TẤT CẢ VÌ HỒ KẺ GỖ
Ông Đặng Sỹ Châu, nguyên GĐ Cty Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Kẻ Gỗ, kể rằng: Công trình thủy lợi hồ Kẻ Gỗ “thai nghén” từ những thập niên đầu thế kỷ 20. Lúc đó cùng giai đoạn với công trình Bái Thượng (Thanh Hóa), Bara Đô Lương, Nam Đàn, Bến Thủy (Nghệ An). Nhưng do nhiều điều kiện nên nó đành chấp nhận làm muộn hơn nửa thế kỷ. Sự muộn màng đó làm cho nhân dân thêm khát khao.
Từ cuối năm 1958, Bộ Thủy lợi và Kiến trúc đã tiến hành thu thập các hồ sơ khảo sát đo đạc về thủy văn, địa hình, địa chất… đưa về Văn phòng Bộ để nghiên cứu. Công trình không chỉ là sự trăn trở của các nhà khoa học chuyên ngành lúc đó mà còn là sự trăn trở của thế hệ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Châu cho hay: “Cuối cùng, Bộ trưởng Hà Kế Tấn đã làm văn bản liên tịch giữa Đảng đoàn Bộ Thủy lợi và Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh trình lên Ban Bí thư, Hội đồng Chính phủ xin được xây hồ Kẻ Gỗ. Ban Bí thư chấp thuận. Sau đó không lâu thì Hội đồng Chính phủ phê duyệt, xin chủ trương của Quốc hội và được đưa vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia”.
Điều gì cần đến đã đến. Ngày 23/12/1974 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn quyết định, Hội đồng Chính phủ đã ký Quyết định số 318 phê quyệt nhiệm vụ xây dựng hồ chứa Kẻ Gỗ tại xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên).
Trong những lần trao đổi với đồng nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Chương nhớ lại: “Khi có quyết định của Hội đồng Chính phủ, cả tập thể Thường vụ Tỉnh ủy khi nghe được thông tin này đã không cầm được nước mắt. Lòng dạ bâng khuâng, sung sướng vô cùng, tưởng cuộc đời mình trẻ lại hàng chục tuổi”.
Nhưng lúc này nhiệm vụ đặt ra trước mắt cho nhân dân Hà Tĩnh là vô cùng khó khăn, đời sống túng thiếu. Cả nước đang dồn sức người, của cải cho giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Bộ Thủy lợi huy động Viện Thiết kế, Viện Nghiên cứu và Trường ĐH Thủy lợi tập trung tính toán, dự toán, ưu tiên các hạng mục thi công trước theo thứ tự thời gian. Nhiều chuyên gia, cán bộ đầu ngành đã được lựa chọn để đảm nhận phần việc vô cùng quan trọng này và sẵn sàng ôm ba lô hành quân vào Kẻ Gỗ nhận nhiệm vụ.
Tháng 6/1974, lúc Hội đồng Chính phủ có chủ trương giải thể các tổ chức thanh niên xung phong. Tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập ngay hai Cty xây dựng thủy lợi và giao thông với 2.600 người nguyên là những thanh niên xung phong. Sau đó đưa đội quân này vào giải phóng mặt bằng, khai thác vật liệu xây dựng, làm đường giao thông.
Đầu năm 1976, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngày 26/3/1976, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh Trương Kiện chính thức phát động khởi công xây dựng hồ Kẻ Gỗ.
Ông Châu tâm sự: “Lúc đó, cả một biển người rợp bóng cờ đỏ sao vàng được huy động từ mọi miền quê của Nghệ Tĩnh, từ Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên đến Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghĩa Đàn, Hương Khê… đổ dồn về Kẻ Gỗ. Tất cả chỉ vì hồ Kẻ Gỗ”.
DỰ KIẾN 6 NĂM, LÀM 3 NĂM
Trên công trường hồ Kẻ Gỗ, tỉnh Nghệ Tĩnh đã huy động tới 16 vạn lao động bố trí khép kín trên hầu hết tuyến công trình. Ngoài ra, còn có lực lượng vũ trang của Quân khu 4, Trung đoàn 375, Trung đoàn Phan Đình Giót, Trung đoàn 18… cũng xốc vai xây hồ.
“Nếu lúc đó chỉ tính tối thiểu mỗi người một ngày cần 0,5 kg gạo, 0,2 lít nước mắm. Với lực lượng lao động lúc đó thì phải cần tới gần 8 tấn gạo và 3.000 lít nước mắm mỗi ngày. Đó là chưa nói tới chất đốt, nước sinh hoạt, thuốc men, vải vóc, kim chỉ… Đúng là một cuộc chiến thầm lặng cam go, thử thách”, ông Châu nói.
Ông Lê Xuân Thiều, nguyên Kế toán trưởng đại công trình hồ Kẻ Gỗ, nhớ như in: “Lúc đó một tháng chúng tôi phải đi ra Hà Nội ít nhất bốn lần để nhận phiếu lương thực về phục vụ cho việc xây hồ. Người đi xây hồ được tính theo ngày công. Một công được vài ba lạng lúa, ăn chia theo sản phẩm dạng hợp tác xã”.
Ngày tháng ấy, thanh niên Nghệ Tĩnh đào hồ bằng tay, khoét sâu xuống lòng đất hàng chục mét rồi dùng ròng rọc kéo đất lên. Nhiều người ở dưới lòng đất thiếu oxi ngất xỉu. Xe cút kít bánh làm bằng gỗ nên liên tục hư phải sửa chữa.
Với khí thế “Mo cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản đi xây hồ” nên chỉ 3 năm sau xây dựng, đại công trình thủy nông hồ Kẻ Gỗ cơ bản đã hoàn thành trước dự tính 3 năm.
Một góc lòng hồ đại thủy nông Kẻ Gỗ ngày nay
Sau này, ông Trương Kiện kể lại: “Lúc mình chủ trương rút thời gian xây dựng xuống còn 3 năm nhiều người phê là phiêu lưu, duy ý chí, phản khoa học. Bởi quyết định này mà sau mình mới có điển tích: “Nghe lời Trương Kiện đào bới lung tung”. Nhưng để có quyết định đó mình đã cho anh em chuyên môn tính toán cẩn thận và sau này nó đã thành hiện thực”.
Thời gian ghé vai nhau đi xây hồ, cả Nghệ Tĩnh dồn vang khẩu hiệu: “Thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang sơn”, “Mo cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản đi xây hồ”. Khẩu hiệu đó cuốn hàng vạn thanh niên nhập cuộc như thác lũ chỉ để thực hiện lý tưởng vì tương lai cho ngày mai hết đói khổ.
Đối với ông Đào Văn Tinh, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh ngày tháng “cơm nắm muối vừng” đi đào núi, dời non để xây hồ Kẻ Gỗ vẫn vẹn nguyên như ngày nào.
Ngày ấy, ông dẫn đầu đội thanh niên xung phong chân đất, vai trần cùng cuốc, xẻng, xà beng bổ xuống lòng hồ những lát cuốc đầu tiên. Để sau này làm nên một huyền thoại đi vào lịch sử ngành nông nghiệp nước nhà những năm sau giải phóng.
“Trong thời gian khó “Rau Thạch Hà, sắn Hương Sơn góp lại/Đọt rau mềm, thực phẩm cũng chia ba” hay “Ta nghe trong đó ăn cơm là chuyện lạ”. Ấy vậy mà chúng tôi đã làm nên một Kẻ Gỗ sừng sững. Trở thành biểu tượng của nhân dân Nghệ Tĩnh cho đến tận ngày nay”, ông Tinh tự hào nói.
Lịch sử xây hồ Kẻ Gỗ đã đi qua nhưng trong trí nhớ người dân Nghệ Tĩnh một thời: “Nổi trống lên ta hát bài Kẻ Gỗ. Cờ búa liềm dậy đất Hồng Lam” vẫn còn vang mãi.
Hoàn thành hồ Kẻ Gỗ đã đào đắp được hơn 10 triệu m3 đất đá, 90.000 m3 bê tông các loại, 1.800 tấn sắt thép, 96.000 m3 đá lát và hơn 1.200 tấn thiết bị cơ khí. Sức chứa nước của hồ lên tới trên 300 triệu m3. Hồ Kẻ Gỗ đã tưới tiêu cho ít nhất 25.000 ha lúa, hoa màu và cấp nước sinh hoạt cho trên 40 vạn dân Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh.
Nghe lại ca khúc: Người đi xây hồ Kẻ Gỗ
Nông Nghiệp