Lao Động - Việc Làm

Lao động “chui” ở Angola: Sống chết mặc… người lao động

Chỉ trong thời gian rất ngắn đã có đến 6 người quê Nghệ An, Hà Tĩnh bị thiệt mạng ở Angola. Người chết do sốt rét, người chết không rõ nguyên nhân và có cả người chết do bị sát hại…


Và những người trở về đã rùng mình kể lại những câu chuyện hãi hùng. Thế nhưng, người ở nhà vẫn cứ nghe những lời đường mật của “cò” để tiếp tục sang Angola, chịu kiếp chui lủi, có khi đổi cả mạng sống.Tiền “cò” bỏ túiSáng 16.4, chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Công Nguyên (30 tuổi), ở khối Tân Diện, P.Nghi Hòa, TX. Cửa Lò (Nghệ An) – người vừa bị tử nạn ở Angola do bị sốt rét ác tính. Chị Hoàng Thị Hiền (28 tuổi) – vợ anh Nguyên – nghẹn ngào: “Đúng 20 ngày sau khi anh đi Angola thì con gái đầu lòng chào đời. Cha con chưa biết mặt nhau, thì anh ấy ra đi”. Chị cũng cho biết về quá trình “chạy” đi xuất khẩu lao động: Trong phường có anh Nguyễn Minh Thìn đi lao động ở Angola, nghe đâu làm chủ thầu ở bên đó. Anh Thìn tuyển người sang bên đó làm việc thông qua anh rể là ông Cao Văn Thân. Tháng 3.2012, vợ chồng chị Hiền đến nhà ông Thân đặt cọc 2.000USD để anh Nguyên được đi Angola. Ngày 5.5.2012, ông Thân bảo nộp thêm 4.000USD nữa để bay. Ông Thân hứa, sang đó làm thợ hồ cho Cty của anh Thìn, lương 900USD/tháng. Tất cả chỉ nói với nhau bằng miệng, không giấy tờ, hóa đơn gì cả. Ngày 7.7.2012 thì anh Nguyên lên máy bay đi Angola. Tuy nhiên, sang đến Angola, anh Nguyên chỉ được trả 500USD/tháng. Do vậy mà giữa anh Nguyên và anh Thìn xảy ra bất đồng, anh Nguyên bỏ đi tìm việc khác.Hai thanh niên tên T vừa bị trục xuất hồi đầu tháng 1.2013 cũng đến cung cấp thông tin. Hai người này được ông Mai Văn Lan, cùng trú tại P.Nghi Hòa (bố vợ của anh Thìn) nhận tiền để làm thủ tục đi Angola làm việc. Số tiền mà ông Lan thu của mỗi người là 6.500USD. Ông này cam kết: Sang đó con ông sẽ lo việc làm, visa có giá trị một năm, nếu bị bắt thì con ông sẽ chịu trách nhiệm. Và khi lên máy bay, những người này còn phải mang cho ông Lan 20kg hàng, bao gồm đĩa CD, VCD… để con ông bán kiếm lời. Đến nơi, con gái ông là Mai Thị Minh ra đón tại sân bay rồi định giới thiệu họ cho một Cty Trung Quốc. Tất cả 8 người đi cùng chuyến không chịu rồi tự tìm kiếm việc làm. Đến tháng thứ 8 thì bị cảnh sát Angola bắt, phạt tiền, trục xuất về nước. Bấp bênh mạng sốngChị Hiền kể: Anh Nguyên bị sốt rét và tử vong tại một bệnh viện ở thủ đô Luanda. Nhận được hung tin, gia đình tìm gặp anh Thìn (thời gian này anh Thìn về quê) để nhờ giúp đỡ đưa thi hài anh về, nhưng anh này đã từ chối: Tôi không giúp gì cả. Gia đình muốn làm gì thì làm. Sau lời thách thức của anh Thìn, chị Hiền đã có đơn trình báo đến cơ quan công an TX. Cửa Lò, đề nghị làm rõ hành vi lừa đảo của anh Thìn, ông Thân. Tùng (bạn anh Nguyên) – người bị trục xuất về nước hồi tháng giêng – cho biết: Anh bị bắt mà chủ thầu không một lời thăm hỏi. Tiền phạt, tiền “chạy” cảnh sát đều phải nhờ gia đình gửi sang, tất cả hết 3.400USD mới về được Việt Nam. Có khi, anh em làm việc được 3-4 tháng, chưa được lĩnh lương thì chủ thầu đi báo với cảnh sát để bắt. Nó làm như vậy thì nó quỵt được tiền lương của anh em. Đó là chưa kể nạn cướp bóc diễn ra như cơm bữa. Anh Nguyễn Bá – một LĐ đang ở Angola – cho phóng viên Lao Động biết, do nạn thất nghiệp gia tăng nên tình trạng trấn, cướp xảy ra liên miên. Người Việt Nam đi “chui”, không hợp đồng, không bảo hiểm nên không ai chịu trách nhiệm về họ cả. Đi “chui” nên không được khám sức khỏe, do vậy mà nhiều người không chịu đựng được khí hậu bên này. Trong lúc, năm nay ở Angola thời tiết rất bất thường, mưa nhiều, muỗi vàng phát triển, bệnh sốt rét gia tăng. Cũng do nạn đi “chui” nên người lao động phải chịu rất nhiều rủi ro, và bất kỳ rủi ro nào thì họ cũng tự gánh chịu. Tóm lại là mạng sống của người lao động “chui” ở Angola là rất bấp bênh. “Đã có hơn 10 người Việt Nam bị thiệt mạng, kể cả ốm đau và bị giết hại” – anh Bá cho biết.

“Cò” nói đi hợp pháp, giám đốc sở bảo đi “chui”. Chiều 16.4, trong vai một lao động cần đi Angola, tôi đã liên hệ được với ông Mai Văn Lan. Ông Lan nói: Giá đi Angola bây giờ là 5.600USD, đi hợp pháp, visa của ta, không phải của Trung Quốc như trước nữa. Đảm bảo yên tâm, không bị cảnh sát bắt đâu. Trong lúc đó, ông Bùi Nguyên Lân – Giám đốc Sở LĐTBXH – khẳng định: Chưa một đơn vị nào được cấp phép đưa người sang Angola làm việc cả, hoàn toàn là đi bất hợp pháp. Sở có khuyến cáo đến người dân đừng tin vào lời dụ dỗ của “cò” mà tiền mất, tật mang.

Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP