Ánh trăng như cũng roi rõ và nhuốm thêm màu huyền bí cho những câu chuyện huyền thoại về vị Loan nương Thánh Mẫu…
Sử sách chép lại, bà Nguyễn Thị Bích Châu sinh ra ở xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là con gái đại thần Nguyễn Tướng Công – một ông quan rất mực thanh liêm. Vì 40 tuổi mới sinh con nên gia đình Nguyễn Tướng Công rất vui mừng, coi như bắt được ngọc, ngày đêm nâng niu đặt tên là Bích Châu. Từ nhỏ bà đã được cha mẹ chăm sóc dạy dỗ chu đáo về văn chương đạo lý cung kiếm võ thuật toàn tài, nàng Bích Châu còn sớm nổi tiếng là người thông tuệ vừa giỏi văn chương thi phú lại tỏ tường âm nhạc. Càng lớn, nhan sắc nàng Bích Châu càng diễm lệ. Đến năm Long Khánh thứ nhất (1373), bà được vua Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi. Bấy giờ chế độ phong kiến cuối thời Trần suy vong, chính sự đổ nát, nhân tài không được trọng dụng, trước tình hình đó, cung phi Nguyễn Thị Bích Châu bèn thảo bản sớ “Kê minh thập sách” dâng lên vua nhằm chỉnh đốn chính sự. Sớ được dâng lên, vua mừng rỡ nói: Không ngờ một người đàn bà thông tuệ đến thế! Thật là một bậc Từ Phi (vợ vua Đường Thái Tông ở Trung Quốc thế kỷ VII). Sau lại phong tặng là ái phi, thường gọi ái phi Bích Lưu hay ái phi Bích Châu. Bà nổi tiếng là người tài sắc vẹn toàn, giúp vua nhiều kế sách trong việc trị nước an dân.
Lễ rước hương án và kiệu từ ngoài cửa biển vào ban thờ tế giỗThánh Mẫu
Về cái chết anh dũng của bà Bích Châu có nhiều chuyện truyền lại. Câu chuyện nào cũng nhuốm màu huyền thoại về một trang liệt nữ thông tuệ, oai phong. Năm 1377, nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành. Bích Châu làm tờ biểu can ngăn nhưng vua không nghe nên nàng xin đi theo hộ giá. Khi quân nhà Trần đến cửa biển Thị Nại (Bình Định) đóng quân thì được vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem ngà ngọc, vàng bạc tới trực tiếp cho quan quân ta để trá hàng, sau đó lại lập mưu tiến đánh vào lúc nửa đêm. Quân của Trần Duệ Tông bị tấn công bất ngờ, long thể nhà vua bất an. Bích Châu cưỡi ngựa tả xung hữu đột cầm quân xung trận bị trúng tên độc. Khi hồi quân về hội điểm an toàn vào rạng sáng ngày 11/2, bà ngã xuống bất tỉnh, đến nửa đêm cùng ngày bà từ trần. Ba ngày sau vì bệnh tình quá nặng, nhà vua cũng băng hà. Quân ta rút về kinh đô. Khi tới địa điểm đầu Châu Hoan (Hà Tĩnh ngày nay) vì sóng to, gió lớn, tàu thuyền phải ghé vào vũng Ô Tôn (nay là Vũng Áng thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh). Quan quân làm lán trại ở chân núi bên bờ biển rước linh cữu lên tế lễ. Sau đó linh cữu nhà vua được rước về bằng đường bộ còn linh cữu của quý phi được chở về bằng đường biển. Tàu thuyền tiến được 50 dặm trên biển thì bị gió Đông Bắc tràn xuống phải ấn náu tại cửa biển Kỳ Hoa. Sau mấy ngày thời tiết vẫn không thuận Triều đình xuống chiếu cho an táng quý phi Bích Châu tại cửa khẩu bến Kỳ La, huyện Kỳ Hoa (nay là Kỳ Ninh – Kỳ Anh).
Các vị chủ tế, bồi tế và các nghi trượng chuẩn bị vào hành lễ tế giỗ Thánh Mẫu
Cũng có chuyện truyền lại đậm màu huyền thoại rằng khi đoàn thuyền chiến của quân Trần vừa đến cửa bể Kỳ Hoa thì trời bỗng nổi cơn phong ba bão táp. Đoàn thuyền đành tạm neo ngay lại đấy. Đêm ấy, vua Duệ Tông mộng thấy một vị thần xưng là Nam Minh đô đốc, thủ hạ của Quảng Lợi đại vương, muốn xin vua ban cho một người thiếp, nếu được như ý nguyện, mới làm cho bể yên, sóng lặng để thuyền vua đi qua. Vua sợ hãi, vội cho đòi các quan tướng và phi tần đến chỗ ngự tẩm, kể lại giấc mơ. Trong khi các quan tướng chưa biết ứng đối thế nào, thì Bích Châu từ sau trướng bước ra, nói: “Việc linh ứng của thần nhân như vậy là rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tiện thiếp tình nguyện liều tấm thân bèo bọt này để chu toàn cho đoàn ngự giá và quan quân”. Vua Duệ Tông bàng hoàng chưa kịp phán bảo cản ngăn thì nàng Bích Châu đã nhanh nhẹn quay ra thuyền lệnh: “… Các quan mau mau sửa soạn lễ vật cúng thần biển, kính báo thời khắc thiếp tôi được nhà vua cử làm sứ giả đi gặp thần biển xin sóng lặng bể yên phù trợ cho vua quan, quân lính nhà Trần được chiến thắng dịp này, đem bình an về cho đất nước”. Không làm sao hơn, tất cả đều nén lòng nghe theo ý chí cương quyết của cung phi Bích Châu. Chiếc thuyền rồng chao đảo ngả nghiêng. Nàng Bích Châu thản nhiên để thị nữ xông trầm, trang điểm cho mình. Thoáng chốc, nàng đã trâm thoa, xiêm gấm, hài thêu lộng lẫy bước ra…Trước mắt mọi người lúc này, vẻ đẹp của nàng Bích Châu đang tỏa ánh hào quang như một thiên thần. Đó là một vị ái phi mới 20 tuổi của nhà vua, giai nhân tuyệt sắc ấy đang đứng ở vị thế là một nữ dũng tướng của quan quân triều Trần Duệ Tông. Vua Duệ Tông trịnh trọng đội mũ triều thiên để kính cẩn đưa tiễn nàng ái phi dũng cảm ra đi. Nhà vua nén thương đau phong tặng nàng là Thần phi. Hai ngày sau bão mới ngớt, xác phu nhân Bích Châu nổi trên mặt biển, vẫn uy nghi trong bộ triều phục, nhấp nhô theo làn sóng bạc trôi dần vào bờ, bà được dân làng vớt lên rước đi an táng tại làng Kỳ Hoa. Cũng là lúc mà đoàn thuyền chiến của vua Trần Duệ Tông đã lướt tiến khá xa, chở đầy những bầu máu nóng sẵn sàng lao vào trận tiền với quyết tâm diệt giặc giữ yên bờ cõi, đền bù tâm nguyện của phu nhân Bích Châu trước giờ tử biệt.
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông lại thân chinh ngự giá đi đánh Chiêm thành. Khi đến đây đồn trú thấy đền thờ bèn hỏi các bô lão địa phương được các cụ cho xem bản thần tích của đền. Nhà vua biết công trạng của Bích Châu liền cho bày đồ tế lễ và đề lên bài vị 4 chữ “Nữ Trung Hào Kiệt” đồng thời xin Ngài phù trợ “Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công” . Khi thắng trận trở về, nhà vua cho quân dừng lại nơi đây và sai người chặt gỗ, gọt đá xây dựng 3 toà điện thờ và sắc phong cho bà là “Chế Thắng Phu Nhân”. Đền Bích Châu được xây dựng trên bãi đất pha cát biển rộng khoảng 4.500m2, quay về hướng Đông Nam, phía trước đền từ trái sang phải là núi Ô Tôn có đền Eo Bạch được xây dựng cuối đời Trần còn gọi là cửa cá nổi tiếng nhiều hải sản quý.
Đội hành lễ rước hương án và đồ tế lễ của nhân dân vào điện chính
Trải qua 634 năm được người dân và chính quyền địa phương gìn giữ, tu bổ, ngôi đền ngày càng nổi tiếng với sự linh thiêng nên hàng năm có rất nhiều khách thập phương trong cả nước đến thăm viếng, cầu may. Ông Lê Bá Khang, Trưởng ban quản lý Khu di tích cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ ngay phút giao thừa, du khách đã đến đền thắp hương cầu phúc rất đông. Năm 2010, đền đón hơn 20 vạn lượt khách, còn những ngày đầu xuân 2011 này mỗi ngày ước tính hơn 5.000 người vào thăm viếng”.
Hàng năm cứ ngày 11, 12 tháng 2 âm lịch, giữa tiết trời ấm áp nhân dân xã Kỳ Ninh và du khách thập phương lại cùng hẹn nhau về thôn Tam Hải tế lễ giỗ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu với lòng tôn kính trang liệt nữ. Lòng thành và tâm linh của những người đi lễ đã làm cho huyền tích về vị Loan Nương Thánh Mẫu (như dân gian tôn thờ) ngày càng sáng đẹp trong lòng dân chúng và ngày giỗ Thánh Mẫu đã trở thành một lễ hội linh thiêng của bà con vùng biển cửa.
Khi mâm cỗ đã bày biện xong xuôi, trong không khí ấm áp, giữa biển biếc, trời xanh, một đội thuyền chèo từ ngoài biển cập bờ, cũng đúng lúc ấy, đội hành lễ bắt đầu lễ rước hương án và kiệu vào phía bàn thờ. Phía trên bàn thờ là 634 chiếc bánh chưng và các lễ vật được dân làng bày biện rất đẹp. Lễ được tổ chức thiêng liêng và trang trọng theo đúng các nghi thức thời xưa, có vị chủ tế, bồi tế, đủ các nghi trượng và phường hiếu nhạc. Bước vào phần hành lễ, không khí bỗng trở nên trang nghiêm, những tiếng nói cười xôn xao không còn, ngay cả từng hơi thở người ta cũng cố cho thật khẽ khàng. Bài văn tế do vị bồi tế trịnh trọng đọc trước bàn thờ Thánh đã làm xúc động lòng người dự lễ vì tiết nghĩa của trang liệt nữ. Xong phần tế lễ và dâng hương ở trước cửa đền là phần rước hương án và vật lế lễ vào điện chính. Dường như đến đây lòng ai cũng trở nên hiền hoà nên dù rất đông nhưng không có cảnh chen lấn, xô đẩy nhau, họ cứ lần lượt, lần lượt đến điện thờ dâng hương lên Thánh Mẫu. Lễ hội đông như thế mà ban quản lý đã sắp đặt chu đáo việc nào việc nấy rất rõ ràng, làm cho không khí lễ hội thêm phần linh thiêng và trang trọng. Khi phần tế lễ xong, du khách có thể tham gia phần hội vui vẻ của dân làng với hội đua thuyền và kéo co và giao lưu văn nghệ giữa các làng với nhau.
Trải qua non 7 thế kỷ, tấm gương hy sinh oanh liệt của Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu năm nào cũng vang lên giữa sóng nước Kỳ Anh nhưng chẳng năm nào người ta lại không chăm chú lắng nghe như thể mới lần đầu được nghe. Và những chuyện kể về bà ngày càng trở nên đẹp đẽ, huyền bí và linh thiêng. Ngày giỗ của bà hàng năm đã trở thành lễ hội của bà con vùng biển cửa, khách thập phương cũng chờ đợi ngày này để nô nức đưa nhau về dự lễ. Hẳn điều đó đã làm ấm lòng Loan Nương Thánh Mẫu và chúng tôi tin rằng ở cõi vô thường xa xăm mà gần gũi ấy bà Bích Châu sẽ luôn phù hộ cho con cháu cuộc sống an bình, ấm no, hạnh phúc.
Anh Hoài
Báo Hà Tĩnh