Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) được biết đến như một “túi bom”, “chảo lửa” trong chiến tranh chống Mỹ. Từ năm 1964 đến năm 1972, đây là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, nơi con đường vận tải chiến lược của quân ta đi qua. Thời điểm ấy, Đồng Lộc không lúc nào ngớt tiếng đạn bom. Đất đá bị đào đi xới lại, hố bom chồng chất hố bom. Ban ngày, địch tập trung đánh chặn các lối ra vào. Ban đêm, chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn đạn rocket nhằm vào các lực lượng ứng cứu đường của ta.
Bên địch quyết phá, bên ta quyết giữ. Chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để giữ bằng được con đường này. Quân và dân các xã đã góp công, sức người phục vụ chiến đấu, đào đắp đất đá, vận chuyển gỗ, cung cấp cọc tre. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hàng nghìn con người đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến. Chỉ riêng từ tháng 4 đến tháng 10/1968, địch đã ném gần 50.000 quả bom các loại xuống Ngã ba Đồng Lộc, thật không thể tin được chính trên mảnh đất này, trung bình mỗi mét vuông đất phải gánh chịu tới 3 quả bom tấn…
Sa bàn trận địa Ngã ba Đồng Lộc
Trong những ngày gian khó đó, với tinh thần xả thân quên mình “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hơn 16.000 thanh niên xung phong cùng các lực lượng khác như bộ đội pháo binh, dân quân tự vệ, công an đã ngày đêm phá bom, mở đường cho xe tiến vào Nam. Sau mỗi lần bom địch đánh phá, hố bom lại nham nhở mặt đường, rất khó khăn cho xe qua lại. Khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, nhiều đêm các anh, các chị thanh niên xung phong phải mặc áo trắng làm hàng rào, cọc tiêu dẫn lối cho xe qua an toàn. Mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong. Biết bao xương máu của quân và dân ta đổ xuống Ngã ba Đồng Lộc.
Nhưng câu chuyện bi hùng nhất phải kể đến ngày hôm ấy: Ngày 24/7/1968, Ngã ba Đồng Lộc mới thật sự hóa thành bất tử. Sự hy sinh cao cả, anh dũng của 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 trong cùng một thời điểm, một khoảnh khắc đã dựng lên một kỳ đài biểu tượng của thế hệ trẻ Việt Nam, của những người phụ nữ Việt Nam một thời đánh giặc. Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để dệt nên gấm vóc Việt Nam, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, là những bông hoa đẹp nhất trong các loài hoa. Các chị có một đặc điểm chung là đều sinh ra, lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh và tuổi đời đang còn rất trẻ. Người nhỏ tuổi nhất là chị Võ Thị Hà, sinh năm 1951, lúc hy sinh mới tròn 17 tuổi. Ba người chị cả lớn tuổi nhất của tiểu đội là Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng; Hồ Thị Cúc, Tiểu đội phó và Nguyễn Thị Nhỏ, đội viên. Cả ba chị cùng sinh năm 1944, lúc hy sinh là 24 tuổi.
Ở cái tuổi ấy các cô suốt ngày đêm bám mặt đường, chịu đựng bom đạn, giữ vững huyết mạch giao thông ở một điểm nút vô cùng quan trọng: Ngã ba Đồng Lộc.Trong suốt thời gian các chị làm việc, biết bao lần tiểu đội bị bom vùi. Nhưng các chị lại rũ đất đứng dậy, người đào, người xúc… bằng bất cứ giá nào để tuyến đường 15A phải được thông suốt trong đêm ấy. Để cho đoàn xe chi viện đặc biệt cho chiến trường miền Nam đi qua chiến trường Đồng Lộc được an toàn.Thế nhưng đến lượt ném bom thứ 15, vào lúc 16 giờ cùng ngày, một tốp máy bay Mỹ lao tới trút bom dữ dội, cứ nhằm vào mục tiêu bé nhỏ, nơi các chị đang còn làm đường ở phía dưới. Lúc đó cả 10 chị không còn cách nào khác đã cùng nhau lánh tạm vào một căn hầm chữ A, gần nhất bên đường, đợi khi máy bay Mỹ đi qua sẽ làm nốt cung đường còn lại. Nhưng chẳng may, một trong số hàng loạt quả bom đã rơi trước cửa hầm 10 cô gái đang cùng nhau trú ẩn, đánh sập hầm và bao trùm lên tất cả các cô. Đồng đội lúc đó đứng trên đài quan sát nhìn xuống. Một phút, rồi 5 phút cứ lặng lẽ trôi qua. Vẫn không thấy một ai trong số 10 người đồng chí của mình tiếp tục rũ đất đứng dậy làm đường nữa. Mà chỉ thấy mấy chiếc nón rách bươm, nằm chơ vơ trên mặt đường 15A. Trong làn khói bom mù mịt, đồng đội của các chị đã chạy xuống hiện trường. Họ tìm kiếm và gọi mãi tên từng chị: Tần… ơi! Xuân… ơi! Nhỏ ở mô rồi? Họ gọi mãi vẫn không thấy ai trả lời. Cả trận địa lặng đi và òa lên trong tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào của những người đồng đội.
Di ảnh 10 nữ anh hùng Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh: TL)
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 47 năm mà mới như ngày hôm qua. Ngày lại ngày, những đoàn người từ mọi miền Tổ quốc nối tiếp nhau đến viếng các chị và đồng đội của họ tại Ngã ba Đồng Lộc. Giữa dòng người ấy có cả những người đã từng vào sinh ra tử trên mảnh đất này. Mỗi lần về thăm lại chiến tuyến năm xưa lòng không khỏi nghẹn ngào, xúc động, thắp nén tâm nhang thể hiện niềm tiếc nhớ vô hạn đối với đồng chí, đồng đội của mình.
