Tin Hà Tĩnh

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường khẳng định nước kênh đổi màu, cá chết là do nước thải từ bãi rác Hồng Lộc

“Không phải là nghi vấn nữa mà nước kênh đổi màu khiến cá chết là do nước thải từ bãi rác Hồng Lộc ra. Chúng tôi đã lấy mẫu phân tích ở hai điểm, một là chất lượng nước thải từ bãi rác chảy ra ngoài, hai là nước trên kênh Truông Mối tại cầu Làng Sắt. Sau khi phân tích thì một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép nhưng chủ yếu là chất hữu cơ, còn hàm lượng các loại kim loại nặng thì rất nhỏ so với quy chuẩn cho phép”.

Đã có kết quả phân tích nguồn nước

Trước đó, báo Người tiêu dùng đã đăng tải bài viết Nước kênh đen ngòm, cá chết hàng loạt, nghi do rò rỉ từ bãi xử lý rác ở huyện Lộc Hà? Sự việc mà nhiều hộ dân sinh sống gần dọc bờ kênh Truông Mối thuộc địa bàn huyện Can Lộc, Hà Tĩnh hết sức lo lắng trước tình trạng nguồn nước kênh bị ô nhiễm "bất thường", có màu đen lạ, bốc mùi hôi thối khiến cá chết hàng loạt nổi trên bề mặt nước.

Nước kênh Truông Mối đổi màu đen ngòm, khiến cá lớn, cá bé chết nổi trắng trên mặt nước dọc bờ kênh mà người dân thuộc hai xã Tùng Lộc, Phúc Lộc ( huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) phản ánh


Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Tĩnh cho biết, ngày 24/9/2018, Sở này đã yêu cầu huyện Lộc Hà khẩn trương khắc phục sự cố rò rỉ nước từ bãi rác.

Cụ thể, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh, phòng TN&MT các huyện Lộc Hà, Can Lộc kiểm tra hiện trường. Kết quả kiểm tra cho thấy có hiện tượng nước thải từ bãi rác xã Hồng Lộc chảy ra hồ bên ngoài dự án với lưu lượng khá lớn.

Qua kiểm tra, nước thải thoát ra hồ bên ngoài dự án có màu đỏ đậm, mùi hôi. Nguồn nước này chảy ra khe Cấy rồi chảy về kênh Truông Mối (xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc), sau đó thoát ra sông Nghèn đoạn qua xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc.

Sở TN&MT Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường lấy 01 mẫu nước thải tại cống thoát trước khi chảy vào hồ bên ngoài dự án và 01 mẫu nước mặt trên kênh Truông Mối tại cầu Làng Sắt (xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc) để phân tích, đánh giá.

Ông Đặng Hữu Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh


Trao đổi với PV, ông Đặng Hữu Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Không phải là nghi vấn nữa mà nước kênh đổi màu khiến cá chết là do nước thải từ bãi rác Hồng Lộc ra. Chúng tôi đã lấy mẫu phân tích ở hai điểm, một là chất lượng nước thải từ bãi rác chảy ra ngoài, hai là nước trên kênh Truông Mối tại cầu Làng Sắt. Sau khi phân tích thì một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép nhưng chủ yếu là chất hữu cơ, còn hàm lượng các loại kim loại nặng thì rất nhỏ so với quy chuẩn cho phép. Từ kết quả phân tích của nước bãi rác ra, nước ở kênh Truông Mối, từ màu sắc thì khẳng định rằng nước ở kênh Truông Mối là do nước từ bãi rác chảy ra”.

PV báo Người tiêu dùng đã đặt câu hỏi về thông tin bạn đọc phản ánh tại bãi xử lý rác tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà đã chôn lấp một số lượng cá lớn? Về vấn đề này ông Bình khẳng định “Tháng 12/2016 có chôn hơn 300 tấn cá tại đó, cụ thể là 304 tấn. Số cá ở các kho đông lạnh, để lâu tồn kho không tiêu thụ được thì buộc phải xử lý, chôn lấp. Cá tồn kho và không đảm bảo chất lượng nên phải xử lý. Hình thức xử lý là tiêu hủy và chôn lấp hợp vệ sinh theo hướng dẫn, quy định của Bộ Tài Nguyên Môi trường. Cụ thể ở bãi rác có 4 ô, lựa chọn 400m2 trong một ô đầu tiên ở vị trí cao ráo để thực hiện việc chôn lấp.

