“Tôi đi rồi, cái chi họ cũng đổ cho tôi”
Xin ông cho biết, việc UBND huyện Nghi Xuân thời điểm ông còn làm Chủ tịch cho bít cổng chính, dựng núi đá là nhằm mục đích gì?
Khi xây dựng, mấy thằng (mấy doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng núi đá – PV) nói xây chắn tịt lại sẽ rất xấu, chi bằng đắp cái hòn non bộ. Giá mà việc cải tạo khi đó cho xây thẳng mặt ngoài, non bộ làm phía trong thì chẳng có vấn đề chi.
Ông có nhớ chi phí xây dựng công trình nói trên hết bao nhiêu tiền không?
Việc xây dựng sử dụng nguồn xã hội hóa, không lấy tiền từ ngân sách. Chi phí xây dựng cũng không đáng kể, không có gì to tát. Chỉ là bịt cái cửa lại chứ chẳng phải mua đá ở nơi khác về như dư luận nói.
Tôi nhớ lúc đó ông Phúc và bà Hường (Ông Phúc là chủ doanh nghiệp xây dựng tại TP Hà Tĩnh; bà Hường là Giám đốc Công ty XNK Châu Tuấn, huyện Nghi Xuân – PV) hỗ trợ cho ít đá, rồi anh em dựng lên đó, khâu nối lại chứ chẳng tốn kém gì đâu.
Một số cán bộ huyện Nghi Xuân cho biết, khi đưa ra chủ trương bít cổng dựng núi đá, có ý kiến phản đối sao vẫn tiến hành làm?
Tôi đi rồi, cái chi họ cũng đổ cho tôi (ông Lương thôi giữ chức Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, lên giữ chức Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2012 – PV). Họ nói thế thôi, chứ lúc đó có ý kiến chi mô. Việc xây dựng khi đó có tập thể đứng ra bàn, có đưa ra giao ban thường trực hẳn hoi. Chuyện đó hiện còn lưu tại Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện. Các anh tìm hiểu thì sẽ biết thôi.
“Có ăn thua chi so với tỉnh”
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân cho biết, sắp tới họ sẽ cho tháo gỡ núi đá mà ông cho xây dựng 3 năm trước. Theo ông như thế có hợp lý hay không?
Cái đó thì tùy theo tầm nhìn, cách suy nghĩ của mỗi người, của mỗi thời kỳ. Giờ họ cho không hợp lý thì họ bỏ. Cái đó theo tôi chẳng ảnh hưởng gì.
Ví như UBND tỉnh đây (UBND tỉnh Hà Tĩnh – PV) cũng vậy thôi. Như các anh biết, trước tỉnh cho đào hồ, dựng hòn non bộ trước trụ sở, tốn kém hơn chỗ ở Nghi Xuân, nhưng vừa rồi tỉnh thấy không tốt thì tỉnh cho lấp hồ, tháo non bộ đi rồi làm lại công trình khác.
Văn Dũng – Xuân Sinh