Bài 8: Không được để dân đói vì mỏ sắt
Bài 7: Dấu hỏi lớn về mỏ sắt Thạch Khê
Bài 6: ‘Nhìn thẳng sự thật’ ở mỏ sắt lớn nhất ĐNA
Bài 4: Cái chết tức tưởi của hai cháu nhỏ
Bài 3: Ở nông thôn mà chật hơn… Hà Nội
Những cuộc di chuyển mộ không… hài cốt
Bài 1: “Có nơi nào khổ như chúng tôi không?”
Sau khi loạt bài ‘Sống dở chết dở ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á’ đăng tải trên VietNamNet, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Đức Bình – TGĐ Cty CP Sắt Thạch Khê (TIC).
Chủ quan, kỳ vọng quá lớn
– Những thông tin trong loạt bài trên VietNamNet về mỏ sắt Thạch Khê vừa qua, ông có bình luận gì?
Tôi đã đọc hết 8 bài đăng trên VietNamNet về mỏ sắt Thạch Khê. Rất cám ơn VietNamNet đã có những thông tin đầy đủ, cũng góp phần hỗ trợ công ty để các cơ quan biết được những khó khăn của dự án, nỗi bức xúc, không hài lòng của nhân dân.
– Thông tin mới nhất từ cuộc họp với Tập đoàn TKV vừa rồi, có khả quan gì không thưa ông?
Việc đàm phán với 3 cổ đông (Sông Đà, Vinashin và VNPT) thoái vốn theo yêu cầu của Chính phủ đã xong. Hiện đã thông qua giá cả thoả thuận theo yêu cầu của họ. Còn phía Hoà Phát thì chúng tôi cũng đã xác nhận xong và sẽ chấp nhận đàm phán, chuyển nhượng sang cho TKV. Sau đó TKV sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ.
Sau khi được Chính phủ chấp thuận thì TKV sẽ có văn bản gửi Hà Tĩnh về việc còn thiếu 2% để đạt được 51%, trở thành cổ đông chi phối và sẽ đổ tiền vào để làm.
Trước mắt, sau khi làm việc với 4 tập đoàn kia thì đã thu được 70 tỷ, đây là số tiền thiếu của các cổ đông. Còn 66 tỷ của Mitraco và 10 tỷ của Bitexco thì cũng đang còn phải làm việc.
Xong những việc này trong tháng 12 thì chúng tôi sẽ có tiền, và sẽ ưu tiên chi trả cho tư vấn lập thiết kế để đẩy nhanh thiết kế kỹ thuật và điều chỉnh dự án. Ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc của dân, hoàn thành các khu tái định cư, GPMB, nhất là khu vực dân cư nằm sát bên mỏ. Kể cả việc đảm bảo hỗ trợ cho 4 xã: Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải và Thạch Trị về xây dựng Nông thôn mới.
– Việc hỗ trợ cho 4 xã này sẽ bắt đầu từ lúc nào?
Cái này nằm trong kế hoạch 2012 – 2015, cũng nằm trong kinh phí 246 tỷ trong Đề án 946.
Quan trọng nhất bây giờ là tái cơ cấu cổ đông, anh nào yếu thì loại ra, anh nào khoẻ thì giữ lại. Hết tháng 12 này sẽ xong điều chỉnh dự án mỏ tuyển, trong quý 1 sẽ xong thiết kế kỹ thuật.
Qua thử nghiệm bóc đất tầng phủ thì giờ mới nhận nhiều nguy hiểm khi làm các bãi thải, mà những cái này FS ngày xưa của Nga cũng chưa lường trước được. Khó nhất là bãi thải, chi phí để đổ ra ngoài biển, làm các công trình bảo vệ bãi thải, không ô nhiễm môi trường cũng phải mất 6000 tỷ để đắp đê bao.
Sẽ giảm thiểu được sự ảnh hưởng ra môi trường do “cát nhảy”. Sẽ nâng độ cao lên 220m để chống sự biến đổi khí hậu, bảo vệ mỏ. Những cái này sẽ lập thiết kế rất chi tiết, sẽ do nước ngoài thẩm định. Hiện chúng tôi đang tìm kiếm một đơn vị tư vấn của Úc.
Một bộ phận dân cư khu vực mỏ sắt đã lâm vào tình cảnh thiếu ăn. Ảnh: Duy Tuấn
– Hiện nay, người dân ở khu vực vùng mỏ rất khổ và cho rằng do doanh nghiệp gây nên?
Cái này thì không phải DN vào làm người dân khổ. Đây là chủ trương từ trên xuống, nhưng bước đi chưa phù hợp, vốn chưa kịp thời, thiết kế chưa xong, dự án chưa hoàn chỉnh, khi đưa ra xây dựng thì lại kì vọng quá lớn.
Đưa ra lộ trình 5 năm, từ 2007 – 2013, tức là 5 năm giải phóng hết toàn bộ khu vực đó thì kỳ vọng quá.
Hồi đó lập dự án 3500 tỉ, tài chính chưa vào kịp, kể cả nếu có tiền vào rồi muốn đẩy nhanh trong 5 năm mà đưa 4000 hộ dân, xây dựng 2 khu TĐC như thế là chủ quan, chứ đẩy nhanh thì lợi cho dân, lợi cho doanh nghiệp nữa.
Mong muốn của chúng tôi được đặt lên hàng đầu là DN muốn phát triển bền vững hãy thân thiện với cộng đồng, cùng xây dựng, cùng phát triển, cùng ổn định. Nếu không làm được việc này là không tồn tại.
– Ông có nói về sự chủ quan, chủ quan của doanh nghiệp hay là…?
Của cả hệ thống, của công ty, của chính quyền địa phương, chủ đầu tư…
Không có thiết kế, cổ đông chưa dám góp vốn
– Trong lần làm việc với tỉnh Hà Tĩnh đầu tháng 11 vừa qua, ông Phùng Mạnh Đắc, Phó TGĐ TKV, Chủ tịch HĐQT TIC có nói, mỏ sắt được triển khai mà không có cơ sở pháp lý, không có thiết kế kỹ thuật, chưa nghiên cứu xong đã động thổ, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Đấy là quá trình bóc đất thử nghiệm, bóc đất tầng phủ nhưng về mặt dự án đầu tư thì đã được phê duyệt rồi. Được Bộ TN-MT cấp giấy phép khai thác mỏ, được tỉnh cấp giấy phép đầu tư xây dựng, khi khởi công triển khai bóc đất tầng phủ đã có văn bản của Thủ tướng đồng ý.
Tổng GĐ Cty CP Sắt Thạch Khê: Nhiều cổ đông năng lực tài chính quá yếu, không thực hiện nghĩa vụ góp vốn, vào chỉ để kinh doanh chứng khoán.
– Lúc đó Thủ tướng đồng ý nhưng chắc là với điều kiện mình sẽ hoàn thành hồ sơ trong quá trình bóc đất tầng phủ?
Tất nhiên bóc đất tầng phủ thực hiện trong giai đoạn tiến hành thiết kế thi công. Tức là có một thiết kế riêng, thiết kế nhỏ trong một thiết kế kỹ thuật lớn.
Tức là nó là một hạng mục công trình được lập thiết kế, được lập dự toán, được thẩm định, được phê duyệt tất cả các trình tự. Được Chính phủ đồng ý cho phép triển khai, rất đầy đủ các điều kiện.
Nhưng thiếu là thiếu cái gì, đó là làm hơi sớm, thiết kế kỹ thuật thì chưa xong, nhìn tổng thể lớn thì chưa được khớp lắm.
– Nghĩa là cái tiểu dự án bóc đất tầng phủ đã được phê duyệt. Còn cái tổng thể, kể cả di dời, tái định cư thì chưa có, đúng không?
Đúng!
– Đấy là một trong những nguyên nhân để vừa rồi Thủ tướng ra kết luận 164?
Không, nguyên nhân là cái khác. Còn trong các văn bản có nói rằng dự án chưa được phê duyệt nhưng thực sự đã được phê duyệt rồi đấy. Đó là sai sót trong văn bản chứ thủ tục thì chúng tôi đã đầy đủ.
– Có ý kiến nói rằng, việc không có thiết kế kỹ thuật phải chăng là điều lo ngại của các cổ đông để rồi sau này dẫn đến tình trạng thiếu vốn trầm trọng khi các cổ đông không đóng tiền?
Đối với các cổ đông thực sự đầu tư vào đây để khai thác mỏ trong thời gian vừa qua họ chưa góp đủ. Chưa góp, hoặc góp thiếu thì một trong những lý do là thiết kế chưa xong.
Thứ hai là có một số cổ đông năng lực yếu. Lúc đó các công ty ngoài ngành vào hồi đang sốt chứng khoán, tham gia để để kinh doanh chứng khoán. Cái thứ ba cũng có những trường hợp năng lực tài chính yếu, như ví dụ tôi nói bây giờ Tổng Cty Khoáng sản Thương mại Hà Tĩnh..
Hiện nay chúng tôi đã có luật, điều lệ của các cổ đông cam kết với nhau. Trong 90 ngày khi mà kế hoạch góp vốn huy động là phải góp đủ. Ngoài 90 ngày phải tính lãi suất. Có nhiều cổ đông không có tiền nhưng vẫn muốn ôm, muốn giữ..
Chưa GPMB xong đã khai thác
– Tại sao trước khi tiến hành khai thác không thực hiện việc GPMB, xây khu TĐC để đưa dân đi đã. Dẫn đến việc người dân phải chịu cảnh sống chung với việc khai thác?
– Đây là cái mà DN xác định sau khi dự án được lập, tiến hành song song trong giai đoạn xây dựng cơ bản, kể cả giải phóng mặt bằng, xây dựng TĐC, thi công các hạng mục công trình hạ tầng của mỏ. Tức là trong dự án cho phép và các dòng tiền của nó đang lập theo kiểu kế hoạch.
Người dân khu vực mỏ sắt đã phải kêu trời trước tình trạng lũ bùn tấn công vườn, nhà. Sức chịu đựng của họ không phải là không có giới hạn. Ảnh: Duy Tuấn
Đáng lẽ có tiền vào ta làm luôn để giải phóng mặt bằng sạch cái đã rồi thi công luôn. Tất nhiên số tiền đó phải có hỗ trợ chứ doanh nghiệp làm một lúc như thế cũng mệt.
Nếu nhà nước cho chúng tôi vay với lãi suất thấp, tập trung số một vào GPMB sớm đi thì cho thoáng hết đi thì chúng tôi sẵn sàng. Chứ bây giờ DN đi vay ngân hàng, vay thương mại, tức là dòng tiền cứ bỏ vô đó mà tiền không vào thì tui nói đối với DN là khó.
– Đối với cư dân xóm 1 Thạch Đỉnh trực tiếp chịu ảnh hưởng, chừng nào họ mới được di chuyển đến các khu tái định cư?
Cái đó bây giờ chúng tôi cũng đang tập trung tái cơ cấu xong thì sẽ rót tiền ngay sau khi hoàn thiện khu TĐC ở Thạch Đỉnh, xong xuôi hết rồi sẽ bắt đầu di dời dân. Hiện đã hoàn chỉnh 80- 90% rồi.
Bây giờ có tiền sẽ ưu tiên cho hai khu TĐC Thạch Đỉnh, một khu Thạch Bàn, hai khu Thạch Khê. Dốc tiền khoảng 26 – 30 tỉ bỏ vào thì sẽ hoàn chỉnh hết.
– Riêng đối với xã Thạch Hải, ông có thể nói gì bây giờ khi mà cả xã di dời 100%, nhưng dân chưa được đền bù, chưa được kiểm đếm, khu TĐC chưa thấy đâu?
Cái này chúng tôi sẽ làm cẩn trọng hơn, nên sau khi có thiết kế kỹ thuật được phê duyệt kèm theo xây dựng toàn bộ lộ trình di dân, GPMB, TĐC.
Thế nhưng, theo kế hoạch từng năm một thì có những hộ dân ví dụ nằm trong dự án 2,3,4,5 chẳng hạn thì chúng tôi tập trung di dân, còn ví dụ nằm ngoài số đấy thì doanh nghiệp phải chịu mất tiền để cho họ được củng cố, được tái đầu tư, xây dựng một phần nào đấy, ổn định cuộc sống cho họ.
Nay mai cũng phải chịu mất tiền, không có tiền trả ngay thì cũng phải trả dần về sau, cũng là một thiệt hại cho doanh nghiệp. Không thể để cho dân sống trong cảnh không được xây dựng do năm trong quy hoạch, ăn ở khổ sở như thế thì không được. Kể cả đất cát chúng tôi cũng phải trích đất đền bù rồi nhưng chưa dùng đến thì vẫn để cho dân họ làm.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm
– Hôm trước, tại kì họp HĐND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư tỉnh uỷ có yêu cầu bên Cty TIC chi trả số tiền gần 300 tỉ để thanh toán các khoản tiền còn nợ trước Tết. Cty có thể đáp ứng được yêu cầu trên không?
– Cũng là một cái khó cho DN, trong bối cảnh bây giờ vay ngân hàng không vay được, các cổ đông thì tái cơ cấu chưa xong. Mà Cty thì chỉ trông chờ vào đó. Nếu làm xong sẽ thu xấp xỉ 200 tỉ, DN sẽ tập trung TĐC, GPMB,… để đưa công ty vào hoạt động trở lại, sau đó huy động tiếp.
Trẻ em theo chân bố mẹ đi xúc cát trộm để kiếm sống ở xóm 1 xã Thạch Đỉnh. Không biết họ còn khổ đến bao giờ? Ảnh: Duy Tuấn
– Việc một số tiền cũng chưa lớn so với vốn điều lệ, có mấy trăm tỉ Cty không thực hiện được, dân không di dời được, khu TĐC chưa xây xong thì việc với số tiền lớn để triển khai tất cả các dự án lớn như thế thì mình có giải quyết được không?
Cái đó trả lời có hay không là một bài toán, cả một tập thể cổ đông, hội đồng quản trị, thậm chí cả Chính phủ đều quan tâm. Thế còn dự án mỏ bây giờ điều chỉnh lại khoảng 30 nghìn tỉ, dự án nhà máy thép xấp xỉ 25 nghìn tỉ là một dự án rất lớn. Thì để nói rằng người ta nghi ngờ về khả năng tài chính là đúng.
Khi đã thành lập DN thì có trách nhiệm của nhà nước, của Chính phủ và cả bộ máy phải tập trung vào giải quyết. Cái này sau khi chúng tôi lập các dự án xong rồi thì lập dự án quan trọng nhất để huy động vốn, bao giờ có, có đến mức độ nào thì đấy mới là chắc chắn.
– Với việc mình điều chỉnh dự án từ 9,9 nghìn tỷ lên 31 nghìn tỷ đồng, sẽ lấn biển 2,5 km. Với những con số đó sẽ gây ra nhiều quan ngại trong dân và chính quyền?
Không, cái đó đừng hoàn toàn nói về tiền. Tiền có thể bù đắp từ lợi nhuận của mỏ. Nhìn cả vào tổng thể thì hiệu quả là rất lớn.
Nhưng ảnh hưởng nhất, không tính được bằng tiền là ảnh hưởng dân cư, ảnh hưởng đất đai, môi trường, ảnh hưởng dư luận. Nếu tiến hành theo phương án mới sẽ tránh được rủi ro khi biến đổi khí hậu, sóng thần.
Cho nên phải quyết tâm làm, thậm chí đưa vào tính toán không hiệu quả thì phải nhập một đề án riêng để xin nhà nước, ODA, hoặc vốn nước ngoài tài trợ cho mình.
– Theo như ông nói, những ảnh hưởng không tính được bằng tiền đó kéo dài cả một quá trình, ai chịu trách nhiệm?
Đương nhiên là doanh nghiệp.
– Có ý kiến nói rằng, việc quản lý, điều hành dự án này của những con người hiện tại chưa đáp ứng được với tầm của dự án này nên đã có nhiều thực trạng không tốt?
Có một phần như vậy!
– Vậy sắp tới mình có thể lo được vốn, thay đổi lại nhân lực, phương thức quản lý, năng lực?
Chắc chắn. Sau khi có vốn tái cơ cấu cổ đông xong sẽ cải tổ lại bộ máy tổ chức, điều hành, kể cả hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị để nó phải đúng tầm.
Xin cám ơn ông!
Duy Tuấn – Thăng Long – Trần Văn (thực hiện)
VietNamNet