Tin Hà Tĩnh

Ngư dân Hà Tĩnh khốn đốn vì lạch cạn

Từ nhiều năm nay, mỗi lần cho tàu vào lạch Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), hàng trăm ngư dân đều cảm thấy bất an bởi tình trạng bồi lắng, khô cạn.

Cát biển bồi thành từng cồn to che hết luồng chính lạch Cửa Sót

Tàu to lo lạch cạn

Đã hơn 10 năm làm nghề bóng mực (câu mực) và tiếp tế nguyên vật liệu tại lạch Cửa Sót, ngư dân Nguyễn Chín (trú Sơn Trà, TP Đà Nẵng), chủ tàu DNA57016 chia sẻ: “Chuyến về lần này may nước lớn nên tàu cập cảng được, chuyến trước tàu bị mắc cạn, phải thuê tàu nhỏ ra chở mực vào bến rồi chở dầu và thực phẩm ra tàu. Nghề đi biển đã vất vả, giờ kinh phí lại đội lên như thế này thì khó khăn quá”. Được biết, tàu của anh Chín là tàu có công suất 300CV, chỉ là tàu cá hạng trung bình. Nhưng với tình hình như hiện nay, chẳng bao lâu nữa, anh Chín và các chủ tàu có cùng công suất phải tìm lạch khác để vào bờ.

Từng là nạn nhân do lạch cạn khiến con tàu vỏ thép 300CV (được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ) gãy chân vịt, ông Trần Xuân Sinh (trú xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) cho biết: “Muốn ra - vào cảng thuận lợi, phải canh thủy triều để tính toán. Vào được cảng, gặp con nước kiệt, muốn ra khơi phải đợi con nước lên. Có khi tàu phải nằm chờ nước cả tuần thủy triều mới đạt đỉnh. Cứ thế này làm sao ngư dân chúng tôi an tâm vươn khơi bám biển được”.

“Thu nhập từ đánh bắt hải sản chỉ chiếm một phần thu nhập của toàn xã. Nhưng nghề này kéo theo công ăn việc làm, thu nhập rất lớn từ các ngành phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề biển. Việc luồng lạch cạn đã kéo theo nhiều hệ lụy đối với sự phát triển chung của địa phương”, ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim khẳng định.

Luồng chính, luồng phụ đều cạn

Lạch Cửa Sót được xây dựng năm 2002. Theo thiết kế, luồng vào cảng và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Sót đảm bảo cho tàu trên 300 CV ra - vào an toàn. Thế nhưng, hiện nay tàu công suất từ 48CV trở lên muốn vào cảng phải chờ lúc thủy triều dâng cao. Tuy nhiên, mỗi ngày cũng chỉ có vài giờ triều cường, do đó việc tàu thuyền ra - vào cảng rất khó khăn. Nhiều tàu thuyền khi vào bờ bị mắc cạn, gãy chân vịt, bánh lái, hàng hóa bị giảm phẩm cấp, giá trị do không được tiêu thụ kịp thời… Thống kê sơ bộ của cảng cá Lạch Sót, đến nay đã có hơn 200 tàu bị mắc cạn dẫn đến gãy chân vịt, bánh lái và hư hỏng nhiều bộ phận khác. Đáng lo ngại hơn, khi vào mùa mưa bão tàu thuyền công suất trên 33CV không thể ra - vào tránh trú bão, vô cùng nguy hiểm.

"Dự án nạo vét, chỉnh trị luồng vào cảng Cửa Sót được khởi công từ tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2017 với tổng số tiền lên đến hơn 41 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Hiện, dự án đã thực hiện đạt khoảng 60 - 70% công việc. Với tốc độ thi công như hiện nay, nếu không gặp trường hợp bất khả kháng, sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch”.

Ông Lê Đức Nhân
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL Các cảng cá Hà Tĩnh thừa nhận những phản ánh, lo lắng của ngư dân là có cơ sở. Theo ông Sơn, từ năm 2010, luồng chính Lạch Sót bắt đầu cạn và đến năm 2014 thì hoàn toàn không sử dụng được. Tàu bè phải đi lại qua luồng phụ, xa hơn khoảng 1,5km. Năm 2015, BQL Các cảng cá đã kêu gọi một số doanh nghiệp, cá nhân tham gia hút cát để khơi luồng năm 2017, việc làm này bị cấm dẫn đến tình trạng luồng bị bồi lắng và ngày càng cạn thêm.

“Theo tính toán của Viện Khoa học Thủy sản Việt Nam, mỗi năm cảng Cửa Sót bị bồi lắng khoảng 100.000m3. Năm 2016, lạch Cửa Sót đón 22.000 lượt tàu cập cảng các loại, với 12.000 tấn thủy, hải sản và hàng hóa. Tuy nhiên, do tình trạng bồi lắng, khô cạn nên có khoảng 30 - 40% tàu có công suất trên 90CV đã bỏ cảng. Nếu không sớm giải quyết, tình trạng tàu bỏ cảng không chỉ dừng lại ở con số 30 - 40% mà tăng lên rất nhiều”, ông Sơn lo lắng.

Ông Sơn cho biết thêm: UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép BQL Các cảng cá xã hội hóa nạo vét khu vực luồng phụ. Tuy nhiên, theo quy định, để được xã hội hóa nạo vét, cần phải lập thiết kế và đánh giá tác động môi trường (khoảng 500 triệu đồng). Thế nhưng, vì lợi nhuận của việc hút cát biển này cũng không cao nên các doanh nghiệp, cá nhân không muốn đầu tư kinh phí; còn BQL Các cảng cá Hà Tĩnh cũng chưa có tiền để làm việc này. Hiện tại, cảng đang xin UBND tỉnh cho nợ tiền thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường để hoàn thiện hồ sơ và triển khai dự án.

Tác giả: Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP