Đường 12 (Kỳ Anh) những ngày không có trạm cân, xe quá tải ngang nhiên hoành hành. |
Nguyên nhân không mới, tựu trung lại là do sự phối hợp còn rời rạc, vào cuộc thiếu đồng bộ, trách nhiệm chưa cao của các lực lượng chức năng, ban, ngành liên quan, các địa phương trong và ngoài tỉnh. Theo những người có trách nhiệm, nhiều chuyên gia và cả lực lượng thực thi nhiệm vụ, để xử lý tận gốc vấn nạn xe quá tải, có nhiều việc cần phải tập trung giải quyết.
Phối hợp với Trạm cân cầu Bến Thủy 2
Trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 được lắp đặt hệ thống cân động tốc độ thấp nên xe nào quá tải, quá tải bao nhiêu đều được hiển thị mỗi khi xe qua. Thuận lợi đó sẽ được phát huy nếu các ngành chức năng Hà Tĩnh chủ động phối hợp với đơn vị này để nắm thông tin về “lý lịch” của xe, ngày giờ qua cầu, vượt tải bao nhiêu…, từ đó, chủ động bố trí lực lượng, thời gian, địa điểm để kiểm tra, xử lý, nhất là đối với những xe có tỷ lệ vượt tải cao.
Đây là vấn đề mà trạm cân lưu động tỉnh không phải lúc nào cũng làm được, bởi còn phải dời vào QL 12C. Đó là chưa kể không phải xe nào cũng có thể “mời” vào kiểm tra tải trọng, trong khi lưu lượng xe quá lớn, lực lượng mỏng, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đây là giải pháp nhiều người cho là “chặn đầu”, tức là phát hiện được ngay xe vi phạm tải trọng khi “đặt chân” vào địa bàn Hà Tĩnh (theo hướng Bắc – Nam).
Chắc chắn, Cienco 4 sẽ hợp tác tích cực bởi đây là cách tốt nhất để giúp họ bảo vệ tuyến BOT này.
Thực hiện đúng tải ngay tại gốc
Đây là giải pháp UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai về việc ký cam kết với các DN hoạt động khai thác vật liệu xây dựng thực hiện đúng các quy định về quản lý và bốc xếp hàng hóa, nhưng tới nay cũng chỉ là hình thức. Nếu mục tiêu của giải pháp này là buộc các DN, chủ phương tiện vận tải thực hiện cam kết chở đúng tải, không cơi nới kích thước thùng hàng… thì xem như… phá sản, bởi đến nay chẳng DN, chủ mỏ nào thực hiện. Và cũng chẳng khác trước, các chủ mỏ vẫn sử dụng xe quá tải mà không hề hấn gì. Nguyên nhân chính là do thiếu sự phối hợp giữa các ngành chức năng và các ngành chức năng với địa phương; ngại va chạm và nhiều lý do tế nhị khác.
4 xe tải từ Bình Định chở quá tải từ 70-100% lọt qua nhiều trạm cân các tỉnh bị lực lượng chức năng Hà Tĩnh bắt giữ vào ngày 7/9/2014. |
Giải quyết tận gốc xe quá tải chính là buộc các DN, chủ mỏ, chủ phương tiện thực hiện đúng tải như cam kết ngay tại kho bãi, mỏ vật liệu xây dựng… Để làm được điều này, ngành chức năng phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý ngay tại nguồn hàng. “Để bung ra chẳng khác gì đàn ong rời tổ, lấy người đâu mà bắt”, có người đã ví von như vậy.
Và cao hơn nữa, để giải quyết tận gốc vấn nạn xe quá tải, cần xem xét lại từng cá nhân được giao thực thi nhiệm vụ. Khó có bằng chứng cụ thể nhưng dư luận đang đặt nhiều câu hỏi, không dễ trả lời: Tại sao xe quá tải, quá khổ lại dễ dàng qua trạm, đi từng đoàn ngang nhiên giữa phố thị? Có hay không “giờ vàng, ngày vàng”…? Và, táo bạo hơn, có những người còn đòi “cân”, “kiểm tra” lực lượng chức năng!
Các giải pháp trên nếu được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo các cấp thì vấn nạn xe quá tải không phải là không giải quyết được! Và còn một giải pháp nữa, đó chính là đạo đức nghề nghiệp của chính DN – doanh nhân.
Trọng Tuệ – Văn Lý – Đức Thiện