Đơn vị công binh tỉnh đội Hà Tĩnh luôn sẵn sàng để tuyến đường giao thông được thông suốt (Phà Sông Phủ trong chiến dịch Phá hoại 1967)
Trong mỗi bước trưởng thành, mỗi chặng đường lịch sử, mỗi chiến công của LLVT Hà tĩnh đều gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng, đó là ngày 18/8/1945, ngày ra đời của các đơn vị vũ trang tập trung, những đơn vị tiền thân của LLVT tỉnh sau này. Đó cũng là ngày mà các đơn vị vũ trang địa phương đã cùng toàn dân đấu tranh giành chính quyền thắng lợi trên phạm vi toàn tỉnh. Với ý nghĩa lịch sử đó ngày 18/8/1945 đã trở thành ngày truyền thống của các LLVT nhân dân Hà Tĩnh.
Trên cơ sở những đội vũ trang tập trung trong thời kỳ khởi nghĩa, đến cuối tháng 8/1945 toàn tỉnh đã thành lập được 8 đại đội Cứu quốc quân ở 8 phủ huyện với quân số trên 400 người. Các đội cứu quốc quân sau này đổi thành giải phóng quân.
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng – UV Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thăm phòng truyền thống của Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh
Ngay sau ngày đất nước mới giành được độc lập, ngày 6/9/1945, lực lượng giải phóng quân Hà Tĩnh đã phối hợp với lực lượng cách mạng Lào chủ động tấn công đồn Na Pê ở khu vực biên giới. Trận đánh đã giành thắng lợi lớn, góp phần rất quan trọng vào việc ngăn chặn âm mưu trở lại xâm lược của thực dân Pháp từ hướng Tây xuống địa bàn Nghệ Tĩnh. Đây là trận thắng mở đầu của LLVT Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Pháp. Cùng thời gian đó LLVT Hà Tĩnh đã cử 4 phân đội gồm 240 cán bộ, chiến sỹ bổ sung cho mặt trận Nam Bộ. Các đơn vị Nam tiến của Hà Tĩnh đã tham gia chiến đấu lập công suất sắc ở mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa, làm rạng rỡ truyền thống quê hương Hà Tĩnh.
Đại tướng Phùng Quang cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và lực lượng vũ trang kiểm tra vùng biên tại cột mốc số 476
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng, đầu tháng 12/1945 chi đội giải phóng quân Phan Đình Phùng, đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên của tỉnh được thành lập, tháng 3/1946 chi đội giải phóng quân Phan Đình Phùng được đổi tên là Trung đoàn 62, sau đó là Trung đoàn 103 Hà Tĩnh. Đến thời điểm này, LLVT tỉnh đã có đủ 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực Tỉnh, bộ đội địa phương huyện, dân quân du kích ở các làng xã. Tháng 3/1946, theo quyết định của Bộ Quốc phòng, cơ quan chỉ huy quân sự từ tỉnh đến huyện được thành lập.
LLVT Hà Tĩnh diễn tập thực binh phối hợp
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, LLVT Hà Tĩnh tiếp tục được xây dựng và phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ hậu phương và chi viện tiền tuyến. Trung đoàn 103 Hà Tĩnh đã có mặt chiến đấu tại chiến trường Bình-Trị-Thiên ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, cùng với các đơn vị bạn tham gia chiến đấu 161 trận lớn nhỏ, diệt 856 tên địch, bắt và làm bị thương 337 tên, phá hủy 20 xe quân sự, giải tán 84 hội tề, góp phần đánh bại chính sách bình định của thực dân Pháp ở Bình Trị Thiên.Thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến, tỉnh đã huy động 6 tiểu đoàn, 4 đại đội tham gia chiến dịch Trung Hạ Lào, Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Các đơn vị này đã lập công xuất sắc. Nhiều đơn vị cá nhân được tặng thưởng huân chương chiến công, 3 đồng chí được tuyên dương Anh hùng là: Phan Đình Giót, Nguyễn Xuân Lực và Nguyễn Đô Lương.
Bộ Quốc phòng tặng cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng cho BCHQS Hà Tĩnh năm 2010
Lực lượng dân quân du kích (DQDK) và bộ đội địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ hậu phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Đẩy lùi 38 vụ xâm nhập, phá hoại của địch ở tuyến biển và biên giới, tiêu diệt 110 tên địch, bảo vệ vững chắc hậu phương, bổ sung kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong kháng chiến chống Pháp, địch không chiếm đóng nổi 24 tiếng đồng hồ trên đất Hà Tĩnh. Thành tích đó có sự đóng góp to lớn của các LLVT địa phương.
Cán bộ, chiến sỹ BCHQS Hà Tĩnh thường xuyên tuần tra canh gác bảo vệ biển đảo
Hòa bình lập lại, các LLVT địa phương đã được tổ chức xây dựng toàn diện theo hướng chính quy, từng bước hiện đại. Cơ quan quân sự các cấp được kiện toàn củng cố vững mạnh. Lực lượng thường trực có đủ các binh chủng chiến đấu, DQDK được phát triển rộng khắp ở các làng xã cơ quan, xí nghiệp, trường học, được trang bị vũ khí và huấn luyện chu đáo, trở thành lực lượng nòng cốt trong sản xuất, bảo vệ trật tự trị an, sẵn sàng bổ sung lực lượng cho quân đội. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh vừa là tuyền tuyến vừa là hậu phương của miền Bắc, đế quốc Mỹ đã nhiều lần tung gián điệp biệt kích phá hoại, sử dụng trên 4 vạn lần chiếc máy bay, ném xuống đất Hà Tĩnh hơn 200.000 tấn bom đạn các loại, gây hậu quả rất nặng nề cho địa phương. Trước những khó khăn thử thách và bom đạn ác liệt của kẻ thù, LLVT Hà Tĩnh đã cùng nhân dân địa phương kiên cường bám trụ vừa sản xuất vừa chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải, chi viện tiền tuyến, nêu cao quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, đã bắt gọn và tiêu diệt hầu hết các toán gián diệp biệt kích, bắn rơi 267 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 34 tàu chiến, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Trong Kháng chiến chống Mỹ Hà Tĩnh đã bổ sung lực lượng cho quân đội gồm 9 vạn thanh niên, nam, nữ, chiếm hơn 10% tổng dân số. Có năm huy động cao nhất là 12.000 người như năm 1975. Từ năm 1965 đến năm 1975 Hà Tĩnh đã chi viện cho chiến trường Miền Nam, trực tiếp là mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên: 21 tiểu đoàn, 15 đại đội bộ đội địa phương và nhiều trung đội dân quân du kích của các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc. Các đơn vị LLVT Hà Tĩnh đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt 1550 tên địch, bắn rơi 13 máy bay, phá hủy 26 xe quân sự, thu nhiều phương tiện vũ khí của địch.
Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tuyến an toàn phòng thủ tại Khu Kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh
Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, LLVT Hà Tĩnh lại tiếp tục cử nhiều đơn vị cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nam và phía Bắc, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, lập công xuất sắc. Kết thúc 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới, Hà Tĩnh có 28.455 con em đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, được Nhà nước công nhận là liệt sỹ; 47.163 người là thương, bệnh binh; LLVT tỉnh cùng cán bộ, nhân dân và các LLVTND 9 huyện thị, 189 đơn vị bộ đội, dân quân du kích, tự vệ, xã, phường, thị trấn được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND, 37 cán bộ, chiến sỹ được tuyên dương anh hùng LLVT ND, 1775 bà mẹ được phong tặng danh hiệu: “Mẹ Việt nam anh hùng”.
Lãnh đạo Quân khu 4, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tặng hoa chúc mừng đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới – Chỉ huy trưởng BCHQS Hà Tĩnh nhận nhiệm vụ mới và Đại tá Trần Văn Sơn được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng BCHQS Hà Tĩnh
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Văn Sơn – UVBTV Tỉnh Ủy, Chỉ Huy Trưởng BCHQS Hà Tĩnh cho biết: “Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới của Đảng, các LLVT Hà Tĩnh cùng với nhân dân địa phương tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng phát triển kinh tế, cũng cố quốc phòng, an ninh. Trong nhiều năm liền được bộ quốc phòng và quân khu 4 đánh giá là đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trải qua chặng đường 70 năm liên tục chiến đấu, xây dựng, trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân các địa phương và bè bạn quốc tế, LLVT Hà Tĩnh đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang “ Trung hiếu, Đoàn kết, Dũng cảm, Sáng tạo”. Bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của LLVT nhân dân Hà Tĩnh được hình thành và kết tinh từ trong chiến đấu, lao động, công tác, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và trong cuộc sống đời thường ở vùng đất “địa linh, nhân kiệt” với nhiều chiến công hiển hách trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Vì vậy truyền thống của LLVT Hà Tĩnh vừa mang đậm dấu ấn của LLVT cả nước, vừa có những nét độc đáo mang bản sắc riêng của mình. Tuyệt đối trung thành, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân”
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Quân khu 4 tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành Đảng bộ quân sự tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2015 – 2020
Cùng với sự đổi mới toàn diện của đất nước, LLVT Hà Tĩnh đã luôn giữ vững và phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều hoạt động thiết thực góp phần giữ vững ổn định chính trị ở địa phương, xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, đủ sức đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn phá hoại, xâm lược của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường cho sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh và khu vực…/
Xuân Lộc – Trọng Thắng