Theo BS Thành, ông rất đồng cảm với hoàn cảnh của bệnh nhi bởi không có người mẹ nào mà không đau đớn khi có đứa con lành lặn trở thành tật nguyền sau biến chứng y khoa. “BV đã làm hết sức, trước mắt Ban giám đốc BV sẽ thông qua quan hệ nhờ các BV nhận chữa trị cho bé Khang. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ kêu gọi các tổ chức từ thiện quan tâm, hỗ trợ cho bệnh nhi”, ông Thành nói.
Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM vì sao hơn ba năm qua BV không hề hỗ trợ cho bệnh nhi chữa trị như cam kết và kết luận của HĐND tỉnh Bình Thuận là BV phải hỗ trợ điều trị. BS Thành cho biết ông mới nhận nhiệm vụ, sau khi nhận đơn ông đã lập tức có kế hoạch giúp đỡ bệnh nhi này.
|
Như đã đưa, ngày 22-8-2013 bệnh nhi Nguyễn Hữu Khang, ngụ đảo Phú Quý (Bình Thuận) được mẹ đưa vào BV đa khoa Bình Thuận để mổ thoát vị bẹn. Tuy nhiên, ngày 29-8-2013, sau ca mổ nửa giờ đồng hồ, bé Khang bị hôn mê phải chuyển vào BV Nhi đồng 2, TP.HCM cấp cứu. Bé Khang bị mù, liệt, không nói được và các BS tại đây kết luận do bệnh nhi bị tai biến do gây mê.
Kể từ thời gian này, chị Nguyễn Thị Hiền, mẹ bé Khang đã ôm con đi chữa trị ở nhiều nơi. Báo Pháp Luật TP.HCM đã nhiều loạt bài và đồng hành, kêu gọi hỗ trợ cho trường hợp này hàng trăm triệu đồng. Và kỳ diệu thay, sau một thời gian chữa trị, bé Khang sáng mắt dù trước đó nhiều BV kết luận bé đã mù vĩnh viễn.
Trong thời gian đồng hành cùng bé Khang, chúng tôi còn phát hiện BS trưởng kíp mổ cho bé Khang chưa có chứng chỉ phẫu thuật theo quy định. Theo quy chế BV của Bộ Y tế, phẫu thuật viên phải là BS chuyên khoa ngoại có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa của trường ĐH y hoặc BS đa khoa được bổ túc chuyên khoa có chứng chỉ của chuyên khoa ngoại đầu ngành trung ương, được trưởng khoa ngoại đề nghị và giám đốc BV ra quyết định được thực hiện phẫu thuật. Ngoài ra, trước khi bước vào ca mổ, BV còn thu của gia đình 1 triệu đồng chi phí giải phẫu trong khi bé Khang dưới sáu tuổi, được miễn phí hoàn toàn. Sau khi bệnh nhi bị tai biến thì các BS mang tiền trả lại và giải trình là do thu… nhầm!
Bé Khang hiện vẫn bị liệt, không nói được do di chứng sau mổ. |
Tháng 12-2013, HĐND tỉnh Bình Thuận họp và đã có nhiều chất vấn vụ việc, sau đó Thường trực HĐND tỉnh kết luận, BV phải có trách nhiệm hỗ trợ chi phí để điều trị cho bé Khang. Tuy nhiên, hơn ba năm qua, BV đã không chi đồng nào. Bé Khang hiện tuy vẫn phát triển bình thường nhưng bị liệt, không nói được dù vẫn có cảm xúc khóc, cười.
Ngày 26-9, BV Đa khoa Quốc tế Vimec TP.HCM đã gây mê, chụp MRI cho bé Khang để chẩn đoán và cho biết bệnh nhi có khả năng hồi phục khi được chữa trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, đây là phương pháp chữa trị vô cùng tốn kém trong khi chị Hiền, mẹ bé Khang đã bỏ hết công việc gần 4 năm qua để mong có một phép màu chữa trị cho con, còn cha bé Khang sống bấp bênh nuôi con trai lớn bằng nghề đi biển mướn.
Tác giả: PHƯƠNG NAM
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM