Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Huệ cho biết: “Đã trở thành thông lệ, mùa xuân là mùa lễ hội ở Lộc Hà với các lễ hội chùa Chân Tiên, chùa Kim Dung, ngày giỗ vua Mai Hắc Đế… Để tạo sự hấp dẫn cho bà con và du khách, việc tổ chức lễ hội ở Lộc Hà được chia theo khu vực và năm nay, điểm nhấn của văn hóa tâm linh được tổ chức tại chùa Chân Tiên (nằm trên núi Am Tiên – một trong 99 ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh được tôn xưng là Am Tiên đệ nhất danh lam, thuộc xã Thịnh Lộc) vào ngày 3/2 âm lịch. Ngoài phần lễ, trong chương trình hội năm nay, Lộc Hà cũng đã phục dựng trò chơi dân gian như đi cà kheo và biểu diễn dân ca ví, giặm”.
Đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia lễ hội chùa Chân Tiên. |
Sau những ngày đầu năm mới, Lộc Hà còn có lễ hội đền Tam Lang – lễ hội Xuân Điền ở làng Phan Xá (Ích Hậu) để tưởng nhớ thần Tam Lang đã có công giúp quân Đại Việt đánh đuổi giặc ngoại xâm. Lễ hội được tổ chức long trọng theo nghi thức địa phương. Sức hấp dẫn, độc đáo của lễ hội còn được thể hiện bằng những làn điệu hát chèo, tuồng, hát tụng thần, thi nấu cơm và cứ 3 năm một lần, làng tổ chức bơi thuyền rồng, rước thần trên kênh trước đền. Ngoài ra, các hội thi cờ người ở Thịnh Lộc hay hội làng Thanh Lương ở Phù Lưu đều mang đậm ý nghĩa văn hóa của người dân Lộc Hà, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân.
Tháng giêng cũng đã trở thành thời khắc chờ mong của người dân Mai Phụ. Những ngày đầu xuân mới, người dân địa phương lại hướng về ngôi đền nhỏ bên dòng Cửa Sót, thuộc làng Mai Lâm để tưởng nhớ đến ngày kỵ của vua Mai Hắc Đế – vị anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường… Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Huệ: “Đến nay, di tích Mai Hắc Đế đã được tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng khu nhà thờ tại thôn Mai Lâm với kinh phí 40 tỷ đồng, chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa. Và trong quy hoạch chung, việc xây dựng quảng trường Mai Hắc Đế ngay tại trung tâm huyện với địa thế lưng tựa vào núi Bằng Sơn, mặt hướng ra biển cũng sẽ là một trong những điểm nhấn của huyện”.
Sau lễ hội vua Mai, lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi cũng là một trong những điểm hẹn văn hóa tâm linh – nơi hội tụ khách thập phương trên mọi miền đất nước. Với những cư dân vùng biển, Chiêu trưng Đại vương còn được xem là vị sơn thần giữ gìn bình yên cho cuộc sống của ngư dân trong vùng, che chắn cho tàu thuyền trước phong ba bão tố. Bà Nguyễn Thị Ngọ (Mai Phụ) cho biết: “Chúng tôi tự hào về quê hương mình, một vùng đất hẹp nhưng có bề dày truyền thống văn hóa, đặc biệt là nhiều di tích lịch sử văn hóa tâm linh. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng sự phong phú về đời sống tinh thần sẽ là động lực cho chúng tôi cùng thế hệ cháu con vượt khó vươn lên”.
Hiện nay, Lộc Hà có 46 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, nhiều công trình văn hóa, di tích được đầu tư xây mới, nâng cấp như: chùa Thanh Lương (Phù Lưu), Kim Quang (Thạch Kim), Chân Tiên (Thịnh Lộc), Chi Gia Trang (Ích Hậu)…
Tự hào về mảnh đất với những giá trị văn hóa tâm linh được lưu giữ tự bao đời, người dân Lộc Hà hôm nay đang chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống vốn có. Đó cũng là một thế mạnh, tạo nền móng vững chắc để Lộc Hà phát triển.
Thúy Ngọc – Thăng Long