Bãi rác có 4 ô, việc lựa chọn 400m2 trong một ô đầu tiên ở vị trí cao ráo để thực hiện việc chôn lấp cá cuối năm 2016.

Dự án bãi rác được đặt tại vùng núi thuộc địa phận của xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, theo thông tin phản ánh thì nhiều người dân cũng thắc mắc vì sao cơ quan ban ngành không chọn chổ hạ nguồn mà lại chọn vị trí thượng nguồn để quy hoạch thì ông Bình nói: “Thượng nguồn hay không thượng nguồn thì ở đây quy hoạch bãi rác theo đầu tư xây dựng có hệ thống vải địa, bạt HDPE chống thấm, địa điểm này đảm bảo việc chôn lấp theo đúng quy định”.

Tiếp tục đưa vấn đề, người dân nghi vấn là nước rò rỉ từ bãi rác ở Hồng Lộc chảy ra ngoài khiến cá chết ở dọc bờ kênh Truông Mối có phần ảnh hưởng từ nước ở hố chôn lấp cá năm 2016, ông Bình bày tỏ : “Ảnh hưởng cá chết từ việc chôn lấp cá trước đó không thể quy buộc việc này mà ảnh hưởng của nước thải từ bãi rác, trong đó có nước thải của việc chôn lấp cá. Vì số lượng rác thải sinh hoạt nhiều, mưa xuống, nước rỉ, nước cá chôn ra cùng với đó gọi là nước từ bãi chôn lấp chảy ra ngoài gây cá chết”.

Bãi rác sẽ không dừng hoạt động nhưng phải xử lý rác thải chôn lấp đúng quy trình

Dự án bãi xử lý rác thải huyện Lộc Hà (huyện nằm ven cửa biển của tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng tại khu vực Khe Cấy (xã Hồng Lộc) với mức kinh phí 53 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Dự án được khởi công từ năm 2014 đến ngày 21/1/2015 công trình cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhưng thời gian gần đây, bạn đọc phản ánh tới báo Người tiêu dùng là nhiều hộ dân trước đó không đồng ý về việc xây dự án này.

Khu xử lý rác tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh - Dự án có tổng mức đầu tư là 53 tỷ đồng, do Công ty CP Xây dựng Liên Minh (trụ sở đóng tại TP Hà Tĩnh)

Bày tỏ về quan điểm trên, ông Đặng Hữu Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ : “Trước khi xây dựng bãi rác này thì chủ đầu tư đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có lấy ý kiến của đại diện chính quyền địa phương và mặt trận tổ quốc xã Hồng Lộc là đơn vị đại diện cho người dân, về việc đồng ý hay không đồng ý đặt bãi rác tại nơi này.

Hai đơn vị này đồng ý việc xây dựng bãi rác ở đó và từ đó đến nay không thấy người dân phản ánh gì. Bãi xử lý rác thải huyện Lộc Hà được xây dựng là nằm trong quy hoạch các khu xử lý rác của tỉnh. Bãi rác xây dựng xong đã giải quyết được vấn đề xử lý rác thải của 13 xã thuộc huyện Lộc Hà. Nếu dừng thì có hệ lụy là huyện Lộc Hà có rác thải sẽ đi về đâu? Một ngày trung bình một xã là 1 tấn rác, cả huyện là 14-17 tấn rác sẽ đi về đâu?.

Công trình đã đầu tư xây dựng mới hoạt động gần ¼ công suất các hố chôn lấp đó nếu dừng thì quá lãng phí, quan điểm của chúng tôi là không dừng nhưng phải xử lý rác thải chôn lấp đúng quy trình, xử lý chất thải phát sinh đảm bảo đúng quy định, đặc biệt nước thải sau khi ra bãi rác là xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường”.


Sở TN&MT Hà Tĩnh cũng khẳng định phối hợp, chỉ đạo huyện Lộc Hà tìm nguyên nhân rò rỉ nước thải, đánh giá hiệu quả hệ thống xử lý nước thải hiện có và đề xuất phương án xử lý nước thải để nước thải sau xử lý đảm bảo quy chuẩn về nước thải bãi rác ra môi trường phải đạt QCVN 25: 2009/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải từ bãi chôn lấp (cột B2) trước khi thoát ra môi trường bên ngoài.

Cứ 80 phân rác thì 20 phân đất

PV báo Người tiêu dùng cũng đã liên hệ với ông Nguyễn Đức Dũng - Trưởng ban Quản lý Cụm công nghiệp Lộc Hà (đơn vị quản lý, vận hành), ông Dũng nhận định “Trước mắt chúng tôi đã xử lý dứt điểm, không để nước thải rò rỉ ra bên ngoài với biện pháp đổ bê tông để chặn kín lại toàn bộ chổ rò rỉ. Hiện tại, chúng tôi đang lập phương án kết hợp với sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh chờ phê duyệt tới cuối tháng này mới có kết quả cụ thể để xử lý triệt để. Còn nói về nguyên nhân cá chết có nhiều nguyên nhân, có thể do từ bãi rác hoặc do nguyên nhân khác tôi cũng chưa rõ và cũng không thể khẳng định được cá chết là do nước thải từ bãi rác.

Hiện nay UBND huyện Lộc Hà đang lên phương án, sau khi xây dựng xong phương án thì gửi lên sở TN&MT của tỉnh. Sau đó sở tổ chức lấy ý kiến của ban ngành liên quan thẩm định phương án này để trình UBND tỉnh phê duyệt để huyện Lộc Hà tổ chức thực hiện. Theo quan điểm của sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh là nước thải phải xử lý đúng quy chuẩn mới cho thải ra ngoài.

“Hiện nay sau khi trưởng đoàn đi kiểm tra về thì phòng đã tham mưu với UBND huyện giao cho ban quản lý Quản lý Cụm công nghiệp Lộc Hà trình phương án cụ thể. Nước thải tuyệt đối không rò rỉ ra bên ngoài nữa, phần phía trong bãi rác thì chúng tôi đã phối hợp với sở TN&MT tỉnh cùng Chi cục Bảo vệ Môi trường thuê đơn vị tư vấn vừa khảo sát để tìm ra giải pháp cách khắc phục tốt nhất. Chúng tôi là tham mưu cho ủy ban chỉ đạo, còn Ban quản lý cụm công nghiệp sẽ là đơn vị trực tiếp vận hành, quản lý bãi rác cùng phối hợp với sở TN&MT để có biện pháp cụ thể”, ông Phan Tiến Dũng – Trưởng phòng TN&MT huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh nói.

Bãi rác được quy hoạch từng hố và cứ 80 phân rác thì lấp 20 phân đất

Chiều ngày 17/10/2018, PV tiếp tục tới thực tế tại bãi xử lý rác thải thuộc địa phận xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà. Tại đây, liên quan đến việc bãi xử lý rác đã hoạt động trong một thời gian chưa dài nhưng lượng rác tập trung tại đây rất lớn và PV đặt câu hỏi liệu một thời gian nữa lượng rác thải có tràn ra ngoài hố chôn lấp và gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Trao đổi với PV, ông Phan Văn Hồng - Cán bộ quản lý, vận hành bãi rác, nói “hố rác trong cùng trước đó chôn lấp cá, mấy hố còn lại là chôn rác thải sinh hoạt. Bây giờ cứ 80 phân rác thì lấp 20 phân đất, đến khi cao bằng độ cao của hồ thì sẽ ngừng và tiếp tục lấp đất, trồng cây lên, xem như hố đó sẽ hoàn thiện. Dự án bãi rác đã quy hoạch sẽ chứa khoảng tầm 15 năm của huyện Lộc Hà, sau này có thể tái chế, sản xuất thành phân bón hoặc vận hành thêm hố khác”.

Thiết nghĩ, rất mong cơ quan ban ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh cần phối hợp chặt chẽ, giám sát, kiểm tra thường xuyên hoạt động của các khu dự án xử lý rác thải trên địa bàn và các công trình tương tự để tránh những sự cố đáng tiếc không hay xảy ra, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc.

Tác giả: Hồng Liên

Nguồn tin: Báo Người tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP