Cô Nguyễn Thị Thúy sinh năm 1971, tại Hòa Bình, trong gia đình có 3 chị em. Bố làm công nhân xây dựng, mẹ là cán bộ thủy sản. Năm 6 tuổi, cô theo bố mẹ về huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), sau này đậu vào lớp Văn Trường chuyên Lam Sơn. Tốt nghiệp THPT, Thúy thi đậu Trường Đại học Vinh.
Là học sinh giỏi văn nhưng Thúy được phân vào Khoa Giáo dục chính trị, cô rất buồn vì nguyện vọng trở thành cô giáo dạy Văn không thành. Nhưng ngay sau những tuần đầu tiếp xúc với bộ môn Triết học, cô đã yêu thích chuyên ngành giáo dục chính trị (GDCT). Vừa học, cô vừa hăng hái tham gia công tác đoàn. 4 năm học, cô là Bí thư Chi đoàn và Phó Bí thư Liên chi đoàn Khoa GDCT xuất sắc, được công nhận Bí thư Chi đoàn giỏi năm 1990 và được kết nạp vào Đảng tại trường.
Vừa rời giảng đường đại học, theo tiếng gọi của tình yêu, cô về làm dâu tại xã Thạch Lâm (Thạch Hà). Từ đây, những khó khăn bắt đầu dồn dập đến với cô. Chồng là sĩ quan quân đội đóng tại tỉnh Lạng Sơn, cha mẹ chồng già yếu; cô ra trường năm 1992, đúng thời điểm học sinh các cấp nghỉ học khá nhiều, nhất là học sinh THPT, ngành giáo dục giảm biên chế nên không xin được việc làm. Để có tiền trang trải cuộc sống, cô làm đủ thứ nghề để mưu sinh: làm men, nấu rượu, nuôi lợn, bán hàng rong, kể cả công việc nhọc nhằn là bốc cát thuê…
Năm 1996, cô được biên chế, giảng dạy tại Trường THPT Cẩm Bình. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau bao năm chờ đợi, vừa mới đứng trên bục giảng được 2 năm thì cô bị chứng thận hư, suy thận độ I, phải uống thuốc suốt đời với chế độ ăn uống khắt khe. Cô đã bị một số biến chứng do tác dụng phụ của thuốc như loãng xương, đau dạ dày, đục thủy tinh thể…
Những khó khăn trong cuộc sống không thể làm nản lòng một cô giáo giàu lòng yêu nghề, yêu thương học sinh. Chính vì vậy, cô đã đạt được nhiều thành tích. Năm 1998-1999, cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, từng có 5 sáng kiến kinh nghiệm đạt bậc 4/4 cấp sở.
Một giờ dạy của cô Thúy |
Cô Lê Thị Loan – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình cho biết, cô Thúy là một giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, giảng dạy nhiệt tình, được các thế hệ học sinh yêu mến. Trong sinh hoạt Đảng cũng như chuyên môn, cô luôn thẳng thắn góp ý, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm để đồng nghiệp sửa chữa. Trong cuộc sống, cô luôn gần gũi, quan tâm mọi người, được đồng nghiệp yêu mến.
Từ năm 1997 đến nay, năm nào cô cũng được tập thể tín nhiệm bầu vào BCH Công đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn trường; từ năm 2008 đến nay, là Tổ trưởng chuyên môn Tổ Sử – GDCD; từ năm 2012 đến nay, là Bí thư Chi bộ Văn – Ngoại ngữ – Sử – GDCD. Dẫu sức khỏe có hạn nhưng cô luôn đảm đương tốt công việc gia đình. Hai con gái đều là học sinh giỏi, hiện đang học đại học. Cô thật sự xứng đáng với danh hiệu “giỏi việc nước – đảm việc nhà” do Liên đoàn Lao động tỉnh tặng thưởng (năm 2009).
Cô luôn xác định, bộ môn của mình góp phần rèn luyện cho các em trở thành người công dân tốt. Vì vậy, ngoài tấm lòng nhiệt tình, cô luôn dành tình thương cho học sinh. Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, cô động viên các bạn trong lớp giúp đỡ; đối với học sinh cá biệt, cô tìm hiểu nguyên nhân, từ đó tìm cách giáo dục, động viên thích hợp. Có lần cô đã đưa một học sinh cá biệt về ở trong nhà để kèm cặp. Kết quả, học sinh này đã tiến bộ, nay có việc làm ổn định.
Vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi chủ nhiệm, cô luôn được nhà trường phân công chủ nhiệm các lớp có nhiều học sinh cá biệt. Với trách nhiệm, tình cảm của người mẹ hiền, nhiều học sinh cá biệt trở thành học sinh tích cực. Chính vì thế, mặc dù dạy “môn phụ”, nhưng năm 2010, trường tổ chức cho học sinh bỏ phiếu bình chọn “giáo viên được yêu thích nhất”, cô Thúy đạt số phiếu cao nhất.
Yêu quý cô nên dịp 20/11/2011, học sinh cũ của cô đã lập trang Facebook “Hội những người yêu quý cô Thúy – GDCD – THPT Cẩm Bình”. Ở đó, hàng ngày, các em gửi đến cô những tình cảm chân thành.
Cô cho biết, mình phải vượt qua mọi khó khăn về bệnh tật, làm chỗ dựa tinh thần cho học sinh và các con, đó là lẽ sống của đời cô.
Trí Thức