Xã hội

Lãnh đạo Bến xe Miền Đông nói gì sau kết luận thanh tra Samco?

Trong kết luận gửi UBND TPHCM thì Thanh tra TPHCM đã nêu nhiều sai phạm điển hình tại Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông (Bến xe Miền Đông) và đơn vị này cũng đã có những thông tin phản hồi ban đầu.

Sai phạm những gì?

Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, Bến xe Miền Đông đã không thu phí dịch vụ của hàng chục ngàn lượt xe xuất bến trong 3 năm liên tiếp.

Cụ thể, Thanh tra TPHCM đã chọn mẫu 58 ngày trong 3 năm gồm 2015, 2016, 2017 và nhận thấy giữa số lượt xe xuất bến trong ngày nhiều hơn số lượt xe xuất bến được thu phí dịch vụ xuất bến. Chênh lệch số lượt xuất bến và số lượt thu phí dịch vụ xuất bến dao động từ 97 – 206 lượt/ngày. Tổng số lượt xe không thu phí dịch vụ khi xuất bến trong 58 ngày là 10.072 lượt.

Theo đơn giá thấp nhất 3.100 đồng/ghế và đối với xe ít chỗ nhất là 16 chỗ thì phí dịch vụ của mỗi lần xuất bến là 49.600 đồng/lượt. Mỗi ngày, bình quân có 174 lượt xe xuất bến không thu phí dịch vụ thì Bến xe Miền Đông đã để “lọt” số tiền hơn 8,6 triệu đồng/ngày. Như vậy, số tiền để “lọt” vì không thu phí dịch vụ xe xuất bến trong 3 năm là rất lớn.

Thanh tra thành phố cũng “chỉ” ra hàng loạt sai phạm tại Bến xe Miền Đông như: đơn vị này cho doanh nghiệp khác vay vốn không đúng quy định, không thực hiện đăng ký sử dụng đất và ký hợp đồng thuê đất, cho thuê tòa nhà văn phòng, các mặt bằng kinh doanh không đúng với quy định…

Lực lượng thanh tra đã lập biên bản với Samco và Công ty Bến xe Miền Đông. Doanh nghiệp thống nhất nộp số tiền hơn 3,2 tỷ đồng là tiền của Bến xe Miền Đông cho các đơn vị thuê, sử dụng lại một phần nhà văn phòng không đúng theo quy định từ tháng 11/2015 đến tháng 11/2017. Trong đó, Công ty Bến xe Miền Đông nộp hơn 2,4 tỷ đồng, Tổng công ty Samco nộp hơn 800 triệu đồng.

Thanh tra TPHCM đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Bến xe Miền Đông, cụ thể là việc thu giá dịch vụ của xe ra vào bến và cho thuê mặt bằng không đúng quy định. Ảnh: Đại Việt

Bến xe Miền Đông nói gì?

Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, đơn vị này đã xin ý kiến từ Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cũng như các đơn vị liên quan khác để giải trình kết luận thanh tra.

Về việc hàng ngàn lượt xe ra vào bến không thu phí dịch vụ, đại diện Bến xe Miền Đông cho rằng, tất cả các phương tiện vào bến xe đều được xếp chuyến theo tuyến mà các cơ quan quản lý tuyến công bố. Sau khi tổ chức bán vé xong thì Bến xe Miền Đông sẽ tổ chức thu phí dịch vụ ra vào bến.

Đối với các đơn vị vận tải, sau khi hoàn thành chuyến đi thì phương tiện có thể ra khỏi bến để tiếp nhiên liệu, sửa chữa, bảo dưỡng… Khi phương tiện ra khỏi bến, bến xe sẽ giữ lại Lệnh vận chuyển của phương tiện. Khi phương tiện vào lại bến để sắp xếp hành khách lên xe thì bến sẽ đưa lại Lệnh vận chuyển cho nhà xe và thu phí dịch vụ ra vào bến.

Nếu xe nào không đến lấy khách và xuất bến không đúng giờ quy định như cam kết thì phí dịch vụ sẽ vẫn được thu cộng dồn vào lần kế tiếp. Ngoài ra, việc đơn vị vận tải không thực hiện đúng quy định sẽ được báo cáo về các lực lượng chức năng có thẩm quyền để theo dõi, xử lý.

Chúng tôi đặt câu hỏi, "làm sao chứng minh được phương tiện ra ngoài để sửa chữa, bảo dưỡng, tiếp nhiên liệu?".

Ông Huy trả lời, bến xe có quy trình thực hiện điều này, bởi trên Lệnh vận chuyển có đóng dấu đến và dấu đi, bến xe sẽ kiểm soát dựa trên lệnh vận chuyển đó. Ngoài ra, các phương tiện cũng được kiểm soát bằng phần mềm khi ra vào cổng tại bến.

Cũng theo ông Huy, những việc nói trên đều thực hiện theo quy trình đảm bảo an toàn giao thông và giải quyết cho xe ra vào bến được quy định tại Điều 20, Thông tư số 63 của Bộ Giao thông Vận tải.

Liên quan đến việc cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ, quầy vé trong bến xe Miền Đông không đúng quy định, đại diện Bến xe Miền Đông cho biết, đơn vị này đã thông báo sẽ tạm ngừng ký kết các hợp đồng cho thuê mặt bằng đến các hộ đang kinh doanh dịch vụ tại bến xe.

Theo đó, kể từ ngày 31/12/2018, Bến xe Miền Đông sẽ tạm ngưng cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ như ăn, uống, buôn bán hàng hóa… để chờ hướng dẫn từ cấp trên.

Việc ký hợp đồng cho thuê mặt bằng giữa bến xe với các hộ kinh doanh được thực hiện bằng phương án đấu thầu hoặc dựa vào thỏa thuận giữa hai bên, tùy vào vị trí của mặt bằng. Tuy nhiên, giá cụ thể không được tiết lộ.

Nhiều mặt bằng đang được cho thuê chưa đúng với quy định. Ảnh: Đại Việt

Phó Tổng giám đốc Bến xe Miền Đông cũng cho biết, đơn vị này cũng đã xin ý kiến của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) để giải trình kết luận của Thanh tra TPHCM. Phía Tổng Cục Đường bộ cũng đã phản hồi như sau:

“Việc công ty cho các đơn vị vận tải thuê quầy vé tại Bến xe Miền Đông là đúng với quy định tại Khoản 2, Điều 83 của Luật Giao thông đường bộ. Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, các công trình trung tâm thương mại, nhà hàng phục vụ ăn uống là công trình được khuyến khích đầu tư xây dựng tại bến xe. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động của trung tâm thương mại, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bến xe hoặc cho thuê mặt bằng làm trung tâm thương mại, dịch vụ ăn uống phải thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan”, văn bản của Tổng Cục Đường bộ nêu rõ.

Tác giả: Đại Việt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP