Phóng sự - Ký sự

Nghi Xuân: Tận diệt chim biển

Suốt một đêm mưa tầm tã, mờ sáng tôi có mặt tại vùng biển huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) để gặp K. như lời hẹn. Vừa lúc K. vác súng ra khỏi nhà, chở tôi đi dọc dài miệt biển.

 Vặt lông quạc.
Vặt lông quạc.

Chuyên bắn chim to

Lượn xe trong mưa bay trên cung đường cát vòng vèo ven bờ biển vào làng Xuân Liên, K. bảo: “Trời mưa cỡ này là thắng. Tớ kiếm khoảng chục con đủ nhậu thỏa thuê thì thôi. Nếu gặp quạc, một con quạc chừng 7 – 8 lượng đấy”. “Các “tay” súng khác cũng bắn để nhậu thôi à?” – tôi hỏi. “Họ mang ra chợ bán kiếm tiền còn tớ là dân bắn chim biển chuyên nghiệp nhưng không kinh doanh. Bắn “giải trí” thôi. Sát sinh ngại lắm!”.

K. đi chậm lại rồi tấp xe vào lùm cây nhô ra khỏi làng về phía biển. Tôi thắc mắc “đã thấy chim đâu” mà dừng. K. ra hiệu im lặng rồi nép vào gốc cây phi lao nhưng đàn diệc bốn con vù bay mất.

K. bảo: “Tớ mê bắn chim biển 20 năm nay rồi nên liếc mắt là biết rặng cây nào có chim đậu. Ông xem, cây súng thể thao 9 cân hơi này có thước ngắm, thước nghiếc chi mô. Tớ dùng thước ngắm không quen. Vả lại, chỉnh mắt theo thước ngắm lâu lắm. Cứ đưa súng lên là “pòm” ngay. “Pòm” phát này đến phát khác. Không bắn nhanh là thằng khác nó xơi mất”. Tôi cự lại: “Bắn một phát là động khiến lũ chim bay biến đi chứ còn đâu mà bắn phát thứ hai”. K. cười hề hề: “Đúng là không phải dân bắn chim biển. Quạc đã về là về một bầy 6 – 7 con. Trong bầy nếu một con bị bắn rụng thì các con khác vẫn không bay. Có lẽ do bay ngoài biển vô cánh bị ướt và mỏi mệt nên chim không còn biết sợ. Sau mỗi lần “pòm”, chim rớt cái bịch nghe sướng vô kể”.

 “Tháp én” của P.

K. vừa khoe tài vừa ra hiệu cho tôi im lặng rồi khom lưng xách súng nép vào gốc cây keo. Trong tích tắc K. đã “pòm” rồi. Y lom khom lách vào bụi cây xách con quạc lên bỏ vào túi khoác chéo hông, nói thêm: “Thịt quạc dày, thơm, nhai bùi răng hay hơn thịt diệc, cói, vạc nhiều. Sau quạc là chim anh nghệ, béo mụp. Chèo bẻo cũng về từng đàn nhưng nhỏ con và thịt khét nên không mấy khi bắn. Còn tu hú cũng ngon thịt nhưng khó hạ nó lắm vì nó nhảy nhót không yên chân một chỗ”.

K. lại lượn xe đến một rặng cây khác. Tại đây K. trao súng săn cho M., một đàn em của K., rồi nói tiếp: “Chim vùng này nhiều vô kể. Một năm hai mùa bắn chim là tháng 3 và tháng 8 âm lịch nhưng mùa tháng 8 nhiều chim nhất. Có đêm có thằng bắn được 4 – 5 bì, không đủ sức bắn tiếp. Thường mùa đó tớ hay dùng súng bắn đạn ria thay súng thể thao”. Rời K., tôi theo chân M. bám theo đoàn cu biển vừa sà vào nghĩa trang. M. đầu trần, nhỏ con đưa chân lẹ và êm như con thoi vắt qua bờ rào nghĩa trang rồi lẻn vào rừng cây đến nỗi tôi bị lạc. Khoảng 30 phút sau, M. quay lại xách theo một con quạc màu trắng bạc. M. khoe: “Chú này bị trúng giữa tim luôn”.

Hơn 11giờ, K. và M. đưa tôi về nhà. Ngoài hai con quạc còn có thêm 11 con chèo bẻo đen mướt và một xâu chòe lửa béo mụp. Ngay buổi trưa hôm đó, người nhà M. đưa những con chim biển xấu số ra vặt lông, bóp gia vị rồi quạt than nướng làm bữa nhậu đãi mấy người anh em mới về thăm quê. K. hẹn: “Thích thì hôm nào trời mưa cứ sang đây lúc mờ sáng. Nếu bắn thêm cả ban đêm thì tha hồ mang chim về mà nhậu”.

Bẫy én

Rời những bãi bắn chim tôi rẽ xuống cánh đồng ven biển thuộc địa bàn xã Xuân Yên để chứng kiến cảnh đánh bắt chim én.

Vừa bước xuống khu vực chằng chịt hồ nuôi tôm, đầm nước đã nghe loạn xị tiếng chim râm ran khắp mặt cánh đồng. Lần theo những miệng loa bé xíu nằm lẫn trong bờ cỏ mới biết đó là tiếng chim giả được ghi âm và phát lại. Mặt đồng hiện lên vô số chòi bẫy chim mà thợ bẫy gọi là “tháp én”.

“Tháp én” được quây lại như một cái chòi hình mái tròn, cao tầm hai mét. Trên mái phủ lá cây hoặc tấm lưới màu đen để ngụy trang người đứng nấp bên trong. Chòi nào cũng được dựng lên những cành tre mảnh mai từ thấp lên cao nhưng không cần có lá. Trên cành là những chú chim én mồi. Thợ bẫy tên P. có “tháp én” bên hồ nước đang đưa cái cần tre như cần câu sát mặt cỏ để chú én mồi vừa rơi xuống bám phía đầu ngọn nhỏ, mềm để đưa lên cành cao tiếp tục trở lại vị trí chim mồi. P. cho hay, do đứng mỏi quá nên thi thoảng chim mồi bị rơi xuống. Cũng có thể do trời trở hướng gió hoặc chim mồi khát nước. Con nào khỏe thì đứng làm mồi được một ngày. Con yếu quá thì phải thay.

Để chú chim mồi đậu lên ngón tay thô rám, P. chỉ hai mắt bị khâu bằng một chiếc lông nhỏ đâm vào. Chiếc lông nhỏ như mũi kim nhổ từ thân chim. Con chim này bị cắt một cánh để có thể vẫy vùng trên cao nhưng không bay đi được. Chim vẫy trên các tầng của “tháp én” kết hợp với tiếng chim như tiếng nhạc phát ra dưới bờ cỏ hoặc từ máy điện thoại trong túi áo khiến từng bầy chim én mới bay từ biển vào tưởng là tiếng chim thật rồi đậu lên “tháp én”. Phía dưới chân “tháp” thợ bẫy đứng lặng lẽ đưa cần tháp di động nhích về vị trí chim én đang mải mê đậu. Một trong 5 mũi tăm tẩm nhựa sẽ dính vào cách én. Thợ bẫy nhẹ nhàng rút cần tháp. Mũi tăm rời khỏi cái ống đựng (làm bằng lông ngan) phía ngọn tháp. Vừa lúc cánh chú chim én bị dính lại, rơi thẳng đứng.

“Tháp én” quây hình tròn. Bên trong có hàng chục cây tháp dựng tròn trong lòng tháp. Ngọn cây tháp xòe ra như cái vỉ ruổi xòa ra 5 ống lông ngan đựng 5 mũi tăm dính nhựa. Én đậu phía nào thì thợ dùng cây tháp phía đó di chuyển nhẹ nhàng theo để dính nhựa vào nó. Hôm đó, tầm 16giờ, P. mở lồng đựng chim ra đếm được 150 con. P. bảo, đến chiều tối sẽ bẫy được vài trăm con. Không cần mang ra chợ, dân buôn chim vào tận đây mua 40.000 đồng/10 con. Ra chợ họ bán lại cao hơn 5 giá. Vào nhà hàng, ăn chim én rán thì 50.000 đồng/một đĩa 10 con. “Tháp én là nơi kiếm gạo của tụi tui. Mỗi ngày nếu “đỏ” có thể kiếm được 1 triệu đồng”, P. khoe.

Phía bên kia dãy hồ nuôi tôm là tốp dân rập chim bằng lưới. Tại đây, một “thế giới” tiếng chim phát ra như tiếng dế kêu râm ran cả khoảng trời. Cạnh đầm nước, một ông già cầm cần tre. Đầu ngọn cần tre là một đoạn dây khoảng một mét buộc chân con chim yến để làm chim mồi. Ông già ngồi cạnh tấm lưới rung rung cần tre cho chim mồi bay lượn. Bầy chim én bay từ biển vào bị lừa bởi những chú chim mồi nên sà xuống bên cạnh thì lập tức tấm lưới lật úp cả bầy chim. Tôi đứng xem một bầy chim én sà xuống rồi vẫy vùng trong tấm lưới, ông già nói: “Đây là chim yến không phải chim én. Chim yến quen sống trên các đảo đá nên vào đất liền không ưa đậu trên các “tháp én” nên cánh này không chơi “tháp én” mà dùng lưới để rập. “Tháp én” dính nhựa từng con còn cánh này có khi rập được cả bầy yến”.

Tôi đứng nhìn cánh đồng nhấp nhô những “tháp én” và lưới rập én. Từng bầy chim từ biển bay vào rồi “biến mất” dưới bầu trời ven biển bởi không dính nhựa trên “tháp én” thì cũng khó thoát khỏi từng bẫy rập đang giăng lưới khắp cánh đồng.

Phóng sự của Vũ Toàn

  Từ khóa: tận diệt , chim biển

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP