Chưa đầy tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều gia đình đang đau đầu không biết lấy tiền đâu tiêu Tết, bởi thời điểm hiện tại tiền thưởng chưa rõ được bao nhiêu. Nhưng với chị Lê Thị Thùy ở Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội), năm nay, chị rủng rỉnh tiêu Tết với 15 triệu đồng - khoản tiền chị tiết kiệm được từ tiền bán rau sạch trồng trên sân thượng. Nhờ đó, toàn bộ tiền lương, thưởng Tết chị sẽ để trả nợ, không phải cắt xẻo tiêu Tết như những năm trước.
Chị kể, chị làm kế toán, chồng chị làm kỹ sư xây dựng, tổng thu nhập của hai vợ chồng cũng được khoảng 20-25 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, vào mỗi dịp Tết, hai vợ chồng có thêm khoản thưởng khoảng 50-60 triệu đồng.
Với khoản thu nhập đều đặn như vậy, vợ chồng chị sẽ sống khá sung túc. Thế nhưng, ba năm nay, ngoài tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tất cả tiền lương, thưởng chị đều phải dồn vào trả nợ tiền mua nhà. Do đó, để có tiền tiêu Tết cũng khiến chị đau đầu.
Sân thượng nhà chị Thùy được tận dụng để trồng các loại rau quả sạch |
“Cũng may có vườn rau trên sân thượng cứu cánh”, chị Thùy nói. Với 60m2 sân thượng, chị tận dụng để trồng các loại rau sạch cho gia đình ăn được 4 năm nay.
Ban đầu, khi trồng rau trên sân thượng , chị chỉ trồng mỗi loại vài thùng xốp lấy rau cho gia đình ăn. Mãi đến cuối năm 2016, rau vụ đông chị trồng được mùa, cả nhà ăn không ăn chị phải đem cho mấy nhà hàng xóm.
Cho liên tục, các hộ gia đình xung quanh liền bảo, thay vì đem cho, khi nào thừa rau thì bán cho họ lấy tiền mua phân hay mua giống, họ thì có rau sạch ăn.
Thấy vậy, từ năm 2017, chị bắt đầu mở rộng diện tích rau ra gần kín sân thượng. Mùa nào thức nấy, mỗi loại chị trồng vài thùng xốp để lúc nào cũng có rau ăn, thành ra rau ăn lá, ăn quả đều đủ cả.
Hàng ngày, cứ 6 giờ sáng chị lên sân thượng cắt rau cho gia đình ăn, nếu nhiều thì cắt bán luôn cho các gia đình lân cận. Cắt xong, chị tưới nước cho vườn rau rồi mới xuống ăn sáng và đi làm.
Mỗi ngày chị đều lên sân thượng hái rau để gia đình ăn, nếu nhiều hái bán bớt cho hàng xóm. Tiền bán rau chị "nuôi" lợn đất để cuối năm có tiền tiêu Tết |
Mấy hộ dân cạnh nhà chị cũng cũng dễ tính, có rau nào ăn rau ấy chứ không đòi hỏi. Thế nên, nay chị cắt rau cải thì họ cũng ăn luôn rau cải. Còn giá rau chị bán cũng bằng với giá chợ, không đắt hơn.
"Mỗi bó rau giá chỉ vài ngàn; cà chua, quả su su hay đỗ xanh thì bán được 20.000 đồng/kg. Song, tích tiểu thành đại, cứ mỗi ngày thu được vài chục ngàn đồng tiền bán rau tôi đều bỏ vào lợn đất tiết kiệm để cuối năm lấy tiền đó tiêu Tết”, chị Thùy chia sẻ.
Vừa rồi đập lợn đất chị “nuôi” từ tiền bán rau ra đếm, kết quả khá bất ngờ khi khoản tiền trong lợn tích cóp được lên đến gần 15 triệu đồng.
Cầm số tiền trong tay, chị bảo đó là công sức vất vả cả năm của chị, ngày ngày chị ngồi bắt từng con sâu, tưới từng gáo nước. Đổi lại, Tết này chị có một khoản tiền kha khá để chi tiêu, không phải tằn tiện như những năm trước, trong khi lương thưởng vẫn còn nguyên si.
“Tôi đã bàn với chồng, Tết biếu ông bà nội ngoại mỗi bên 3 triệu, còn lại 9 triệu để mua sắm cho gia đình như vậy là vừa khéo”, chị tiết lộ. Chị vừa mua con lợn đất mới to hơn vì dự kiến năm 2018, thu hoạch rau trên sân thượng sẽ nhiều hơn do chị đang trồng kín các loại rau trên sân thượng, chủng loại cũng đa dạng hơn nên hy vọng tiền thu được sẽ nhiều hơn.
Tác giả: Hà Dương
Nguồn tin: Báo VietNamNet