Trước mặt tôi chỉ là một khoảng nước mênh mang đậm màu xanh lục của cỏ rêu. Mấy đám lục bình tím ngát không trôi mà dập dềnh, quẩn quanh trên mặt nước. Xa xa là lũy tre làng uốn cong trên mấy doi đất… Cảnh sắc ấy khiến tôi mường tượng về một Mai Hồ mang mang nỗi buồn thương nhớ dòng La…
Bàu Mai tên Hán Việt là Mai Hồ không hiểu vì lý do gì về sau trên địa giới hành chính lại đổi là Mai Thủy. Ít ai biết rằng đây vốn là một đoạn lòng sông cũ của dòng La hiền hòa, thơ mộng. Xưa kia đây vốn là nơi trên bến, dưới thuyền khá tấp nập nhưng khi sông La chuyển dòng lấn về phía Tây Bắc đã bỏ lại dải nước này. Dải lòng sông cũ này có chiều dài khoảng 6km kéo dài từ cửa bàu Ngục đến cuối bàu Mối, xưa kia nó liền một dải nhưng từ ngày không lưu thông với dòng chảy mới, nước cạn dần nên bị dân làng ngăn chia thành nhiều khúc đoạn để giữ nước. Ngày nay, bề rộng của bàu Mai vẫn còn nguyên vẹn nhưng chiều dài đã bị rút ngắn rất nhiều do cư dân ở đây san lấp làm nhà ở và đến nay hầu như chỉ còn đoạn bàu Mối là vẫn còn nguyên thể trạng.
Ở dọc theo bàu làng mạc tiếp nối, thuở xưa cư dân vừa cày ruộng, vừa dệt lụa, may nón, ươm giá, ép dầu, buôn bán trên bộ, dưới thuyền tấp nập… Ngày nay hầu như người làng chỉ còn giữ lại nghề trồng rau. Có lẽ bàu Mai đã giúp cho đất đai ở đây phì nhiêu hơn nên nhà nào cũng có một vườn rau xanh tốt quanh năm. Mỗi chiều muộn, nhà nhà đều ra vườn chuẩn bị gánh hàng cho buổi chợ sớm mai. Nhân dân ở đây vẫn còn lưu giữ nếp sinh hoạt chợ búa cũ, ấy là chỉ đi chợ vào khoảng canh 4 lúc trời chưa tảng sáng và đầu năm mới nào cũng làm lễ khai tang (tức là khai mở các hoạt động lao động trên các mảnh vườn)…Và như thể để lưu lại dấu tích của một khúc sông, bà con hai bên bàu vẫn giữ nguyên các rôộc bến để sinh hoạt, khác chăng là ngày nay tất cả đều đã được bê tông hóa nhưng người dân Mai Hồ về cơ bản vẫn giữ được những nét sinh hoạt cũ. Mỗi sáng, mỗi chiều ở những rôộc bến dân làng vẫn ra đây tắm giặt, buông cần hay bơi thuyền thả câu. Chuyện nhà cửa, con cái, chuyện chợ búa, giá cả thị trường, cả chuyện chính trị, chuyện chiến sự thế giới… ngày nào cũng vang lên trên bến, lan xa theo từng con sóng lẫn vào nước trời mênh mang… Có bao nhiêu thế hệ đã gắn bó cùng ngòi nước này, có bao nhiêu đứa trẻ đã rời làng ra đi sau những ngày ngụp lặn bắt cá, bắt tôm trên bến…Tôi không thể biết nhưng tôi chắc chắn rằng dù ở nơi nào đi nữa thì khúc sông nước không còn chảy này vẫn hoài chảy mãi vào tâm hồn họ những nét sinh hoạt văn hóa đẹp đẽ nhất của làng quê…
Cùng với truyền thống hiếu học khoa bảng của Đức Thọ, Mai Hồ cũng có những danh nhân tiêu biểu. Ngày nay trên bờ bàu Mai vẫn còn lưu lại hai di tích lịch sử khá đặc sắc là Ngôi đền thờ hội nguyên Trần Dực và Nền nhà học của hành khiển Bùi Sằn như một lời nhắc nhở các thế hệ con cháu noi theo.
Nhà thờ Trần Dực tọa lạc trên bờ Bàu Mai…
Trần Dực ở xã Ngải Lăng tức làng Yên Trung ngày nay, từng đỗ hội nguyên và đỗ đầu khoa Đông Các, làm quan đến chức tả thị lang bộ Hộ. Ông vốn là con nhà nghèo, thuở nhỏ phải đi chăn trâu, trong lúc ấy ông đã vào mượn sách vở ở một trường học gần bãi chăn vừa coi trâu vừa đọc sách. Hai năm liên tục ông miệt mài học theo cách ấy và quyết tâm đi thi. Sau khi đỗ Hương Cống, ông ra kinh thành Thăng Long thi Hội, do không có tiền, ông lại phải xin đi làm thuê kiếm sống. Có lẽ nhờ đó mà ý chí càng mạnh mẽ hơn và ông đã đỗ đầu kỳ thi Hội. Sau này khi ra làm quan ông trở về làng cho xây lại cây cầu ông từng ngồi học và dựng bia ghi lại sự việc, dân làng quen gọi là cầu thị lang. Đến nay cầu vẫn còn. Sau khi ông mất, con cháu cũng lập nên nhà thờ ngay gần cầu và đến nay vẫn được nhân dân giữ gìn gần như nguyên vẹn. Nhà thơ còn có tên là Hồ Nam với kiến trúc 3 tọa thượng điện, trung điện và hạ điện với các đường nét chạm trổ khá tinh xảo. Cùng với đền thờ Trần Dực, nền nhà học của hành khiển Bùi Sằn vẫn được nhân dân Mai Hồ trân trọng lưu giữ nguyên vẹn đến nay. Bùi Sằn cũng là người Yên Trung, nổi tiếng hiếu học và học giỏi từ nhỏ. Ông từng làm quan đến chức hành khiển, về sau dựng học đường để dạy học ở phía Đông bàu Mai, học trò trong vùng và các vùng lân cận theo học rất đông và thành đạt rất nhiều. Cảm động trước tấm lòng của ông, Bùi Dương Lịch từng viết một bài ghi lại việc làm của ông, trong đó có hai câu rất trác tuyệt, trở thành niềm tư hào của người dân nơi đây: “Mai Thủy trong ngần Hồng Lĩnh biếc/ Gặp thời dễ có đại văn hào”. Noi gương các bậc danh sỹ ấy, các thế hệ con cháu trong làng đã gắng công học hành, năm nào cũng có rất nhiều học sinh đỗ đạt vào các trường đại học, cao đẳng. Các thế hệ con cháu Mai Hồ, người đã ra đi, người trở về làng xây dựng quê hương nhưng ở nơi đâu cũng phấn đấu cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cách có mấy ngôi nhà và một thoi đê nhưng bàu Mai đã biệt lập hẳn với dòng sông mẹ. Chia cách với thuyền bè, ở lại với làng mạc, xóm thôn, dẫu bớt phần tấp nập nhưng đã tạo cho cảnh quan nơi đây một vẻ đẹp không kém phần thơ mộng và hơn hết là trong nỗi nhớ dòng La, khúc sông cũ này cũng đã kiến tạo nên những nét đẹp tâm hồn riêng biệt cho người dân làng Mai…
Anh Hoài
Baohatinh