>> Hàng trăm nghìn sếp bị rao bán thông tin cá nhân
>> Hàng loạt lãnh đạo trượt kỳ thi nâng ngạch chuyên viên
Rõ ràng, công chức có vai trò rất lớn trong sự phát triển của đời sống, xã hội nói chung và những trong những chính sách, quy định của Nhà Nước ban hành nói riêng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công chúng đã có không ít lần phải giật mình thoảng thốt về trình độ cũng như thái độ làm việc của công chức Việt hiện nay.Phát biểu tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức vào chiều 25/1/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận: “Tình trạng chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Phó thủ tướng cũng đã đặt ra câu hỏi: “Chúng ta hiện đang có 2,8 triệu công chức, nhưng thực sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không?”
Tuy nhiên, người dân đã được trấn an ngay sau đó với kết quả rà soát công chức Hà Nội trong tháng 1/2013. Theo đó, Sở Nội vụ Hà Nội đã kiểm tra, rà soát thi tuyển công chức, viên chức tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và các đoàn kiểm tra đều đánh giá UBND các đơn vị được kiểm tra đã cơ bản thực hiện đúng nội dung, quy định, đúng hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Qua kiểm tra các quận, huyện, chưa phát hiện có hồ sơ, tài liệu chứng cứ thể hiện việc cán bộ, công chức tham gia công tác tuyển dụng vi phạm quy định hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cố ý làm trái hay vụ lợi bất chính. Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng khẳng định thông tin “chạy công chức không dưới 100 triệu đồng chỉ là tin đồn”.Theo ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, do dư luận khá quan tâm và bất bình trước thông tin này nên Thành phố đã rất nghiêm túc tổ chức các đoàn kiểm tra để thanh tra, rà soát về việc thi tuyển công chức, viên chức tại những “địa chỉ” có vấn đề theo phản ánh của dư luận. Tuy nhiên, cả lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội và Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đều khẳng định “đến nay vẫn chưa tìm ra những cá nhân, tập thể nào có việc đưa và nhận tiền để chạy công chức”.Với kết quả ấy, rất nhiều người dân đã được thở phào nhẹ nhõm vì có thể yên tâm, tin tưởng vào trình độ và năng lực của những người “nô bộc” của mình. Việc khẳng định không có ai chạy chức chay quyền, 100% cán bộ đạt chuẩn đủ uy tín, không ai phải chuyển công tác khiến công chúng yên tâm sẽ không có những xáo trộn trong cuộc sống bị kéo theo bởi sự thay đổi đội ngũ công chức cũng như phải đối mặt với những quy định, chính sách lạ, xa rời thực tiễn.Ấy vậy mà, vừa mới yên tâm chưa được bao lâu thì thông tin về kết quả kỳ thi nâng ngạch chuyên viên với 30% công chức không đạt điểm để xét; trong số này có nhiều người là lãnh đạo cấp Cục, Tổng cục lại khiến người dân thêm một lần hoang mang.Chiều 24/6, tại buổi họp cung cấp thông tin thường kỳ cho các cơ quan báo chí, đại diện Bộ Nội vụ cho biết: Có đến 30% công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp theo nguyên tắc cạnh tranh vừa qua không đạt điểm để xét; trong số này có nhiều người là lãnh đạo cấp Cục, Tổng cục. Ngay trong Bộ Nội vụ cũng có 9/22 công chức không đạt được số điểm cần thiết.“Điều quan trọng nhất là thể hiện được sự công bằng trong thi cử. Người có trình độ, năng lực tốt chắc chắn sẽ thi đỗ” – Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, nhiều tỉnh thành đang có kế hoạch thi công chức trực tuyến
Được biết, cuộc thi nâng ngạch chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước vừa qua được Bộ Nội vụ tổ chức thi theo nguyên tắc cạnh tranh, khách quan, công bằng, nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng công chức dự thi và hoàn toàn không có “vùng cấm.”Khác với những kỳ thi trước đây không theo nguyên tắc cạnh tranh, về cơ bản tất cả những người dự thi đều đỗ, tỷ lệ bị trượt chỉ từ 3-10% (chủ yếu rơi vào số dư), kỳ thi lần này được tổ chức theo tinh thần của Luật Cán bộ công chức, nhằm chọn người có đủ trình độ năng lực để bổ nhiệm vào vị trí cao hơn trong nền công vụ, nâng cao chất lượng thi tuyển công chức nên cả những người không nằm trong số dư cũng trượt nếu không thi đủ các môn thi và mỗi môn thi không đạt từ 50/100 điểm trở lên. Đây là điểm mới nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước.Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: Kết quả thi nâng ngạch chuyên viên chính hiện chưa có do đang trong quá trình ghép phách. Kết quả thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp đã được gửi cho các bộ, ngành, địa phương với khoảng 30% số người thi không đạt đủ số điểm yêu cầu. Người thi trượt trong đợt này vẫn được tiếp tục thi trong các kỳ sau nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn.Đi tiên phong trong đổi mới công tác thi tuyển công chức, Bộ Nội vụ đã tiến hành thi tuyển theo phương thức trực tuyến, 3 môn thi trên máy tính, 2 môn thi viết do Hội đồng chấm. Trong số hơn 600 hồ sơ dự thi, Bộ chỉ tuyển được hơn 30 người trong số chỉ tiêu cần tuyển là 59 người.
Đợt thi công chức trực tuyến do Bộ Nội vụ tổ chức đầu tháng 1/2013
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, cách thi này mở ra hướng mới trong tuyển dụng công chức, đảm bảo triệt để nguyên tắc khách quan, công bằng trong tuyển dụng, người đăng ký dự thi cũng cảm thấy thoải mái hơn, nhận rõ việc trúng tuyển hay không là phụ thuộc vào trình độ năng lực của bản thân. Bộ đang nghiên cứu hoàn thiện phương thức thi để đảm bảo không chỉ có máy tính chấm tuyển chọn người mà cả Hội đồng cũng chấm thi, trong đó có tính đến việc bổ sung thêm phần phỏng vấn để kiểm tra khả năng giao tiếp và ứng xử, những nội dung khác cần thiết để tuyển lựa người theo yêu cầu công việc, phù hợp với vị trí việc làm.Với kết quả này, người dân lại đành phải tiếp tục lo lắng về trình độ của công chức – những người có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mình, đồng thời hy vọng trong thời gian tới có thể nhận được những thông tin an ủi để không còn cảnh hoang mang, lo lắng hiện nay.
An Khanh (Tổng hợp từ TTXVN, Dân Trí)