500-700 triệu, thậm chí cả tỷ bạc.
Nguyên Bộ trưởng TT&TT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Lê Doãn Hợp |
Chúng ta phải mổ xẻ nỗi đau này
Sau chuyện đau lòng này, có người đặt câu hỏi, tại sao VN đã hòa bình mấy chục năm nhưng vẫn có những người phải tha hương cầu thực một cách liều lĩnh?
Tôi nhìn nhận câu chuyện này ở góc độ mở hơn, với 4 vấn đề mà không chỉ VN mà cả thế giới phải đối mặt.
Thứ nhất, chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa với công dân toàn cầu, DN toàn cầu, thị trường toàn cầu và nhân lực toàn cầu. Đó là 4 xu hướng không thể thay đổi. Người lao động từ nước nọ sang nước kia làm ăn là chuyện rất bình thường.
Thứ 2, thế giới đang phải đối mặt với 4 vấn đề là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xung đột sắc tộc và phân hóa giàu nghèo. Phân hóa giàu nghèo không chỉ trên bình diện quốc gia mà trên cả thế giới, nơi nào phân hóa quá xa thì ở đó an toàn càng thấp.
Mẹ một nạn nhân ở Hà Tĩnh ngồi lặng trước ban thờ, cầu nguyện cho con. Ảnh: Lê Minh |
Vì thế, tất cả những nước giàu đều phải chung tay xử lý “vận hạn” của thế giới, nếu không các nước giàu cũng chẳng an toàn. Văn minh của loài người chính là người giàu giúp người nghèo, nước phát triển phải giúp nước chậm phát triển. Từ vụ 39 người chết ở Anh, thế giới càng phải lưu tâm tới vấn đề này.
Vấn đề thứ 3 là Đảng và nhà nước phải tìm mọi cách tạo công ăn việc làm, giúp đỡ người lao động.
Ngay như vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, có rất nhiều người làm giàu ngay trên chính quê hương. Với số tiền từ 500 triệu tới 1 tỷ mà người lao động bỏ ra để sang Anh, họ hoàn toàn có thể dùng để đầu tư, phát triển vốn sản xuất tại chỗ.
Ra nước ngoài mà không có ngoại ngữ, tay nghề, đi liều lĩnh thì có thể phải đánh đổi thứ quý giá nhất trên đời là tính mạng.
Vấn đề thứ 4 tôi muốn đề cập tới sau câu chuyện 39 người chết ở Anh là việc quản lý ở địa bàn còn rất lỏng lẻo. Mọi sự việc đều diễn ra trên một địa danh, địa bàn cụ thể và có các tổ chức, đoàn thể, có sự quản lý của cơ quan nhà nước.
Vậy tại sao lại để xảy ra tình trạng như vậy mà chính quyền địa phương không hay biết?
Liệu có tình trạng, ủng hộ ngầm để đi xuất khẩu lao động “chui không”, vì nó sẽ mang về nguồn ngoại tệ không nhỏ cho địa phương, những biệt thự xa hoa mà làm nông không biết tới khi nào mới có được?
Nguồn ngoại tệ đổ về chủ yếu là đường xuất khẩu lao động chính ngạch, còn chui lủi chiếm tỷ lệ rất nhỏ, thậm chí nhiều người tán gia bại sản, bỏ mạng nơi xứ người như trường hợp chết tại Anh.
Làm giàu trên quê hương là làm giàu vinh quang nhất
Nghệ An, Hà Tĩnh là mảnh đất sản sinh ra rất nhiều nhân tài, nhưng họ đã không chọn quê hương để phát triển. Là người con của mảnh đất Nghệ An, ông có trăn trở về điều này?
Anh em đồng hương thường bảo với nhau rằng, nghèo thì đi, giàu sẽ về. Khi có điều kiện, người Nghệ An sẽ quay trở về đầu tư, hỗ trợ quê nhà.Những người có tay nghề, có học vấn thường đi làm giàu ở nơi thuận lợi hơn bởi trong tỉnh chưa có các ngành nghề mà họ sở trường.
Làm giàu ở bất kỳ chỗ nào nhưng vốn, chất xám, kinh nghiệm và trí tuệ phải trở về quê hương.
Tôi làm Chủ tịch quỹ tâm tài Nghệ An cũng vì thế. Quỹ để tôn vinh người Nghệ An có tài, tôn vinh những người có tâm vì Nghệ An, về Nghệ An xây dựng.
Những người có tâm có tài phải giúp người Nghệ An có công ăn việc làm bền vững. Nếu ra nước ngoài làm việc thì phải có ngoại ngữ, có tay nghề để làm sao họ trọng mình, trọng đất nước mình.
Từng là Bí thư, Chủ tịch tỉnh Nghệ An, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Bộ TT&TT, theo ông có cách nào để phát triển quê hương, chặn luồng di cư bất hợp pháp?
Ông Nguyễn Huy Tưởng năm 20 tuổi đã nói: Con người không quan tâm tới văn hóa, lịch sử, truyền thống thì chẳng khác nào một con trâu cày ruộng nào cũng được, cày với ai cũng được.
Chúng ta phải kêu gọi DN, Việt kiều về xây dựng quê hương, đất nước mình. Bởi, làm giàu trên quê hương là làm giàu vinh quang nhất, tự hào nhất.
Tác giả: Thành Huế
Nguồn tin: Báo VietNamNet