Kinh tế

Lấy lí do xe quá tải "hoành hành", nhà thầu bỏ bê thi công

Đơn vị trúng thầu thi công gói thầu thuộc dự án đô thị xanh tại Huế là Công ty CP xây dựng 68 Hà Tĩnh đã không thực hiện thi công, không bố trí người ở trên công trường kể từ sau Tết Nguyên đán 2023 nên bị ban quản lý dự án yêu cầu chấm dứt hợp đồng.

Ngày 6-4, ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - dự án thành phần Thừa Thiên - Huế (Ban QLDA), cho biết đã có công văn đề nghị chấm dứt hợp đồng đối với Công ty CP xây dựng 68 Hà Tĩnh - nhà thầu liên danh thi công gói thầu số 27 gồm đường Bùi Thị Xuân và đường Huyền Trân Công Chúa ở TP Huế. Nguyên nhân là do công ty này vi phạm hợp đồng, không tổ chức thi công từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay.

Vị trí thi công của Công ty CP xây dựng 68 Hà Tĩnh ngổn ngang, bỏ bê từ lâu.


Gói thầu này có giá trị hợp đồng hơn 89 tỉ đồng, khởi công từ ngày 21-9-2020, dự kiến hoàn thành ngày 21-8-2023 do liên danh Công ty CP Thành Đạt - Công ty CP xây dựng 68 Hà Tĩnh thực hiện.

Theo ông Bắc thì doanh nghiệp này chỉ thi công đoạn đường dài khoảng 1,9 km từ cầu Gò Bối đến QL49 với giá trị hợp đồng 8 tỉ đồng, hiện đã được nghiệm thu khối lượng theo giai đoạn gần 1 tỉ đồng. "Công ty này lấy lý do xe quá tải chở cát lưu thông nên gây hư hỏng các hạng mục đã thi công. Họ đề nghị ban ngăn lại nhưng chúng tôi đâu có bằng chứng chứng minh xe quá tải để xử lý. Trong hồ sơ mời thầu vẫn cho phép các phương tiện lưu thông" – ông Bắc lý giải thêm.

Mặt đường lồi lõm.


Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Phúc và Hà Giang là 3 địa phương thực hiện Chương trình phát triển các đô thị loại II từ khoản vay 223,87 triệu USD của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tại Thừa Thiên – Huế đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 10 gói thầu, trong đó 2 gói thầu đã đưa vào sử dụng, 8 gói thầu đang triển khai thi công.

Vị trí gói thầu số 27 qua xã Thủy Bằng, TP Huế do Công ty CP xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công bỏ bê từ lâu nay. Lãnh đạo xã Thủy Bằng cho biết để thực hiện dự án, chính quyền địa phương cùng người dân đã rất hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ năm 2018 nhưng nay việc thi công dang dở, đường đất nên cuộc sống ảnh hưởng vì bụi, ô nhiễm.


Tuy nhiên, hàng loạt gói thầu xây lắp tại địa phương này đang chậm tiến độ rất sâu. Cụ thể, gói thầu số 23 nạo vét và kè sông An Hòa; chỉnh trang và xây dựng kè dọc 2 bờ sông An Cựu; kè sông Như Ý do Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 568 tiến độ thi công chậm 260 ngày.

Đường Lê Thánh Tôn được nhà thầu thi công là Công ty CP xây dựng và thương mại 299 hứa thảm nhựa mặt đường từ lần này sang lần khác nhưng nay vẫn chưa thực hiện.


Đặc biệt, gói thầu số 24 thi công hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành; nạo vét và kè hồ kinh thành; chỉnh trang và xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba do Công ty CP xây dựng và thương mại 299 trúng thầu thực hiện với giá trị hợp đồng 224,21 tỉ đồng, chậm tiến độ đúng 1 năm.

Theo ông Bắc, ngoài những nguyên nhân như công tác giải phóng mặt bằng, các thay đổi điểu chỉnh thiết kế để chỉnh trang đô thị, bảo vệ di tích, công trình ngầm, cấp quang, cây xanh thì năng lực thi công hạn chế của nhà thầu. Ban chỉ huy công trường thiếu cán bộ kỹ thuật có đủ năng lực chuyên trách để thực hiện công tác chỉ đạo thi công. Các thiết bị thi công như máy lu, máy đào, ôtô tưới nước thiếu trầm trọng. Dây chuyền thảm bê tông nhựa phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu phụ gây ra sự chậm trễ tiến độ hoàn trả mặt đường. Công tác đảm bảo an toàn giao thông có nhiều vị phạm xảy ra do thiếu cán bộ an toàn chuyên trách.

Giao thông khó khăn do công trình đường Lê Thánh Tôn bị đơn vị thi công hứa lèo chuyện thảm mặt đường.


Đây là gói thầu mà Báo Người Lao Động nhiều lần phản ánh về việc Công ty CP xây dựng và thương mại 299 thi công "bầy hầy" khiến người dân khổ theo. Trong đó các tuyến đường như Lê Thánh Tôn, Đặng Dung, Đinh Công Tráng... thi công kéo dài gây bụi, lầy lội. "Tuyến Lê Thánh Tôn họ có kế hoạch thi công sai lầm vì kì vọng làm nhanh. Họ đã bố trí nhiều mũi thi công nên lợi bất cập hại, không cuốn chiếu được vì phải chờ nhau và đến nay chưa thể thảm nhựa. Chúng tôi không cho làm như vậy nữa mà yêu cầu làm từng đoạn một để giảm ảnh hưởng người dân và tập trung lòng đường trước" - ông Bắc nói thêm.

Tác giả: QUANG NHẬT

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP