Trong ngày 24/6, các CLB hát dân ca ví, dặm của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tham gia biểu diễn tại Nhà văn hóa lao động tỉnh Nghệ An. Từ sáng sớm đã có rất nhiều khán giả tới xem Liên hoan từ các cụ ở tuổi “xưa nay hiếm” đến các em học sinh, tất cả đều có chung một niềm say mê với những câu hát dân ca ví, dặm.
Tại sân khấu này, mọi người đã thấy sự hồi sinh mãnh mẽ của các loại hình dân ca ví, dặm của xứ Nghệ trong trái tim nhân dân và trong sinh hoạt thường nhật…Trên ánh đèn sân khấu, những người nông dân chân chất, những diễn viên không chuyên đã mang đến cho khán giả nhiều tiết mục đặc sắc được dàn dựng công phu với các hoạt cảnh, hoạt ca, các điệu ví, dặm cổ phản ánh sự đa dạng của các thể loại dân ca trên mảnh đất Nghệ Tĩnh.
Bà Lê Thị Liên ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc) năm nay đã 84 tuổi nhưng khi nghe tin tổ chức liên hoan dân ca xứ Nghệ là bà đòi con đưa đi xem bằng được. Những đêm ví phường vải từ thuở mười tám, đôi mươi lại hiện về trong ký ức của bà. “Hôm nay, đến xem các CLB dân ca biểu diễn tôi cảm động lắm, bởi không chỉ có lớp người như chúng tôi yêu thích dân ca mà có rất nhiều bạn trẻ, kể cả các cháu bé hát dân ca rất hay”, bà Liên tâm sự.
Còn chị Lê Thị Hương Thúy, thành viên CLB Dân ca xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) phấn khởi cho biết: “Dù đang bận với công việc mùa màng nhưng tất cả các thành viên đều dành thời gian chuẩn bị tốt nhất để mong góp một chút công sức nhỏ bé cho thành công của liên hoan”.
Theo đánh giá từ Ban giám khảo, qua một ngày biểu diễn, nhìn chung các tiết mục tham gia liên hoan đều thể hiện sự đầu tư kỹ càng về trang phục cũng như giọng hát, phản ánh tinh thần tập luyện nghiêm túc của các CLB. Đặc biệt, nhiều CLB đã đầu tư, sáng tác những tiết mục lời mới, thể hiện phong phú các thể loại đối đáp, hò, vè, tạo được dấu ấn đối với người xem.
NSND Hồng Lựu – Phó GĐ Trung tâm Bảo tồn & Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết: “Ví, dặm là hai thể hát dân gian đặc sắc trong kho tàng dân ca xứ Nghệ. Nếu như mỗi vùng miền đều có giọng nói, tiếng hát của riêng mình thì Ví dặm Nghệ – Tĩnh cũng vì thế mà trở thành tiếng hát tâm tình bao đời nay của người dân lao động nơi đây. Khi đi cày, khi cắt cỏ, chăn trâu, đi lấy củi trên non, chèo thuyền trên sông hay cả khi ghen tuông dỗi hờn, người ta cũng thường dùng câu hát để thay lời muốn nói. Gần như vùng nào ở Nghệ Tĩnh cũng có hát Ví, làng nào cũng có người hát hay, ứng tác giỏi”.
Cũng theo NSND Hồng Lựu thì trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn & Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã có nhiều hoạt động nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca như tổ chức các buổi hội thảo khoa học về Dân ca, phối hợp với sở GD-ĐT Nghệ An đưa dạy học Dân ca vào các trường học… “Liên hoan Dân ca ví, dặm lần này là bước chuẩn bị để Lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là văn hoá phi vật thể của nhân loại. Nhưng trước khi có thể trở thành Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại thì Ví, dặm là tiếng hát tâm tình của người Nghệ Tĩnh”, NSND Hồng Lựu nói.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, Phó GĐ Sở VH-TT& DL Nghệ An cho rằng: “Ở Nghệ Tĩnh, từ xa xưa dân ca đã trở thành món ăn tinh thần, là dòng sữa ngọt góp phần hình thành và nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn bao thế hệ người dân xứ Nghệ. Ẩn chứa sau những ca từ rất bình dị lại thể hiện được cái nồng nàn, ấm áp, sâu lắng, phản ánh sinh động đời sống lao động sản xuất cực nhọc nhưng đầy lạc quan của người dân. Liên hoan sẽ là động lực thúc đẩy phong trào dân ca ở cơ sở qua đó nhằm khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân ca ví, dặm xứ Nghệ”.
Buổi tối cùng ngày, các CLB tham dự Liên hoan Dân ca ví, dặm Xứ Nghệ đã có đêm giao lưu dân ca phục vụ công chúng tại Quảng trường Bình Minh (Thị xã Cửa Lò), sân vận động xã Kim Liên (huyện Nam Đàn), xã Nghi Liên (TP Vinh) và tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Một số hình ảnh ghi lại tại Liên hoan Dân ca ví, dặm xứ Nghệ lần thứ nhất (năm 2012):
Nguyễn Duy – Doãn Hòa
Dân Trí