Tin Hà Tĩnh

Lỗ hổng trong “cấp phép” cải tạo đất ở Hà Tĩnh

Nếu tuân thủ nghiêm túc quy định cải tạo, tận thu đất san lấp phục vụ nông thôn mới (NTM) thì gần như các doanh nghiệp khi tham gia chia sẽ không thể thu lợi mà thậm chí thua lỗ. Do vậy, quyết định “đầu tư” để có được sự đồng ý của tỉnh về địa điểm, phương án thực hiện đều xác định rõ mục tiêu là chấp nhận mạo hiểm bằng cách hoạt động sai phạm.

Những năm gần đây, nhằm giải quyết nguồn nguyên liệu trong quá trình xây dựng hạ tầng nông thôn mới thì tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương, bằng việc “cấp phép” cải tạo, qua đó vận dụng tận thu đất được giao là vườn đồi của người dân dùng san lấp phục vụ công trình. Tuy vậy, do lạm dụng quá mức, quản lý lỏng lẻo đã gây ra nhiều hệ lụy khiến dư luận bức xúc, tạo khe hở khai thác nguồn tài nguyên thu lợi bất chính.

Cơ hội cho những chiêu trò

Ông Nguyễn Xuân Chương- Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, huyện Can Lộc cho biết: “Ngay thời điểm Công ty THNH Hân Thương làm hồ sơ thủ tục xin phép cơ quan chức năng cấp phép điểm cải tạo đất trên địa bàn thì chính quyền xã đã không đồng ý. Vậy nhưng, do có một sự tác động nên địa phương không còn sự lựa chọn nào khác.

Khai thác không tuân thủ cắt tầng đảm bảo an toàn phương án

Khai thác không tuân thủ cắt tầng đảm bảo an toàn phương án

Theo đó, sau khi nhận được cái gật đầu “miễn cưỡng” của chính quyền, doanh nghiệp đã nhanh chống hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép như: Tờ trình của các địa phương, phương án bảo vệ môi trường, phương án sử dụng đất,…theo đúng quy trình gửi UBND huyện Can Lộc. Ngày 13/9/2017, UBND huyện Can Lộc đã có văn bản số 1421/UBND-TNMT đề nghị các sở ngành tham mưu UBND tỉnh chấp thuận phương án cải tạo đất tại xã Phú Lộc để tận thu đất xây dựng hạ tầng NTM ở xã Song Lộc.

Trên cơ sở đề nghị của Sở TN&MT tại văn bản số 3189/STNMT-KS ngày 20/10/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 6833/UBND, ngày 31/10/2017 chấp thuận phương án cải tạo kết hợp tận thu đất san lấp tại khu vực Bãi Rộng, thôn Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc cho Công ty TNHH Hân Thương (có địa chỉ tại xã Song Lộc, huyện Can Lộc). Theo đó, diện tích cải tạo 1,1 ha; khối lượng cải tạo 34.900m3; thời gian thực hiện cải tạo 18 tháng; mục đích sau cải tạo trồng cây lâm nghiệp có hiệu quả.

Hoạt động không tuân thủ theo kế hoạch bảo vệ môi trường được Sở TN&MT phê duyệt

Hoạt động không tuân thủ theo kế hoạch bảo vệ môi trường được Sở TN&MT phê duyệt

Phản ánh của người dân trên địa bàn Hà Tĩnh trong suốt thời gian qua, không riêng gì Công ty TNHH Hân Thương mà hầu hết các doanh nghiệp khi xin cấp phép cải tạo chỉ làm vỏ bọc che mắt dư luận, “núp bóng” chủ trương trục lợi trái phép. Dẫn chứng cụ thể, với khối lượng gần 35.000 m3 mà công ty TNHH Hân Thương được phép tận thu phục vụ NTM chỉ trên địa bàn xã Song Lộc, giá bán ra ưu đãi thì đơn vị này thu cũng không đủ bù chi chứ chưa nói lời lãi; mục đích sau cải tạo là trồng cây lâm nghiệp nhưng thực tế đó không phải là nhu cầu thực sự mà lý do để hợp thức hóa hồ sơ thì ai cũng dễ dàng nhận ra.

Do đó, để có thể duy trì hoạt động khai thác tận thu thì các doanh nghiệp khi “đầu tư” để được cấp phép gần như xác định rõ mục tiêu là chấp nhận mạo hiểm bằng việc hoạt động sai phạm, khai báo không trung thực để trốn nghĩa vụ. Cụ thể: Bán đất ra khỏi địa chỉ cho phép để thu với giá cao; đánh giá trữ lượng và nhu cầu sử dụng không đúng với thực tể để tận dụng số lượng chênh lệch; khai thác vượt ra ngoài mốc giới cho phép…

Thực hiện bốc xếp hàng hóa quá khổ, không đúng tải trọng cho phép

Thực hiện bốc xếp hàng hóa quá khổ, không đúng tải trọng cho phép

Bằng chiêu thức trên, Công ty TNHH Hân Thương trong quá trình hoạt động đã bị phát hiện nhiều sai phạm gây bức xúc dư luận, không chấp hành chủ trương của giấy phép và liên tiếp bị cơ quan chức năng lập biên bản nhắc nhỏ, xử phạt hành chính, tạm đình chỉ khai thác. Mặc dù vậy, đơn vị này hiện vẫn đang tiếp tục hoạt động khai thác đất trái phép, như thách thức cơ quan thực thi pháp luật.

Khuấy đảo cơ quan quản lý?

Với thời gian thực hiện cải tạo 18 tháng tại khu vực Bãi Rộng, thôn Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc kể từ khi UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản số 6833/UBND, ngày 31/10/2017 chấp thuận phương án cải tạo kết hợp tận thu đất san lấp. Vậy nhưng, trước đó Công ty TNHH Hân Thương đã khiến dư luận bức xúc khi đưa phương tiện ồ ạt vào khai thác bán đất mà chưa hoàn thiện các thủ tục được cơ quan chức năng cho phép.

Việc thực hiện cải tạo đất để trồng cây lâm nghiệp nhưng thực chất để khai thác đất trục lợi

Việc thực hiện cải tạo đất để trồng cây lâm nghiệp nhưng thực chất để khai thác đất trục lợi

Phản ánh từ chính quyền xã Phú Lộc, chỉ tính từ khi được cấp phép đi vào hoạt động đơn vị khai thác mỏ đã không chấp hành đúng với các quy định đã cam kết, tự ý khai thác đất bán ra ngoài, khai thác không đúng quy trình, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Mặt khác, phương tiện vận tải ra vào không đăng ký, xe chở đất trọng tải lớn, chở quá khổ, không phủ bạt khiến các tuyến đường 70, đường liên xã bị ô nhiễm, xuống cấp.

“Mặc dù nhiều lần chính quyền địa phương nhắc nhở, buộc phải cho lực lượng công an địa phương đến ngay tại mỏ để yêu cầu đơn vị dừng khai thác nhưng ngay sau đó lại bị người nhà của đơn vị này dùng các mối quan hệ để can thiệp, xin xỏ. Thậm chí ngay cả lực lượng công an huyện cũng bị ông Hân (giám đốc công ty TNHH Hân Thương) thách thức khi đơn vị này lên kiểm tra”, ông Nguyễn Xuân Chương- Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, huyện Can Lộc nói.

Vận chuyen đất ra ngoài địa bàn cho phép để bán trục lợi

Vận chuyen đất ra ngoài địa bàn cho phép để bán trục lợi

Theo chủ trương chấp thuận do ông Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký, đồng ý cho Công ty TNHH Hân Thương thực hiện việc tận thu đất ở địa điểm nói trên, trong đó có nội dung yêu cầu đơn vị này phối hợp với xã Phú Lộc cắm mốc ranh giới khu vực cải tạo và tổ chức cải tạo đúng phạm vi, ranh giới, diện tích cho phép; thực hiện việc cải tạo, thu hồi đất san lấp phục vụ các công trình nông thôn mới theo đúng phương án đã được phê duyệt, tuyệt đối không lợi dụng để khai thác và bán khoáng sản trái phép. Trường hợp, đơn vị này không thực hiện đúng nội dung của văn bản thì các đơn vị thì Sở TN&MT, UBND huyện Can Lộc, UBND xã Phú Lộc có trách nhiệm đình chỉ hoạt động của đơn vị, yêu cầu hoàn trả mặt bằng, xử lý theo thẩm quyền.

Đề cập những sai phạm của công ty TNHH Hân Thương, ông Trần Đình Việt - Trưởng Phòng TN&MT huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) lắc đầu ngao ngán: “Đơn vị này hoạt động ngang ngược, chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, lập biên bản xử lý, chấn chỉnh hoạt động sai phạm nhưng vẫn bất tuân. Thậm chí tạm đình chỉ hoạt động khai thác nhưng ông Hân (giám đốc) vẫn đưa phương tiện vào khai thác vượt mốc giới, sử dụng đất sai mục đích…”.

Văn bản của UBND huyện Can Lộc chỉ rõ nhiều sai phạm của Công ty TNHH Hân Thương trong quá trình hoạt động

Văn bản của UBND huyện Can Lộc chỉ rõ nhiều sai phạm của Công ty TNHH Hân Thương trong quá trình hoạt động

Được biết, UBND huyện Can Lộc đã từng ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hân Thương với hành vi khai thác khoáng sản không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Mới đây nhất, ngày 15/10/2018, lực lượng liên ngành huyện Can Lộc tiếp tục lập biên bản đình chỉ hoạt động của đơn vị này, ở thời điểm kiểm tra phát hiện công ty TNHH Hân Thương tổ chức khai thác ngoài phạm vi, sử dụng đất vận chuyển đi nơi khác 332m3 đất nhưng hiện vẫn tiếp tục khai thác.

Tác giả: Đức Cảnh- Sỹ Thông

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP