Khi tiếp xúc với PV, lái xe Nguyễn Đại Dũng điều khiển xe BKS 77C-066.94 (vượt tải 79,2%) ban đầu còn tỏ ra e dè sợ liên đới trách nhiệm, nhưng về sau đã dần dần hé mở câu chuyện vượt trạm của mình. Lái xe Dũng cho biết: “Được thuê chở hơn 30 tấn ngô từ Quy Nhơn ra Nghệ An. Xe bắt đầu khởi hành từ ngày 1/9, theo QL 1A lần lượt đi qua các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, đêm 6/9 tới Hà Tĩnh thì sáng 7/9 bị lực lượng chức năng Hà Tĩnh bắt đưa về trạm cân”.
Tài xế Nguyễn Đại Dũng kể lại quá trình vượt trạm cân ở 6 tỉnh miền Trung |
Theo lái xe Dũng, muốn vượt trạm cân không khó, chỉ cần căn lúc trời tối, hoặc tảng sáng, lúc lực lượng chức năng giao ca, ăn cơm là có thể vọt trạm êm đẹp. Tuy nhiên, lái xe này cũng khẳng định: Muốn vọt trạm cân và qua mặt lực lượng CSGT thì không phải tỉnh nào cũng giống tỉnh nào. Ví dụ: muốn né trạm cân Quảng Ngãi chỉ cần bám sát đuôi 1 chiếc xe không quá tải là vọt được; Vượt trạm cân Đà Nẵng thì căn lúc lực lượng chức năng rút vào ăn cơm, giao ca thì hò nhau vọt… Riêng 2 tỉnh Bình Định và Quảng Trị do biết trước không cân xe trên QL 1 nên có thể đi một cách thoải mái.
Lái xe Bùi Văn Hải, điều khiển xe BKS 77C- 02105 đang ngồi cạnh đó cũng tới tiếp lời: Trạm nào chẳng có giờ trống, mình cứ đỗ trước trạm chờ các sếp nghỉ là đạp ga vọt lẹ. Nói chung tỉnh nào cũng vậy, căn giờ là qua được hết. Một xe hai tài cứ thay nhau người lái người ngủ và cứ rứa mà đi.
Cũng chính vì phải căn giờ vượt trạm nên 8 tài xế của 4 chiếc xe trên đã không hẹn mà gặp ở Hà Tĩnh. Thời điểm bị bắt ở Hà Tĩnh, cũng là lúc họ đang đỗ xe ở cây xăng Bắc Hồng Lĩnh tìm cách vọt trạm. Đặt nghi vấn về việc bất ngờ bị cưỡng chế đưa xe về trạm cân, lái xe Hải phán đoán: “Chắc phải chuyện chi nên mấy ổng mới làm như rứa, làm chi có chuyện xe đang đỗ ở cây xăng mà các ổng đưa cẩu đến kéo về”. Theo tài xế Hải, cách đây hơn 1 tháng với thủ đoạn tương tự, anh cũng đã vận chuyển trót lọt 1 chuyến hàng quá tải từ Quy Nhơn ra Hà Nội.
Lái xe nói với thủ đoạn “chờ giờ vàng” cho xe vượt trạm, cả 4 xe quá tải đã qua mặt được lực lượng chức năng của 6 tỉnh… |
Cho qua vì… sợ kẹt đường?
Trong câu chuyện với cánh lái xe, dường như họ nắm rất chắc quy luật làm việc, vị trí tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng, đặc biệt có một vài lái xe còn quả quyết nhiều trạm cân đã “làm lơ” cho xe quá tải vọt trạm.
Kể về quá trình chờ giờ vượt 4 trạm cân của mình, lái xe Ngô Văn Bắc điều khiển xe BKS 77H-9763, chở hàng quá tải 80,9%, cho biết: Thường thì bọn em cho xe đỗ từ xa hoặc quay đầu dừng trong các cây xăng gần trạm. Sau đó, một trong 2 tài xế sẽ bắt xe ôm chạy lên trạm cân để nghe ngóng tình hình, nếu thấy các sếp “lơ là” thì gọi điện thoại báo cho người còn lại đánh xe vượt trạm, còn mình đi xe ôm đuổi theo sau. Chưa có tỉnh nào phải nằm lâu cả, chỉ chờ 1,2 tiếng là qua.
Còn lái xe Lê Ngọc Thạch điều khiển xe BKS 54T-0411, chở nông sản vượt tải trọng ở mức 89,3%, thì cho rằng, đã được lực lượng chức năng cho qua vì sợ kẹt đường: “Cách đây 3 hôm, xe em đỗ trước trạm cân ở Huế gần 1 ngày. Có lúc, người ta điều cả xe cẩu đi dọa bắt, khiến bọn em phải quay đầu vòng lại gần 10km. Đến 4 giờ sáng, không hiểu vì sao họ chủ động cho xe qua. Chắc cho qua vì sợ kẹt đường”.
Việc có tới 4 chiếc xe quá tải cùng dùng 1 thủ đoạn qua mặt lực lượng chức năng và trạm cân của 6 tỉnh khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về tính nghiêm minh trong việc kiểm soát tải trọng của lực lượng chức năng. Khi PV đặt câu hỏi về việc có hay không chuyện làm luật với cán bộ trạm cân thì các lái xe đều lảng tránh và tìm cách thoái thác. “Cái này không nói thì các anh cũng biết. Bọn em còn phải đi trên tuyến nhiều nên anh hỏi các sếp ấy”- một trong số 4 lái xe cho biết.
Văn Thanh – Văn Lộc