Em Cương nghỉ học về quê chăm sóc mẹ
Trong căn nhà cấp 4 bé nhỏ, tồi tàn nằm sâu trong ngõ hẻm ở thôn Thọ Tường, xã Liên Minh huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chứng kiến em Trần Văn Cương, SN 1994, chàng trai có khuôn mặt hiền khô, tận tâm vệ sinh mồ hôi, xoa bóp cho người mẹ thân thương của mình- chị Đặng Thị Mai, SN 1965 – nằm hôn mê, bất tỉnh khiến chúng tôi cảm động không cầm được nước mắt.
Thật khó để em Cương nén được nỗi đau khi người mẹ là chỗ dựa duy nhất của em chân tay teo tóp cứng quắp lại, đầu biến dạng như chia làm đôi sau một vụ tai nạn thương tâm. Dẫu đôi tay của đứa con trai chỉ khẽ chạm thôi, nhưng người mẹ thân thương co giật, miệng ú ớ như muốn van đau.
Cương mấy lần ghé tai cố gọi mẹ tỉnh dậy, nhưng người mẹ vẫn vô thức không thể cất lời. Thương mẹ lắm nên nước mắt cứ tuôn rơi trên khuôn mặt của đứa con trai tội nghiệp.
Gặp tai nạn thương tâm khiến đầu chị Mai bị biến dạng mà chỉ biết ở nhà vì không có tiền đi viện
Tai nạn mà chị Mai gặp phải cách đây hai tháng là nỗi bất hạnh lớn nhất mà chị Mai phải gánh chịu trong cả cuộc đời gian truân, cơ cực. Tuổi thanh xuân trôi qua không một mối tình. Phải đến gần 40 tuổi chị mới gặp được một người đàn ông với hi vọng những ngày cuối đời dựa dẫm vào nhau. Niềm vui được nhân lên bội phần khi chị mang thai, sinh đứa con trai, chính là em Cương.
Bất hạnh, khi Cương vừa lọt lòng mẹ cũng là lúc người đàn ông thoái thác trách nhiệm, bỏ mặc mẹ con chị đi biệt xứ. Cương lớn lên trong nỗi bất hạnh, thiếu thốn tình cảm, hơi ấm của một gia đình. Để bù đắp phần nào thiệt thòi cho con trai, chị Mai đã dành cho con mọi niềm yêu thương của một người mẹ. Chị làm thuê đủ nghề, từ ô sin, gánh nước ở chợ đến bóc vỏ cây cho một vài cơ sở trên địa bàn để lo miếng ăn cho con. Đôi tay, đôi vai chị đã chai sạn vì nắng gió, mưa sa.
Trời đã không lấy đi tất cả của chị Mai, đã cho người phụ nữ bất hạnh một đứa con trai chăm ngoan, biết vâng lời và chịu khó học tập. Thương mẹ quá khó khăn, ngay từ những năm cuối cấp 2, cứ sau buổi đến trường Cương lại theo mẹ đi nhặt ve chai, đóng mụn cưa cho xưởng mộc. Bao nhiêu tiền kiếm được Cương đều đưa hết cho mẹ để mẹ có thêm lo chi phí hàng ngày.
Tuổi thơ gắn liền với nhiều ký ức về những chuyến tàu băng qua làng mình, lại không có điều kiện ăn học, nên 3 năm trước Cương xin phép mẹ đăng ký vào học trường trung cấp đường sắt Đà Nẵng với ước nguyện đơn giản là trở thành một công nhân đường sắt. Thương mẹ ở quê như thân cò lặn lội, gom góp từng đồng, suốt gần 3 năm theo học trung cấp đường sắt, Cương tằn tiện chi tiêu, vừa học vừa làm thêm.
Để tham gia chia sẻ và cập nhật sự ủng hộ của bạn đọc Dân trí dành cho các hoàn cảnh nhân ái, mời các bạn tham gia vào Fanpage Nhân ái của báo Dân trí trên mạng xã hội Facebook.
Thời gian trôi, chỉ còn ít tháng nữa thôi, Cương sẽ hoàn thành khóa đào tạo và sẽ sở hữu tấm bằng tốt nghiệp, vậy mà thật nghiệt ngã cho em. Một buổi sáng cách đây hơn 2 tháng, khi đang chuẩn bị tới trường, Cương nhận được hung tin từ quê nhà, mẹ em trên đường đi làm thuê bằng xe đạp đã bị một xe máy tông bị chấn thương sọ não. Không còn tâm trí học tập, Cương tức tốc rời giảng đường về quê săn sóc sóc mẹ.
Gặp lại mẹ Cương đau đớn tột độ khi em không một lần được nghe mẹ nói, được mẹ nhìn bằng ánh mắt yêu mến ngày nào. Dù đã trải qua ca phẫu thuật, nhưng chấn thương sọ não đã khiến mẹ em sống cảnh thực vật từ ngày gặp nạn đến nay.
Ông Đặng Đình Chiến, một hàng xóm tốt bụng của mẹ con chị Mai đau lòng kể về hoàn cảnh quá bi đát của em Cương kể từ ngày mẹ gặp nạn. “Nhà vốn đã nghèo, người gây ra tai nạn cho mẹ cháu cũng nghèo khó không hỗ trợ được gì nhiều, nên ngay cả tiền đưa mẹ cháu nó đi viện cũng phải vay mượn bà con hàng xóm. Vay mãi cũng hết chỗ, trong khi chi phí thuốc men điều trị đắt đỏ nên không còn cách nào khác người thân và cháu Cương đã phải đưa mẹ cháu về nhà tự chăm sóc bằng nước cơm, nước cháo”- ông Chiến nói.
Nhưng ngay cả đưa mẹ về nhà tự chăm sóc Cương cũng gặp quá nhiều khó khăn. “Thương cảnh mẹ con cháu Cương quá khánh kiệt, vừa rồi phụ nữ trong xóm phát động đợt quyên góp mỗi nhà một ít tùy lòng hảo tâm. Chúng tôi cũng đã phải giúp cháu bán đi hai cây vú sữa trong nhà được mấy triệu đồng. Số tiền ấy loáng cái đã hết, giờ chưa biết mẹ con cháu sẽ về đâu?” – ông Chiến nói thêm.
Cuộc đời sao quá bất công với chàng sinh viên có khuôn mặt hiền khô, dễ mến đến vậy. Đã chịu quá nhiều thiệt thòi, giờ em phải đối mặt với một sự thật nghiệt ngã sắp mất đi người mẹ là chỗ dựa lớn nhất của cuộc đời. Thật dễ hiểu cho Cương, ở hoàn cảnh sự sống của mẹ đang quá mong manh, đến mua cho mẹ hộp sữa, chiếc bỉm cũng không có tiền, thì em còn tâm trí, còn đâu sức lực nghĩ đến chuyện học hành.
Trước khi chia tay, Cương nói với tôi trong nỗi quặn lòng của một đứa con trai yêu thương mẹ tột bậc: “Giờ em chỉ muốn tập trung chăm mẹ. Em ước một lần mẹ mở mắt gọi tên em, vuốt ve em như ngày nào. Giá mà giờ có một phép màu để em có thể đưa mẹ trở lại bệnh viện, hoặc chí ít em cũng có thể chăm lo cho mẹ ít thuốc men giúp mẹ giảm những cơn đau”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 2011: Em Trần Văn Cương, thôn Thọ Tường, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
SĐT: 0165.373.945