Để nhận biết trạm kiểm soát tải trọng xe (trạm cân) đang đặt ở phía Nam hay phía Bắc của tỉnh và đoàn liên ngành đang làm việc tại đâu, không khó. “Các anh cứ đứng ở đoạn đầu QL 12C nối với QL 1A của huyện Kỳ Anh! Nếu thấy thưa thớt bóng những chiếc xe khủng kiểu “Hổ vồ” hoặc na ná như thế là chắc chắn trạm cân đang đặt tại QL 12C…”, nhiều cư dân trên tuyến quốc lộ này “bật mí”. “Và trong thời gian này, các mỏ đá dọc QL 12C gần như “án binh bất động” nếu không tìm được đường chạy né trạm cân…”, bác Hoa, chủ một ki-ốt bên đường 12C, rành rẽ. Để “mục sở thị”, chúng tôi đã tiếp cận 2 mỏ đá được cho là lớn nhất ven QL 12C: Cơn Tria và Quân khu 4. Và hoàn toàn không có bất ngờ bởi quy mô và hành vi vi phạm tải trọng của chủ mỏ và lái xe nơi đây.
Đoàn xe quá tải chất đầy hàng tại mỏ đá Sông Đà 5 chuẩn bị xuất phát. |
Một ngày đầu tháng 9, trên con đường rải đá rộng rãi, chắc chắn, nối từ QL 12C vào mỏ đá Quân khu 4, cả chục xe tải được cơi nới thùng chất đầy đá hộc, mang tên Sông Đà 5 nối đuôi nhau nằm dọc hai bên đường, dù trạm cân đã đưa về Hồng Lĩnh. Đưa thắc mắc này ra hỏi, người phụ trách nơi đây cho biết: Tất cả đang phải đợi vì có cân xách tay của đoàn liên ngành đang làm ở phía Nam thị trấn Kỳ Anh. “Hôm qua đã bị phạt một xe nên hôm nay phải chờ khi nào đoàn liên ngành chuyển địa điểm ra phía Bắc thì mới phát lệnh di chuyển…”, thanh niên này cho biết thêm. Thì ra, các mỏ đá đều có “vệ tinh”!
Điều đáng bàn tại mỏ đá này là đại diện chủ mỏ (Quân khu 4) đứng ra ký cam kết với các ngành chức năng của tỉnh, huyện trong việc thực hiện đúng tải trọng nhưng đơn vị khai thác, vận chuyển lại do Sông Đà 5. “Chúng tôi chỉ làm dịch vụ cho Quân khu 4 nên mọi việc bên ấy lo…”, người đại diện mỏ này lý giải. “Việc đặt trạm cân trên QL 12C như hiện nay là thiếu công bằng, đáng ra là phải đặt tại cổng công trường FORMOSA. Chính vì thế, chính quyền, các ngành chức năng có tuyên truyền, tổ chức ký cam kết thực hiện đúng tải cũng chẳng giải quyết được… “Cuộc chiến” chống xe quá tải trên địa bàn Kỳ Anh chẳng khác gì đánh nhau với cối xay gió”, vị đại diện mỏ không ngần ngại nhận định. Phải chăng vì có sự nhập nhằng, thiếu rõ ràng trong phân định trách nhiệm mà mỏ đá này không thực hiện cam kết đúng tải trọng?
“Đường nào cũng chết nên tôi không ký…”
Câu tuyên bố xanh rờn trên là của ông Phú – chủ mỏ đá Cơn Tria, khi chúng tôi hỏi về việc thực hiện ký cam kết đúng tải trọng của các mỏ vật liệu. Lý do ông Phú đưa ra là đã đầu tư rất lớn, nay đặt trạm cân buộc thực hiện đúng tải mà không có lộ trình thì doanh nghiệp làm sao thu hồi vốn… “Ký cũng chết, không ký cũng chết nên tôi không ký”, ông Phú tuyên bố. Thế nhưng, sau đó, ông Phú nói rằng mình đã ký cam kết và hiện không có mặt tại mỏ! Thực hư của việc này chưa biết, chỉ chắc chắn một điều rằng, những ngày không có trạm cân, lượng xe quá tải của chủ mỏ này lưu thông trên các tuyến đường Kỳ Anh lúc cao điểm lên tới trăm lượt/ngày đêm.
Tối 14/9, trên quốc lộ 15 thuộc địa bàn xã Đức Thanh (Đức Thọ), Trạm kiểm soát tải trọng xe số 12 (Hà Tĩnh) đã huy động lực lượng chặn bắt đoàn 11 xe chở quá 60-110,6% tải trọng cho phép. |
Trong những ngày không trạm cân, đứng trên đoạn đầu QL 12C nối với QL 1A, chúng ta dễ dàng nhận thấy tổng số lượt xe quá tải lưu thông trên 2 tuyến quốc lộ này (hướng về dự án FORMOSA) vẫn có mật độ lớn. Người dân sống 2 bên đường 12C cho hay, thời điểm hoạt động sôi động nhất của xe quá tải là khi màn đêm buông xuống cho đến mờ sáng hôm sau. Do chạy thâu đêm nên 3h sáng 4/9 vừa qua, cả nhà ông Nguyễn Văn Tịnh (trú tại thôn Trung Thượng, xã Kỳ Tân) bị một phen hú vía khi xe chở đá lao thẳng vào nhà, đâm đổ tường rào, mái che… Tài xế là người địa phương thừa nhận, nguyên nhân là do chạy cả đêm nên buồn ngủ!
Ghi nhận của phóng viên Báo Hà Tĩnh vào một chiều tháng 9/2014, khi trạm cân đã về lại Hồng Lĩnh, chỉ trong một tiếng đồng hồ (từ 15-16h), đã có đến vài chục lượt xe chở đầy vật liệu xây dựng với thùng được cơi nới cao gấp 2-3 lần lưu thông trên tuyến QL 12C. Khó tính hết xe chở vượt tải là của bao nhiêu chủ mỏ, chủ phương tiện. Ân Phát, Cơn Tria, Khe Dán, Đá Bạc, Thiện Phát, Hoàng Hải… là những “thương hiệu” thường gặp nhất, đó là chưa kể gần chục xe chất đầy đá của Sông Đà 5 đang chờ giờ xuất phát…
Kỳ Anh, ngày vắng trạm cân, quả là “ngày vàng” của xe quá tải!
Trọng Tuệ – Văn Lý – Đức Thiện
(còn nữa)