Đồng đội cựu TNXP về thắp hương tưởng niệm tại khu mô của các chị
Nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã chiến đấu nay đã trở thành khu du tích lịch sử, với nhiều công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng như: Khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong, Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc… Phần mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong nằm ở lưng chừng đồi, cây cối đâm chồi, nảy lộc, làm mát những trái tim của những chàng trai, cô gái TNXP đang nằm lại Ngã ba Đồng Lộc.
“Ngã ba Đồng Lộc, một chiến công chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng của đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Bác, mãi mãi trường tồn với non sông Đất nước” (lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khác ghi tại cây lưu niệm Ngã ba Đồng Lộc).
Ngã ba huyền thoại ấy đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá, thể hiện ý chí kiên cường bất khuất, dũng cảm, mưu lược để giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến, góp phần cùng quân và dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thắp hương tại khu mộ 10 nữ TNXP năm 2008
Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “tọa độ chết” năm xưa. Về Ngã ba Đồng Lộc những ngày đầu xuân, ấn tượng đầu tiên với du khách là màu xanh bạt ngàn trên đồi thông, những cánh đồng lúa đang thì con gái và vườn cây trái xum xuê. Đâu đó là tiếng trò chuyện của những người lính chiến đấu năm xưa, gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Hay tiếng cười, nói rộn ràng của trẻ thơ như xua tan cái nắng chói chang khắc nghiệt của miền Trung, khiến không gian yên bình đến lạ thường, nơi đây tràn đầy sự sống, chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng cao cả, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tại khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc, chúng tôi cũng được gặp những thanh niên sống trong thời bình, khoác trên mình màu xanh áo lính, với chiếc mũ tai bèo đang trân trọng giữ gìn, bảo quản từng kỷ vật chiến tranh để lại, đang say sưa giới thiệu cho du khách về chiến công huyền thoại một thời hoa lửa.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Trần Đình Ước – Trưởng Ban Quản lý khu di tích thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc chia sẻ: “Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Được Đảng, Nhà nước, Trung Ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm các liệt sỹ TNXP toàn quốc. Là thế hệ đi sau, sống và làm việc tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, mỗi lần thấy những đoàn người ở khắp mọi miền của Tổ quốc và ngoài nước về thăm viếng tại Khu di tích, trong lòng luôn cảm thấy xúc động, bồi hồi. Các cán bộ, nhân viên khu di tích luôn coi đây như mái nhà thứ hai của mình. Mọi người đều chăm chút chu đáo nơi yên nghỉ của các chị. Việc hướng dẫn và đón tiếp khách là một trong những tiêu chí quan trọng. Để xây dựng nét đẹp văn hóa trong công tác hướng dẫn, đón tiếp, chúng tôi đã thường xuyên chỉ đạo cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ này một cách tận tình, chu đáo; thường xuyên trau dồi nội dung thuyết minh, rèn luyện tác phong và cách diễn đạt, thái độ đón tiếp nhẹ nhàng, vui vẻ, lịch sự và có tính chuyên nghiệp.”
Riêng năm 2014, Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã đón tiếp và hướng dẫn gần 8.743 đoàn với hơn 281.346 lượt khách đăng ký xem phim tài liệu, nghe thuyết minh và dâng hương tưởng niệm, tham quan tổng thể Khu di tích. Công tác đón tiếp đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách mỗi khi về với Ngã ba Đồng Lộc. Ngoài ra, công tác an ninh trật tự cũng luôn được đề cao, đảm bảo an toàn cho du khách. Ban quản lý đã tăng cường thêm đội ngũ bảo vệ, thành lập Tổ bảo vệ gồm 06 người thường xuyên tuần tra canh gác, đảm bảo an ninh cho cả ngày lẫn ban đêm..
Viếng mộ 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, nhiều người đã không kìm nén được cảm xúc, để rồi những vần thơ hòa lẫn vào trong giọt lệ:“…Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào/Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc/…/Ngày bom vùi tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”.(Nhà thơ Vương Trọng,1995)
Từ tháp chuông Đồng Lộc cao vút, tiếng chuông loang ra trong chiều, chạm vào 10 ngôi mộ rưng rưng hương bồ kết, chạm vào những dòng chữ ghi tên bao người đã ngã xuống cho đất nước hồi sinh, chạm vào hố bom – dấu tích của chiến tranh để những người còn sống càng trân trọng hòa bình, độc lập, tự do. Tiếng chuông chạm vào hàng thông vi vút trên đồi, chạm vào trời xanh Can Lộc, thì thầm lời cầu nguyện cho những người con bất tử trong lòng dân. Thắp nén hương thơm và xin gửi lại các chị những chiếc gương soi, lược ngà và những chùm bồ kết mà ngày nào các chị vẫn dùng…Hình ảnh của chị Tần, chị Cúc, chị Hợi, chị Nhỏ, chị Xuân, chị Hạ, chị Hường hay chị Rạng, chị Xuân, chị Xanh như vẫn còn đây, trẻ trung, tươi tắn nhưng hiên ngang khí phách lạ thường bên dòng sông La huyền thoại.
“Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba/…/Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi/Con sẽ nhớ đến Ngã ba Đồng Lộc…”.
Xuân Lộc – Minh Hà/ Triviet24h