Gần đây, nhiều người từ xa lặn lội đến nhà bà Đặng Thị Dung (61 tuổi, ở khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương) xin một loại lá không tên để trị bệnh. PV Pháp Luật TP.HCM vào cuộc tìm hiểu tác dụng thực hư của lá thuốc nói trên.
“Triệt” cả ung thư, tiểu đường
“Cuối năm 2015, tôi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Do hóa trị, xạ trị nhiều lần nên tóc tôi rụng hết. Bác sĩ nói không còn khả năng cứu chữa nên cho tôi về” - bà Dung kể.
Theo bà Dung, trong lúc nằm nhà chờ “thần chết” đến rước thì may mắn có người bạn ở xa đến chơi. “Sau khi nghe tôi kể bệnh tình, người bạn nói sẽ cho tôi ăn loại lá được mang từ Campuchia về và đảm bảo hết bệnh. Người bạn còn cho tôi một cây, bảo trồng gần nhà để hàng xóm ai có bệnh thì hái lá cho ăn” - bà Dung nói.
“Quả thật, tôi ăn liên tục vài lần thì khỏe hẳn, hết nhức mỏi, tóc mọc và dài ra. Chưa hết, tôi bị đứa con cắn ở cổ tay đến nỗi làm độc, sưng mủ. Tôi ăn vài lần thì vết thương liền sẹo. Cháu tôi bị ngộ độc thực phẩm, sau khi nhai và nuốt lá này 15 phút thì hết đau bụng, không còn ói mửa. Bị mủ lỗ tai, nhức răng mà nhai lá này một hồi thì hết ngay” - bà Dung khoe.
Bà Dung còn cho biết hàng xóm có một bà 60 tuổi bị tiểu đường và lao phổi. Thế nhưng bà này ăn lá ròng rã một tháng thì hai căn bệnh nói trên biến mất.
“Tôi bị bướu cổ đã lâu, bác sĩ bó tay không thể điều trị. Căn bệnh hành hạ khiến tôi mỗi ngày càng yếu, đi đứng không được. Thế nhưng khi tôi ăn loại lá bà Dung cho trong vòng vài tuần thì bướu biến mất, người khỏe hẳn, đi đứng bình thường” - bà Lê Thị Bích Vân (60 tuổi), hàng xóm bà Dung, nói.
Cả bà Dung và bà Vân đều không biết tên gọi của loại lá chữa “bá bệnh” nói trên. PV đề nghị cho xem hồ sơ bác sĩ xác nhận hết bệnh ung thư cổ tử cung, tiểu đường, bướu cổ nhưng hai bà đều lắc đầu. “Tôi khỏe, ăn được thì không hết bệnh vậy chứ là gì?” - bà Dung lập luận.
Bà Dung bên cây không tên được trồng tại nhà. Theo bà Dung, lá không tên có khả năng trị bá bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Chuyên gia… chào thua
Theo ghi nhận của PV, loại lá có khả năng chữa quá trời bệnh mà bà Dung và bà Vân tâng bốc có hình dáng giống lá giang. Mới nhai thì chát, lát sau có vị đắng.
Sau khi nhìn kỹ chiếc lá PV đưa, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, lắc đầu và nói chưa từng thấy. “Do không có công trình nghiên cứu nên không thể tuyên bố lá này có thể trị dứt nhiều bệnh” - bà Lan nêu quan điểm.
Theo bà Lan, thực tế cho thấy không loại lá nào có thể điều trị nhiều bệnh. Hơn nữa, Đông y chỉ hỗ trợ điều trị các bệnh chứ không thể điều trị dứt bệnh như Tây y. “Ung thư nếu phát hiện sớm thì có khả năng điều trị khỏi bằng phương pháp Tây y. Trong trường hợp quá tin tưởng vào khả năng điều trị của lá cây sẽ làm mất giai đoạn quan trọng trong điều trị ung thư khiến bệnh thêm nặng” - bà Lan lưu ý.
Đề cập đến tiểu đường, bà Lan cho biết chế độ ăn uống, vận động cơ thể là hai yếu tố quan trọng để điều trị bệnh này. Yếu tố thứ ba mới là thuốc. “Nếu cho rằng lá này có khả năng điều trị tiểu đường nhưng người bệnh không được tư vấn chế độ ăn uống hợp lý, không năng vận động thì bệnh chẳng hết mà còn có nguy cơ gây biến chứng phải cưa chân…” - bà Lan khuyến cáo.
Liên quan bướu cổ, bà Lan cho rằng bệnh này có nhiều loại: Bướu cổ đơn thuần, bướu cổ do cường giáp, bướu cổ do nhược giáp. “Bướu cổ đơn thuần là do thiếu chất iốt; bướu cổ do cường giáp sẽ bị mắt lồi, tay run; bướu cổ do nhược giáp sẽ làm mệt mỏi. Do vậy, tùy loại bướu cổ mà có cách điều trị khác nhau. Không có lá cây hoặc thuốc cùng lúc điều trị cả ba bệnh bướu cổ nói trên” - bà Lan nói.
Tương tự, BS Trần Hữu Vinh, nguyên Trưởng phòng Quản lý y học cổ truyền Sở Y tế TP.HCM, cũng lắc đầu khi nhìn nắm lá PV đưa. “Muốn công bố lá cây có trị được bệnh hay không phải được cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước xác định. Trong trường hợp lá cây không xác định được tên, chưa được công bố tác dụng trị bệnh sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng” - BS Vinh cho biết.
Trước đây không ít người tâng bốc khả năng trị bá bệnh của cây lược vàng và cây nở ngày đất. Hai loài cây này có thời gian bán rất nhiều ở TP.HCM. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM xác nhận hai loài cây nói trên chứa độc tố, nguy hiểm cho người sử dụng. Do vậy, không nên tùy tiện sử dụng bất kỳ lá cây, thân cây chưa được nghiên cứu. TS-BS TRƯƠNG THỊ NGỌC LAN, Phó Viện trưởng Chúng tôi đã lập biên bản, đồng thời yêu cầu bà Đặng Thị Dung không được quảng bá và cho người khác sử dụng loại lá tự trồng. Chúng tôi cũng đã lấy mẫu lá để xác định tên gọi, công dụng chữa bệnh và đang chờ kết quả. Trong quá trình làm việc, bà Dung không đưa ra được bất kỳ giấy tờ chứng minh bà bị ung thư cổ tử cung, kể cả hồ sơ chứng minh bà hết căn bệnh nói trên. BS NGUYỄN VĂN AI, Trưởng phòng Y tế thị xã Dĩ An, |
Tác giả: TRẦN NGỌC
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM