Giáo dục

Người thầy của trẻ em nghèo xứ Thanh

Dù số phận cướp đi đôi chân khi đang còn quá trẻ nhưng với nghị lực phi thường, anh Lê Hữu Tuấn vẫn mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống và trở thành "người đưa đò" cho hàng trăm học sinh nghèo sau lũy tre làng

Sinh ra và lớn lên tại xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, một miền quê nghèo ở tỉnh Thanh Hóa, cũng như bao đứa trẻ khác, Lê Hữu Tuấn (SN 1983) được vui đùa và đến trường trên đôi chân khỏe mạnh nhưng cuộc sống nghiệt ngã đã đẩy cuộc đời anh sang một lối rẽ bất ngờ.

Ngã rẽ cuộc đời

Đó là vào một ngày hè năm 1991 (Tuấn đang học lớp 2), khi đang vui đùa cùng đám bạn thì Tuấn thấy đau ở chân, rồi sau đó chân ngày càng đau và không thể đứng lên được, lúc này gia đình mới đưa Tuấn đi khám ở bệnh viện huyện nhưng không ra bệnh. "Đưa con ra Hà Nội khám, bác sĩ nói con tôi bị viêm tủy cấp, sẽ khó giữ được đôi chân. Sau gần 1 tháng điều trị, phép mầu đã không xảy ra, chân Tuấn chỉ cử động được vài lần và cứ teo tóp dần rồi liệt hẳn" - ông Lê Hữu Thu, bố của anh Tuấn, nhớ lại.

Đưa con về nhà, thấy con rất ham học, gia đình ông Thu không cầm lòng nên đã lặn lội từ miền núi heo hút hay vào tận miền Nam xa xôi để tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh cho con nhưng đều đầu hàng trước căn bệnh quái ác của Tuấn. Dù phải làm bạn với xe lăn từ năm lớp 2 nhưng với nghị lực phi thường, Tuấn đã nỗ lực học tập để thành người có ích cho xã hội.

Không thể tới trường do bệnh tật, Tuấn tự mày mò học ở nhà và liên tiếp vượt qua các kỳ thi tiểu học, THCS. Đặc biệt, năm 1998, Trường THCS Đông Thịnh đề nghị Tuấn đi thi học sinh giỏi cấp huyện nhưng chỉ cho thi ở mức đề dành cho học sinh lớp 7 nhưng anh đề nghị được thi đề của lớp 9. Tuấn sau đó đã không phụ lòng thầy cô khi mang về giải nhì môn toán. Sau đó, Tuấn thi vào lớp 10 tại Trường THPT Đông Sơn 1 và Trường THPT chuyên Lam Sơn (trường chuyên nổi tiếng của Thanh Hóa) và đỗ cả 2 trường, nhưng do sức khỏe nên Tuấn đã chọn trường gần nhà để theo học.

Nghị lực của cậu học sinh khuyết tật còn khiến người dân nghèo quê anh phải thán phục khi anh trở thành thủ khoa ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Hồng Đức. Theo anh Tuấn chia sẻ, thời điểm đó, Trường Hồng Đức đã chọn 44 sinh viên đỗ với số điểm cao nhất thi vòng 2 để chọn ra 15 "hạt giống" đào tạo về sau phục vụ cho các sở, ngành trong tỉnh và Tuấn là 1 trong số 15 người đó.

Lớp học của thầy giáo Lê Hữu Tuấn luôn đông học trò tới học. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Người thầy ngồi xe lăn nổi tiếng

Tốt nghiệp ĐH, Lê Hữu Tuấn được bố trí về công tác tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa nhưng anh đã từ chối mà trở về quê mở lớp dạy học. "Lúc đầu tôi nghĩ mở lớp để có niềm vui nhưng rồi trẻ tới xin học ngày một nhiều nên tôi đã nghĩ khác, tôi có thể làm thầy ở ngay chính căn nhà của mình. Mỗi ngày lên lớp tôi thấy rất vui, bởi mình đã phần nào giúp các em đạt được ước mơ bằng chính nghị lực của mình" - Tuấn chia sẻ.

Các thế hệ học sinh của thầy Tuấn liên tiếp đỗ ĐH, CĐ nên phụ huynh khắp nơi trong tỉnh Thanh Hóa đã đến tận nhà anh xin cho con theo học. Đến nay, sau gần 10 năm mở lớp, số lượng học sinh của thầy Tuấn đỗ ĐH, CĐ lên tới con số khoảng 700 người, trong đó có nhiều em đỗ vào các trường ĐH có tiếng. "Lớp học của tôi đa số là học sinh nghèo, đối với những học sinh khuyết tật tôi không thu tiền, nhà có 2 em theo học chỉ thu học phí 1 người. Tôi mở lớp cũng chỉ mong các em, đặc biệt là những em không may mắn như tôi, đều được đến trường và có nghị lực, không lùi bước trong cuộc sống. Tôi vui và hạnh phúc vì điều đó" - thầy Tuấn trải lòng.

Niềm vui như nhân gấp bội, thầy Tuấn còn có một tổ ấm hạnh phúc với người vợ trẻ xinh đẹp và 3 cô con gái ngoan hiền. Thầy kể vào năm cuối ĐH, khi ra Hà Nội thi và quen Linh, một cô gái trẻ đẹp (là vợ thầy bây giờ), lúc đầu thầy rất tự ti vì không biết Linh có chấp nhận mình không, vì mình là một người tàn tật. "Nhưng tôi vui và hạnh phúc khi vợ tôi không coi tôi là một người tàn tật mà rất tôn trọng, chia sẻ những khó khăn với nhau. Chúng tôi đã vượt qua nhiều định kiến để yêu rồi cùng nhau xây tổ ấm" - thầy Tuấn tự hào kể.

Bộ GD-ĐT tôn vinh 168 nhà giáo tiêu biểu

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2017), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Người đứng đầu ngành giáo dục bày tỏ sự cảm phục tấm lòng của các cô giáo, thầy giáo miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không quản ngại khó khăn, hy sinh cho sự nghiệp trồng người. Bộ trưởng cũng ghi nhận những tấm gương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, đổi mới sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới trong giảng dạy và quản lý. Năm học 2017-2018, ngành giáo dục tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT, trong đó trọng tâm là chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và đẩy mạnh tự chủ ĐH.

Ngày 18-11, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức lễ trao thưởng cho 168 nhà giáo tiêu biểu. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng gửi lời chúc mừng và trao quà của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đến 168 thầy cô.

Y.Anh

Tác giả: Thanh Tuấn

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: ngày 20/11 , người thầy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP