Kinh tế

Nghề chăm người ốm: Trải lòng công việc và những nỗi lòng không ai thấu hiểu ở xứ người

Có kinh nghiệm làm giúp việc chăm sóc người ốm 7 năm ở Đài Loan, chị Khúc Phương (38 tuổi, quê ở Bắc Giang) đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc trong nghề. Chị chập chững vào nghề “không giống ai” này từ hồi chưa chồng, cơ thể chỉ nặng vỏn vẹn 43kg.

Đỏ lựng mặt khi lần đầu tiên vệ sinh cho bệnh nhân nam

Cách đây 14 năm, năm 2004, chị Khúc Phương lần đầu tiên sang Đài Loan (Trung Quốc) làm giúp việc chăm người ốm tại bệnh viện. Khi đó, nhiều người thắc mắc: “Tại sao gái chưa chồng như chị lại đi làm công việc này?”

Nhưng với khát khao tăng vốn hiểu biết, chị Phương khăn gói sang xứ người thử sức với công việc với cái tên Lâm Tiểu Phương.

Biết rằng mọi thứ sẽ khó khăn, phức tạp nhưng chị muốn va chạm với nó. Hơn nữa, với công việc này, chị có thể thu nhập tới trên dưới 20 triệu đồng/ tháng. Đó là món tiền đáng mơ ước với người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn.

Nhờ sự chăm chỉ, chị Phương kiếm được kha khá tiền để trang trải cuộc sống gia đình. Thế nhưng đằng sau món tiền đó là những nhọc nhằn không thể đo đếm được.

Hình ảnh yên bình này chỉ có ở...trên phim. Thực tế nghề giúp việc chăm sóc người ốm ở bệnh viện vô cùng phức tạp mà không phải ai cũng thấu hiểu. Ảnh minh họa.

Lúc mới sang Đài Loan, chị Phương chỉ nặng vỏn vẹn 43kg. Cơ thể nhỏ bé có lúc phải dìu người bệnh cao to gấp đôi chị. Người con gái chưa chồng xấu hổ đỏ lựng mặt mày khi lần đầu tiên làm vệ sinh cho bệnh nhân nam giới.

“Họ xấu hổ, mình cũng xấu hổ không kém. Nhưng công việc thì vẫn phải làm thôi. Có người vệ sinh không tự chủ, đi “nặng” tung tóe ra. Ngoài vệ sinh cho họ, mình còn phải thay toàn bộ quần áo, ga giường. Bản thân người bệnh cũng xấu hổ nhưng đau đớn, bệnh tật, họ cũng không thể làm gì khác được. Cứ đi găng tay, bịt khẩu trang lại, chỉ hở hai con mắt làm xong là xong”, chị Phương bộc bạch.

Nếu như ở trong nước, thường một giúp việc chăm một bệnh nhân 24/24 thì ở Đài Loan khá khác biệt. Theo chia sẻ của chị Phương, một giúp việc bệnh viện chăm 27 bệnh nhân. Mỗi ngày làm việc tổng cộng 12 giờ, trong đó 10 giờ làm chính, 2 giờ tăng ca, nghỉ trưa 40 phút. Để có 40 phút nghỉ trưa trọn vẹn, chị phải ăn rất nhanh, gói gọn trong 15 phút là xong bữa cơm trưa.

Vượt qua sự vất vả

Khi bắt đầu làm, chị Phương chỉ nghĩ công việc này là chăm sóc người già, người không minh mẫn, lẫn cẫn thôi nhưng đến khi vào viện mới thấy họ bị rất nhiều bệnh. Có người bị tai nạn méo cả đầu, hộp sọ không còn nguyên vẹn, ảnh hưởng thần kinh.

Làm công việc này là họ đã mặc định hàng ngày phải tiếp xúc với máu me, chất thải, vết thương, lở loét của người bệnh. Ảnh minh họa.

Chị đã bị sốc khi lần đầu tiên chăm sóc một bệnh nhân bị loét mông do nằm nhiều. “Đã làm nghề này thì tiếp xúc với máu me, dịch nôn, chất thải của bệnh nhân là chuyện bình thường. Có người bị ung thư cổ tử cung, máu từ cửa mình cứ rỉ ra từng giờ. Có người bệnh nôn ra máu, có người biết bảo khi đi vệ sinh nhưng có người không. Mình phải làm vệ sinh cho họ từ a – z.

Mọi thứ đều có quy trình bài bản, giúp việc bệnh viện không chỉ có dìu bệnh nhân, cho họ ăn uống, tắm rửa mà cần có hiểu biết nhất định trong việc chăm sóc người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân mở khí quản, thở máy, bệnh nhân bị lở loét do nằm lâu ngày”, chị Phương cho biết.

7 năm trời ở Đài Loan, chị Phương đi hết viện này đến viện khác để làm công việc như thế. Không chỉ giúp việc tại bệnh viện, chị còn nhận chăm sóc người ốm tại gia đình. Mỗi môi trường một khó khăn, thuận lợi khác nhau nhưng đều có một điểm chung là “đối mặt” với người ốm 24/24 và những nỗi mệt mỏi không tên.

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP